Nghĩa vụ cung cấp hàng hoá của người thuê vận chuyển không chỉ đơn thuần là việc giao hàng đến tay người vận chuyển mà còn phải thoả mãn các yêu cầu mang tính chất thủ tục thuộc về tính chất hàng hoá cần được vận chuyển. Nghĩa vụ cung cấp hàng của người thuê vận chuyển hay của người giao hàng được quy định tại các Điều 68, 70, 72… , cụ thể như sau:
- Người thuê vận chuyển phải cung cấp hàng đúng thời gian, đúng địa điểm như cam kết trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá sơ bộ để người vận chuyển tiến hành bốc hàng lên tàu trong thời gian quy định. Nếu người thuê vận chuyển vi phạm điều khoản này thì người vận chuyển hoặc có quyền huỷ bỏ hợp đồng vận chuyển sơ bộ hoặc vẫn chờ đợi để chở hàng nhưng người thuê vận chuyển phải bồi thường các thiệt hại phát sinh do lưu tàu.
- Người thuê vận chuyển phải cung cấp đủ hàng, đúng chủng loại, số lượng và yêu cầu kỹ thuật của hàng hoá cần vận chuyển như đã ghi trong đơn lưu khoang, nếu người thuê vận chuyển không cung cấp đủ hàng sẽ phải chịu cước khống.
Mặc dù phải tuân theo các yêu cầu cung cấp hàng hoá như trên nhưng cũng không hạn chế quyền của người thuê vận chuyển được phép thay đổi hàng hoá ghi trong hợp đồng vận chuyển bằng loại hàng hoá khác có cùng tính chất với điều kiện: [14] hàng hoá thay thế không ảnh hưởng đến người vận chuyển và người thuê vận chuyển khác; tiền cước vận chuyển đối với hàng hoá thay thế không được phép thấp hơn giá thoả thuận đối với hàng hoá bị thay thế.
Liên quan đến tính chất hàng hoá được thể hiện bên ngoài là bao bì của hàng hoá vận chuyển. Bao bì của hàng hoá nhằm bảo vệ sự nguyên vẹn của hàng hoá trong suốt hành trình. Ngoại trừ các trường hợp vận chuyển hàng hoá có tính chất đặc biệt như hoa quả, gia súc…nói chung hàng hoá được vận chuyển bằng đường biển thường được đóng gói trong các bao bì có chức năng chống bẹp, chống va chạm thích ứng với phương thức vận tải đường biển. Bên ngoài của bao bì hàng hoá người thuê vận chuyển phải ghi rõ mã hiệu, ký hiệu để thông báo tính chất của hàng hoá, đó là bốn loại mã ký hiệu cơ bản hay còn gọi là tiêu chí bao bì đó là: 1) ký hiệu gửi hàng (tên, địa chỉ của người gửi, người nhận ghi bằng chữ hoặc ký hiệu); 2) ký hiệu vận chuyển (ghi cảng xuất phát, cảng đến, số kiện, seri); 3) ký hiệu chỉ thị (ghi những yêu cầu riêng cần chú ý khi xếp, dỡ, bảo quản) và; 4) ký hiệu cảnh báo hay còn được gọi là ký hiệu bao bì hàng hoá nguy hiểm (ký hiệu vật dễ cháy, dễ nổ, vật có độc, vật phóng xạ)
Trong giai đoạn thực hiện nghĩa vụ cung cấp hàng hoá người thuê vận chuyển phải khai báo một cách chính xác các tính chất của hàng hoá mà mình có yêu cầu vận chuyển. Thực hiện việc khai báo chính xác sẽ giúp người thuê vận chuyển bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình khi có thiệt hại về hàng hoá xẩy ra trong quá trình vận chuyển, vì người thuê vận chuyển khai
báo không chính xác hoặc không đúng sự thật về hàng hoá vận chuyển thì phải chịu mọi tổn thất phát sinh cho dù lỗi đó là vô ý hay cố ý [15].
ii) Liên quan đến tiền cƣớc:
Tiền cước là một số tiền mà người thuê vận chuyển phải thanh toán cho người vận chuyển về việc vận chuyển số hàng hoá cho mình. Tiền cước là một nghĩa vụ đương nhiên của người thuê vận chuyển. Người thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả tiền cước đầy đủ, đúng thời hạn, địa điểm và theo các phương thức và điều kiện thanh toán như hai bên đã thoả thuận. Tiền cước trong hợp đồng vận chuyển theo chứng từ đã bao gồm cả chi phí bốc xếp, san xếp và dỡ hàng.
Tiền cước vận chuyển do hai bên thoả thuận căn cứ vào biểu cước tàu chợ, người thuê vận chuyển có quyền thương lượng đàm phán về mức giá vận chuyển căn cứ vào chi phí san xếp, dỡ hàng, loại hàng… Mặc dùng phương thức vận chuyển hàng hoá theo chứng từ có đặc điểm là giá cước định sẵn nhưng trên thực tế hiện nay, các chủ tàu trong Công hội (Liner Freight Conference) hoặc ngoài Công hội đều áp dụng chính sách hai giá cước hoặc giảm giá cước. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là các chủ hàng đều muốn bảo mật hàng hoá của mình, trong trường hợp này thì việc quản lý biểu giá chi tiết của Công hội trở nên lạc hậu vì rất ít chủ hàng đặc biệt là chủ hàng lớn không cảm thấy “thú vị” khi phải thanh toán theo biểu giá đó. Vì vậy, tuỳ tình hình cụ thể mà chủ hàng có thể đàm phán để giảm giá cước thuê [16].
Tiền cước phí vận chuyển được người thuê vận chuyển thanh toán cho người vận chuyển theo hai cách hoặc trả trước (freigh prepaid) hoặc trả tại cảng đích (freigh payable at destination).
Tóm lại: thanh toán cước phí và các khoản phụ phí là nghĩa vụ của người thuê vận chuyển, là một nguyên tắc trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá và được pháp luật quy định và đảm bảo thực hiện. Trong trường hợp người thuê vận chuyển vi phạm nghĩa vụ thanh toán (không thanh toán hoặc thanh toán không đúng hạn) thì người vận chuyển có quyền lưu giữ hàng hoá để đòi tiền cước.
2.1.3.2 Quyền và nghĩa vụ của ngƣời vận chuyển
Người vận chuyển là người dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình hoặc thuê tàu thuộc sở hữu của người khác để thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hoá [17]. Quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển hàng hoá bao gồm các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu, liên quan đến hàng hoá và liên quan đến vận đơn. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình nếu người vận chuyển không thực hiện nghĩa vụ đầy đủ thì họ phải chịu trách nhiệm của mình trước hành vi đó.