Nguyên nhân từ pháp luật

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 92)

Thứ nhất, nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự, chi phối toàn bộ hoạt động xét xử, tuy nhiên còn thiếu những nguyên tắc khác có ý nghĩa bổ sung, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả hơn nguyên tắc này. Bộ luật tố tụng hiện hành quy định nguyên tắc rất quan trọng đó là nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 9: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, nguyên tắc này coi bị cáo là người bị buộc tội chứ họ chưa phải là phạm nhân, chưa bị coi là có tội và với tư cách là một bên đối trọng với bên buộc tội do đó họ vẫn có quyền bình đẳng trước Tòa án. Bên cạnh đấy, nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” tại Điều 11 cho họ quyền được tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa góp phần tạo điều kiện để họ tự mình hoặc nhờ người bào chữa thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa. Tuy nhiên một nguyên tắc rất quan trọng mà pháp luật tố tụng hình sự vẫn chưa ghi nhận đó là nguyên tắc tranh tụng. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ chính trị cũng chỉ rõ: “phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa…” và Nghị quyết số 49/NQ-TW cũng yêu cầu: “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Tranh tụng là các bên đưa ra chứng cứ, lập luận của mình để chứng minh quan điểm của mình và bác bỏ luận điểm của bên đối phương, trên cơ sở đó, Tòa án là trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng. Nguyên tắc tranh tụng yêu cầu phải có sự bình đẳng giữa các chủ thể trong vấn đề thu thập, xuất trình chứng cứ, tranh luận dân chủ tại tòa, bảo đảm quyền bình đẳng là cơ sở để thực hiện hiệu quả việc tranh tụng. Tóm lại, nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử bảo đảm cho các chủ thể tham gia tranh tụng các quyền tố tụng bình đẳng tức là tạo ra khả năng để các chủ thể nói chung và bị cáo nói riêng bảo vệ một cách có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của

mình và chính nhờ vậy mà Tòa án có thể xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để có quyết định đúng đắn về vụ án. Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án có mối liên hệ chặt chẽ với các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự tạo thành một hệ thống thống nhất, đồng thời chịu sự tác động qua lại lẫn nhau đặc biệt là đối với các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng. Nguyên tắc này là điều kiện bảo đảm cho nguyên tắc kia và ngược lại. Do đó, pháp luật tố tụng hình sự cần phải hướng tới phiên tòa tranh tụng.

Thứ hai, mặc dù nguyên tắc Bảo đảm quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước Tòa án là nguyên tắc cơ bản, nhưng vẫn còn các Điều luật chưa thống nhất với nguyên tắc này và vẫn còn thiếu các điều luật bổ sung cho nguyên tắc này, dẫn đến việc thực thi nguyên tắc kém hiệu quả. Ví dụ: tại các điều 187 “sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa”, 189 “Sự có mặt của Kiểm sát viên”, 190 “Sự có mặt của người bào chữa”, điều 191 “Sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ” Bộ luật tố tụng hình sự quy định trong mọi trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt phải hoãn phiên tòa, trong khi đó người bào chữa hoặc bị cáo và các chủ thể khác vắng mặt thì vẫn có thể tiến hành xét xử vụ án. Quy định như vậy là chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên trong việc đưa ra chứng cứ và tranh tụng, tuy tiện lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng sẽ không bảo đảm được các quyền lợi của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là của bị cáo. Sự vắng mặt của Luật sư và của bị cáo ở phiên tòa sẽ làm cho mất quyền được bào chữa, đưa ra chứng cứ và quá trình tranh tụng mất đi ý nghĩa của nó bởi thiếu một bên tham gia.

Thứ ba, đối với bị cáo và người bị hại nên quy định cho họ quyền được tự mình thu thập chứng cứ hoặc yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hộ. Theo Điều 50 quy định quyền của bị cáo và Điều 51 quy định quyền của

người bị hại. Các điều luật này không quy định cho bị cáo và người bị hại có quyền tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong khi Điều 19 quy định họ có quyền bình đẳng trong việc “đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật”. Việc quy định cho họ có quyền tự mình thu thập chứng cứ góp phần bảo đảm quyền lợi của chính bản thân họ và góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án. Đặc biệt, đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì càng cần thiết quy định cho bị hại (đại diện hợp pháp của họ).

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng có hẳn Điều 308- Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm và hình phạt đối với việc từ chối khai báo, từ chối kết luận hoặc từ chối cung cấp tài liệu. Trong khi đó, pháp luật tố tụng hình sự hiện nay quy định người bào chữa được quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những nguồn rất hạn chế: “từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác”- Điều 58, khoản 2, điểm đ BLTTHS. Mặt khác, cũng không có cơ chế bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật của người bào chữa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu những nơi này không hợp tác. Cũng chính tại Điều 65, người bào chữa và những người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự không được quy định quyền được thu thập chứng cứ với các biện pháp như: triệu tập nhân chứng, trưng cầu giám định, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu.

Ngoài ra, đối với những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc mâu thuẫn trong chứng cứ và kết luận giám định, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành mặc dù ghi nhận quyền cho những người tham gia tố tụng được yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại nhưng là yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng giám định chứ không được tự mình trưng cầu giám định. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng. Bởi vì, trong vụ án hình sự, kết quả giám định rất quan trọng, nhiều vụ án kết luận

giám định có ý nghĩa quyết định với việc định tội, định khung hình phạt. Do đó cần trao quyền cho những người tham gia tố tụng được yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại, quyền trưng cầu giám định. Có như vậy mới đảm bảo thực tế quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, hướng tới phiên tòa tranh tụng bình đẳng, khách quan.

Thứ tư, tại Điều 23 “Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự” quy định Viện kiểm sát là cơ quan đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố, là bên buộc tội thế nhưng Viện kiểm sát lại kiêm luôn cả chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự trong đó có hoạt động xét xử, như vậy không đảm bảo sự bình đẳng. Cần phải quy định Viện kiểm sát chỉ thực hành quyền công tố, vì như vậy mới đảm bảo chất lượng công tố, chuyên sâu hơn về nhiệm vụ của mình và đảm bảo quyền bình đẳng. Thực tế hiện nay chức năng kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát cũng không phát huy được tác dụng.

Cuối cùng, ngoài những nguyên nhân trong những quy định tại pháp luật tố tụng hình sự còn có những hạn chế trong các văn bản pháp luật khác về tổ chức hoạt động của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, tổ chức Luật sư, tổ chức Giám định tư pháp, phiên dịch. Ví dụ: lĩnh vực giám định tư pháp chưa có sự quy định hoàn toàn đầy đủ về lĩnh vực này như: phạm vi giám định tư pháp, mô hình giám định tư pháp, quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, vấn đề trưng cầu giám định, còn thiếu nhiều lĩnh vực giám định v.v...

Luật tổ chức Toà án quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm, sau nhiệm kỳ phải làm thủ tục bổ nhiệm lại. Thẩm phán ở các nước phát triển có được bổ nhiệm suốt đời, họ chỉ bị miễn nhiệm khi có vi phạm. Việc quy định nhiệm kỳ đối với Thẩm phán không chỉ làm mất thời gian, tốn kém kinh tế và gián đoạn hoạt động xét xử của Thẩm phán khi đến thời hạn bổ nhiệm lại. Ví dụ: tại một Toà án có nhiều án tồn cần giải quyết, trong khi số lượng thẩm

phán có hạn, việc thành lập Hội đồng bổ nhiệm và làm thủ tục bổ nhiệm lại rất mất thời gian, tốn kém, mang tính hình thức. Thậm chí, có khả năng xảy ra tiêu cực. Nhiệm kỳ thẩm phán cũng làm cho thẩm phán không độc lập, khách quan khi tiến hành tố tụng, họ lo sợ khả năng bị chậm hoặc không được bổ nhiệm lại.

Không chỉ Thẩm phán, mà cả ngành Toà án hiện nay chưa được độc lập, hoạt động tư pháp có nguy cơ bị tác động từ nhiều phía. Toà án hiện nay tổ chức theo cấp hành chính, chịu sự quản lý của cấp uỷ địa phương và cũng chỉ được xét xử án trong địa phương. Như vậy không đảm bảo tính độc lập, Thẩm phán có thể bị tác động từ cơ quan nhà nước khác và từ chính những người dân tại địa phương. Do đó, cần sớm thành lập Toà án khu vực, vừa có điều kiện trang bị tập trung cho toà, vừa làm giảm sự tác động mang tính cục bộ địa phương, góp phần đảm bảo cho Toà án đúng là người trọng tài khách quan, bảo vệ quyền bình đẳng của những người tham gia phiên toà.

Còn rất nhiều hạn chế từ quy định của pháp luật dẫn đến những bất cập, khó khăn trong thực tế, làm giảm hiệu quả thực hiện nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, làm cho nguyên tắc còn mang tính hình thức, hiệu quả và thể hiện trong thực tiễn chưa cao. Trên đây là những nguyên nhân cơ bản từ góc độ quy định của pháp luật cần phải được sớm sửa đổi hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)