Vi khuẩn Salmonella sống hoại sinh trong đường tiêu hoá, khi sức đề kháng của con vật giảm sút thì chúng sẽ xâm nhập và gây bệnh. Vì vậy, Salmonella và bệnh do Salmonella gây nên đã được nghiên cứu trên nhiều loài vật nuôi. Ngay từ
những năm 1951 - 1953, viện Pasteur Sài Gòn đã phân lập được 6 type Salmonella
ở người và 35 type Salmonella ở lợn tại lò sát sinh. Năm 1963, Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội kiểm tra và phát hiện 6,3% mẫu phân của công nhân giết mổ và 22% mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella, với phần lớn là các type thuộc nhóm E.
Phạm Quân, Nguyễn Thị Nội (1978)[29] đã dùng kháng nguyên Salmonella gallinarum pullorum tự chế để chế để chẩn đoán Salmonellosis ở các trại gà An Khánh, Đông Anh, Thành Tô. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng của đàn gà là 15% trong đó gà Leghorn ở An Khánh nhiễm 25%, gà Sasso ở Đông Anh nhiễm 13,3%, gà Ross ở Đông Anh nhiễm 13,6%, gà Cocnic và Plymouth ở Thành Tô nhiễm 0,16%. Theo các tác giả thì gà đẻ có tỷ lệ nhiễm cao nhất (41,5%), gà hậu bị có tỷ lệ nhiễm 15%.
Theo Trương Quang (1998)[27] đã tiến hành nghiên cứu xác định tỷ lệ nhiễm
Salmonella ở đàn gà Hybro là 9,6%, đàn gà ISA là 8,8%. Tác giả cũng kết luận Salmonellosis đã gây ảnh hưởng xấu đến đáp ứng miễn dịch chống Newcastle của gà. Gà nhiễm Salmonellosis khi sử dụng vaccine Newcastle phòng bệnh đều cho hiệu giá HI thấp 82-98, tỷ lệ bảo hộ đạt 83-94%.
Trần Thị Lan Hương (1993)[19] dùng phản ứng ngưng kết nhanh trên phiến kính kết hợp với mổ khám để xác định tỷ lệ nhiễm Salmonellosis ở xí nghiệp gà Nhân Lễ và trại gà tổng cục Hậu Cần của 2 giống gà Hybro và Plymouth. Kết quả cho thấy gà Hybro 30-35 ngày tuổi nhiễm 28,1%, gà Plymouth 30 ngày tuổi nhiễm 22,5%. Tác giả đã dùng Fuailidone liều 0,05% trộn thức ăn liệu trình 6 ngày, tỷ lệ khỏi là 80%.
Dương Thị Yên (1997)[40] nghiên cứu tình hình nhiễm Salmonella ở 4 giống gà AA, Lohmann, ISA, Goidine, nuôi tại xí nghiệp gà Tam Dương cho biết gà AA có tỷ lệ nhiễm cao nhất 8,29%, sau đó gà ISA nhiễm 7,2%, gà Lohmann nhiễm 4,26% và Goidine nhiễm 3,19%. Tác giả cho biết tỷ lệ nhiễm phụ thuộc vào mùa vụ, trong đó vụ Hè – Thu (tháng 5-tháng 10) tỷ lệ nhiễm 8,79% cao hơn so với vụ Đông –Xuân (tháng 11-tháng 4 năm sau), tỷ lệ nhiễm là 4,68%.
Trần Thị Hạnh và cs (1997)[8] đã sử dụng một số kháng sinh để hạn chế
Salmonella ở gà công nghiệp. Thí nghiệm được bố trí trên 3 lô. Lô 1 sử dụng Neomycin với liều 120mg/kgP, bổ xung vào nước uống liên tục trong 5 ngày, sau đó cứ 2 tuần nhắc lại một lần. Lô 2 sử dụng colistin với liều 400ppm trộn thức ăn, dùng 5 ngày liên tục, sau 5 ngày nhắc lại 1 lần. Lô 3 đối chứng sử dụng anflox chỉ dùng khi cần thiết (khi thấy gà có dấu hiệu ỉa chảy) với liều 12mg/kgP. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm Salmonella giảm đánh kể sau khi điều trị: Lô 1 giảm từ 25,63% xuống còn 6%, lô 2 giảm 11,63%. Tiến hành nuôi cấy bệnh phẩm là cơ quan phủ tạng của phôi thai không nở được sau 21 ngày ấp, gà con chết ở lúc 1 ngày tuổi ở lô 1 và lô 2 đều không tìm thấy Salmonella. Từ đó chứng tỏ rằng 2 loại kháng sinh dùng cho lô 1 và lô 2 đã hạn chế Salmonella lây qua trứng. Việc sử dụng kháng sinh trên không làm giảm tỷ lệ đẻ và tỷ lệ ấp nở trứng.
Trần Thị Hạnh và cs (1999)[9] đã nghiên cứu tình hình ô nhiễm Salmonella
trong môi trường chăn nuôi gà công nghiệp và trong các sản phẩm chăn nuôi ở các cơ sở nuôi miền Bắc. Theo tác giả cho biết tỷ lệ nhiễm Salmonella bình quân là 26%, trong nước uống là 31,08%, trong nước thải là 79,59%, trong chất độn chuồng là 80%, trong lòng đỏ trứng gà tươi là 28,29% và trong bệnh phẩm là 30,91%. Các loài Salmonella phân lập được là Salmonella enteritidis nhiều nhất. Sau đó là
Salmonella typhimurium, Salmonella paratyphy A, Salmonella gallinarum pullorum
và Salmonella choleraesuis.
Theo Nguyễn Thị Tuyết Lê (1999)[21] bằng phản ứng ngưng kết nhanh trên phiến kính tác giả đã xác định được tỷ lệ nhiễm Salmonella ở gà Tam Hoàng là 9,27%, gà ISA là 11,6%. Tác giả cho biết thêm về ảnh hưởng của Salmonellosis đến tỷ lệ đẻ của gà Tam Hoàng, cũng như sự phát triển của phôi gà.
Theo Trần Quang Diên (2002)[5] đã xác định tỷ lệ nhiễm Salmonella ở một số đàn gà giống của các khu vực khác nhau: kết quả cho thấy ở Hà Nội giống gà AA nhiễm 12,62%, giống Avian nhiễm 13,69%, giống ISA ở Hà Tây nhiễm 7,4%, ở Hải Dương nhiễm 5,33%, ở Hòa Bình nhiễm 1,19%. Tác giả cũng thông báo tỷ lệ nhiễm Salmonella theo các lứa tuổi và mùa vụ khác nhau.
Ngành chăn nuôi ở Việt Nam không ngừng phát triển, hệ thống cung cấp con giống phức tạp, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc nghiên cứu tiếp theo về Salmonella
càng cần thiết, góp phần làm cho người chăn nuôi có những nhận thức về thiệt hại do Salmonella gây ra, giúp họ thực hiện những biện pháp hữu hiệu phòng bệnh làm sạch môi trường chăn nuôi và nâng cao năng suất chăn nuôi.