Giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển là mức bồi thường của người vận chuyển đối với một đơn vị hàng hoá bị tổn thất mà giá trị đó không được kê khai trong vận đơn hay chứng từ vận tải [30, tr.56]. Pháp luật của quốc gia cũng như các công ước cũng có sự khác nhau trong các quy định liên quan đến vấn đề này.. Điều 110 BLHHVN và Điều 4 Công ước Hague-Visby 1968 có nội dung giống nhau. Theo đó, trong trường hợp chủng loại và giá trị hàng hoá không được người giao hàng khai báo trước khi bốc hàng hoặc không được ghi rõ vào vận đơn, giấy gửi hàng hoặc chứng từ vận chuyển hàng hoá tương đương, thì người vận chuyển hoặc tàu chỉ có nghĩa vụ bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá hoặc tổn thất khác liên quan đến hàng hoá trong giới hạn tối đa tương đương với 10000 (mười nghìn) Frăng vàng cho mỗi kiện hoặc đơn vị hàng hoá quy ước hoặc 30 (ba mươi) Frăng cho mỗi kilôgam trọng lượng cả bì của số lượng hàng hoá bị mất mát hư hỏng tuỳ theo giá trị nào cao hơn. Tuy nhiên, năm 1979 Nghị định thư SDR (special drawing righ) đã được thông qua để sửa đổi Quy tắc Hague-Visby. Trong Nghị định thư này, đồng tiền giới hạn trách nhiệm đã được đổi thành đồng SDR (Quyền rút vốn đặc biệt) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với mức tương ứng là 666,67 SDR/kiện hay đơn vị hoặc 2 SDR/kg hàng hoá cả bì bị mất tuỳ theo cách tính nào cao hơn. Theo quy tắc Hague thì “người vận chuyển và tàu trong mọi trường hợp không chịu trách nhiệm về hư hỏng, mất mát của hàng vượt quá 100 Bảng Anh (GBP) cho một kiện hoặc một đơn vị hoặc một số tiền tương đương bằng ngoại tệ khác, trừ phi tính chất và giá trị hàng hoá đã được người gửi kê khai vào vận đơn. Điều này có nghĩa là nếu hàng hoá bị tổn thất mà giá trị hàng hoá không kê khai vào vận đơn thì người chuyên chở chỉ bồi thường (nếu thuộc trách nhiệm) 100 GBP/kiện hoặc đơn vị. Trong khi đó giới hạn bồi thường theo Quy tắc Hamburg đã tăng lên rất nhiều so với BLHHVN và hai quy tắc nói trên. Cụ thể là 835 SDR/kiện hay một đơn vị chuyên chở
Việc bồi thường được xác định theo nguyên tắc: 1) tổng số tiền bồi thường được xác định trên cơ sở tham khảo giá trị hàng hoá đó tại thời điểm dỡ hàng quy định trong hợp đồng hoặc lẽ ra phải được dỡ hàng; 2) Giá trị hàng hoá được xác định theo giá giao dịch thương mại, nếu không xác định được giá đó, thì xác định giá thị trường. Trong trường hợp không xác định được hai giá trên, thì căn cứ vào giá hàng cùng loại, cùng chất lượng tại nơi giải quyết bồi thường.
2.1.3.3 Quyền và nghĩa vụ của ngƣời nhận hàng
Như đã phân tích về vận đơn tại mục 2.1 ta thấy trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển vận đơn còn có một chức năng quan trọng là điều chỉnh mối quan quan hệ giữa người vận chuyển và người nhận hàng. Người nhận hàng cầm vận đơn hợp pháp có quyền đòi người vận chuyển giao hàng cho mình tại cảng dỡ. Chính vì thế mà quyền và nghĩa vụ pháp lý của người nhận hàng chỉ xuất hiện khi hàng đã được vận chuyển tới đích, nghĩa là chỉ trong giai đoạn dỡ hàng và trả hàng chủ yếu liên quan đến hai vấn đề chính đó là thanh toán cước phí và thông báo tổn thất.
Đối với việc thanh toán cước phí dựa vào phương thức thanh toán cước phí đã thoả thuận trong vận đơn, nếu vận đơn quy định tiền cước phí do người nhận hàng thanh toán ở cảng đích thì người nhận hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền cước phí đó. Điều 19 BLHHVN quy định “Trong trường hợp hàng hoá được vận chuyển theo vận đơn thì người nhận hàng chỉ phải thanh toán chi phí trong vận đơn”. Việc thanh toán cước phí vận chuyển (nếu vận đơn quy định) là một nghĩa vụ của người nhận hàng, nếu người nhận hàng không thực hiện nghĩa vụ này thì trước hết họ không được nhận hàng và người vận chuyển sẽ từ chối trả hàng. Tiếp theo, người vận chuyển có thể thực hiện quyền cầm giữ hàng hoá để đảm bảo các khoản nợ về cước vận chuyển.
Hành vi thông báo tổn thất tại cảng dỡ là việc người nhận hàng thực hiện các hành vi pháp lý để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình. Do vậy, tại cảng dỡ hàng trước khi nhận hàng, người nhận hàng có quyền kiểm tra hàng hoá đã được vận chuyển và thông báo cho người vận chuyển trong một thời gian nhất định về các tổn thất hàng hoá để bảo lưu quyền khiếu kiện đòi bồi thường sau này. Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ tổn thất hàng hoá có thể xác định mà tiến hành các thủ tục khiếu nại khác nhau. Theo điều 95 BLHHVN thì:
- Đối với các tổn thất rõ ràng như: hàng bị đổ vỡ, bao bì ướt, rách… người nhận hàng phải thông báo ngay trước và trong lúc dỡ hàng cho người vận chuyển biết. Sau khi được thông báo, thuyền trưởng phải lập biên bản đổ vỡ hư hỏng (cargo outurn report). Đây chính là bằng chứng để bảo lưu quyền khiếu kiện đối với hàng hoá sau này. Nếu thuyền trưởng từ chối ký vào biên bản này thì người nhận hàng có quyền yêu cầu cơ quan giám định đến để giám tình trạng hàng hoá và cấp giấy chứng nhận.
- Đối với tổn thất không thấy rõ: khi nhận hàng người nhận hàng nghi ngờ có tổn thất bên trong thì phải gửu “thư dự kháng” (letter of reservation) cho thuyền trưởng hoặc cơ quan đại lý của tàu sau khi nhận hàng hoặc chậm nhất là 3 ngày tính từ ngày nhận hàng.
Mục đích của việc quy định thông báo tổn thất đối với hàng hoá của người nhận hàng là sự khiếu nại để bảo vệ quyền bảo lưu khởi kiện đòi bồi thường đối với tổn thất hàng hoá sau này. Tuy nhiên, nếu người nhận hàng không thông báo tổn thất trước hoặc trong lúc giao hàng để lập biên bản hoặc không có thư dự kháng trong thời hạn 3 ngày tính từ ngày nhận hàng “nhận hàng không có lời phản kháng”, thì người vận chuyển được suy đoán rằng đã giao
hàng đúng như mô tả trong vận đơn và người vận chuyển hết trách nhiệm đối với hàng hoá.
2.2 Hợp đồng vận chuyển vàng hóa bằng tàu chuyến
2.2.1 Khái niệm hợp đồng hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng tàu chuyến.
Hợp đồng thuê tàu chuyến (charter party) là một dạng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Nó được ký kết giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển dưới hình thức văn bản. Sự ký kết đó là kết quả của một quá trình hai bên tự do, tự nguyện thoả thuận. Do vậy hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng tàu chuyến là văn bản pháp lý trực tiếp điều chỉnh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong hợp đồng (người vận chuyển và người thuê vận chuyển). Người vận chuyển (carrier) trong hợp đồng thuê tàu chuyến có thể là chủ tàu (shipower) hoặc người kinh doanh chuyên chở bằng tàu thuê của người khác. Người đi thuê tàu có thể là nhà xuất khẩu (exporter) hoặc là nhà nhập khẩu (importer) tuỳ thuộc vào điều kiện cơ sở giao hàng đã quy định trong hợp đồng mua bán ngoại thương.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra một khái niệm về hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng tàu chuyến như sau: “Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng tàu chuyến là một loại hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển được ký kết bằng văn bản giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển. Theo đó người vận chuyển sẽ dành toàn bộ hoặc một phần của con tàu để chở hàng từ một hay nhiều cảng này và giao cho người nhận ở một hay nhiều cảng khác, còn người thuê vận chuyển cam kết trả tiền cước thuê tàu đúng như hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng”.
Nội dung của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng tàu chuyến thường rất phức tạp, bao gồm nhiều điều khoản khác nhau nhưng nhìn chung bao gồm các điều khoản chủ yếu sau: