Cộng hòa liên bang Đức

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 55)

Cộng hòa liên bang Đức là đất nước theo truyền thống pháp luật châu âu lục địa, tố tụng hình sự của họ được xây dựng và áp dụng theo mô hình tố tụng thẩm vấn, xét hỏi. Bộ luật tố tụng hình sự của CHLB Đức được xây dựng, hình thành từ những năm 1890, được sửa đổi bổ sung nhiều lần. Đây là Bộ luật đồ sộ với tám phần, 477 điều luật. Trong phần một “Những quy định chung” không nêu một nguyên tắc nào mà đưa ra các quy định chung cho những hoạt động tố tụng trước khi mở phiên tòa. Trong phần một, gồm mười một chương, không có chương nào nói về các nguyên tắc của tố tụng hình sự, nhưng lại quy định rất cụ thể, tỉ mỉ về những vấn đề chung của tố tụng hình sự như: Thẩm quyền xét xử của Tòa án (Chương 1), Địa điểm xét xử (Chương 2), Loại trừ và yêu cầu thay đổi cán bộ Tòa án (Chương 3), Các quyết định và thông báo của Tòa án (Chương 4), Các thời hạn và phục hồi tình trạng ban đầu (Chương 5), Nhân chứng (Chương 6), Các chuyên gia và việc giám định (Chương 7), Thu giữ, nghe lén các phương tiện viễn thông, tìm kiếm bằng máy tính, sử dụng các thiết bị kỹ thuật, sử dụng trinh sát và khám xét (Chương 8), Bắt và tạm giam (Chương 9), Những biện pháp khác nhằm truy tố và thi hành bản án hình sự (Chương 10A), Tạm thời cấm làm công việc nhất định (Chương 10B), Lấy lời khai bị cáo (Chương 10C) và Bào chữa (Chương 11). Chỉ có thể tìm thấy nội dung của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án ở phần thứ hai “Thủ tục xét xử sơ thẩm”.

Nội dung thứ nhất- bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật:

Tố tụng hình sự Đức thuộc kiểu tố tụng hình sự thẩm vấn, việc điều tra thu thập chứng cứ được chuẩn bị rất kỹ trước khi mở phiên tòa. Ngay trước khi mở phiên tòa, Tòa án cũng đã tham gia tích cực vào quá trình thu thập chứng cứ. Ngay sau khi có người bị bắt là phải mang ngay tới Thẩm phán của Tòa án địa phương. Đối với người có quyết định khởi tố và bị bắt giam, người đó sẽ được đưa tới Tòa án có thẩm quyền để Tòa án quyết định trả tự do, tạm

giam hay đưa đi chữa bệnh (Điều 129). Các lệnh bắt, tạm giữ, thu giữ đồ vật, nghe lén, khám xét người và đồ vật… đều do Thẩm phán quyết định phê chuẩn, Cơ quan công tố chỉ quyết định trong những trường hợp khẩn cấp (Điều 98, 100, 100b, 100d, 105). Thậm chí các hoạt động điều tra trinh sát, thay đổi căn cước của cảnh sát, xâm nhập vào nhà riêng cũng cần phải có sự đồng ý của Thẩm phán (Điều 110a, 110b, 110c). Chính vì thế, quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật cũng xuất hiện từ giai đoạn trước khi Tòa xét xử. Tại phiên tòa chủ yếu là các hoạt động kiểm tra lại các chứng cứ đã được thu thập.

Sau khi bị bắt, bị cáo được áp giải đến Tòa án để Thẩm phán lây lời khai (Điều 134, 135). Luật quy định “Việc lấy lời khai phải tạo cơ hội cho bị cáo bác bỏ lý do nghi ngờ anh ta và đưa ra những tình tiết có lợi cho anh ta”- Điều 136. “Bị cáo cũng được hướng dẫn việc có thể yêu cầu thu thập chứng cứ để phục vụ bào chữa”. Tại phiên tòa, các bên có quyền kiểm tra chéo những chứng cứ, lời khai nhân chứng và kết luận giám định- Điều 239. Thẩm phán, công tố viên có quyền thẩm vấn bị cáo, người làm chứng để làm rõ chứng cứ. Bị cáo và người bào chữa cũng có quyền hỏi nhân chứng và người giám định.

Như vậy, khác với tố tụng hình sự Việt Nam, Thẩm phán Đức tham gia tố tụng từ sớm, Thẩm phán cũng tham gia thu thập và kiểm tra chứng cứ trước khi mở phiên tòa. Tại phiên tòa, chủ yếu là kiểm tra chứng cứ đã được thu thập. Đương nhiên các bên vẫn có quyền trình chứng cứ mới, hơn nữa còn có quyền thẩm vấn các vấn đề chưa rõ về chứng cứ và các vấn đề liên quan khác.

Nội dung thứ hai- bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu:

Bị cáo và những người tham gia tố tụng có quyền bình đẳng trong việc đưa ra các yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bị cáo có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa nếu cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm thời hạn tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử (thời hạn triệu tập ít nhất là 1 tuần sau

khi tống đạt quyết định triệu tập- Điều 217); bị cáo có quyền yêu cầu Thẩm phán triệu tập người làm chứng, người giám định hoặc thu thập các chứng cứ khác đến phiên tòa, nếu chứng cứ mà bị cáo yêu cầu thu thập do cơ quan có thẩm quyền cung cấp thì Cơ quan công tố có trách nhiệm thực hiện thu thập- Điều 219.

Có một điểm rất khác với pháp luật tố tụng Việt Nam là “Nếu thẩm phán chủ tọa phiên tòa bãi bỏ việc triệu tập một người nào đó, bị cáo có thể có quyền triệu tập trực tiếp. Người được triệu tập trực tiếp phải có nghĩa vụ có mặt tại thời điểm được triệu tập”- Điều 220. Không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng có quyền triệu tập người đến tham dự phiên tòa mà bị cáo cũng có quyền triệu tập người khác đến tham dự phiên tòa, miễn là người được triệu tập biết về nội dung vụ án, có khả năng cung cấp những lời khai có giá trị cho việc giải quyết vụ án. “Tòa án có trách nhiệm mở rộng việc thu thập chứng cứ đối với người làm chứng và người giám định được bị cáo và cơ quan công tố triệu tập tới tòa án”-Điều 245.

Mặc dù đối yêu cầu thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng, người giám định, bị cáo và cơ quan công tố bình đẳng với nhau, nhưng do hệ tố tụng của Đức là hệ tố tụng thẩm vấn, giai đoạn trước khi mở phiên tòa chứng cứ gần như đã đầy đủ. Có ít cơ hội để những người tham gia tố tụng có thể thu thập thêm chứng cứ mới và đưa ra được yêu cầu mới có lợi cho việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu thu thập chứng cứ quá hạn còn có thể bị từ chối: “Việc thu thập chứng cứ có thể bị từ chối nếu có căn cứ cho rằng chứng cứ đó hoặc những tình tiết được chứng minh được đưa ra quá muộn”- Điều 246. Quy định như vậy có phần hạn chế quyền của đương sự, có điểm khác với pháp luật Việt Nam về thu thập chứng cứ.

Nội dung thứ ba- tranh luận dân chủ trước tòa án:

Như đã nói về hệ tố tụng thẩm vấn của CHLB Đức, các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ được thực hiện rất đầy đủ trước khi mở phiên tòa, Tòa

án tham gia tích cực vào quá trình này, thậm chí tham gia từ khi có người bị tạm giữ và bị khởi tố vụ án. Tại phiên tòa, hoạt động chủ yếu là kiểm tra đánh giá các chứng cứ đã được thu thập. Các chứng cứ mới vẫn được đưa ra xem xét, nhưng có rất ít cơ hội có chứng cứ mới. Việc kiểm tra, xem xét, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa chủ yếu do thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều khiển và thực hiện. Tòa án sẽ công bố các lời khai trước đó nếu có mâu thuẫn về lời khai tại phiên tòa và chứng cứ mới- Điều 254, 256. Tại phiên tòa, các bên vẫn có quyền bổ sung chứng cứ và tranh luận trước tòa, nhưng chủ yếu tranh luận về các chứng cứ mới, các yêu cầu mới đã được đưa ra. Từ những chứng cứ được thu thập trước đó và chứng cứ thu thập tại phiên tòa, Tòa án tự do đánh giá chứng cứ- “Tòa án sẽ quyết định về kết quả chứng cứ thu thập được theo kết quả thu được tại phiên tòa”-Điều 261.

Từ những nghiên cứu trên thấy rằng quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa cũng được bảo đảm, Công tố viên và bị cáo đều có quyền triệu tập nhân chứng, người giám định…Có quyền xuất trình chứng cứ mới và kiểm tra chứng cứ, có quyền tranh luận và đưa ra ý kiến của mình. Nhưng do Đức có hệ tố tụng thẩm vấn, vai trò của Tòa án trong tố tụng hình sự là rất lớn, có vai trò chủ yếu, chi phối các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt tại phiên tòa yếu tố tranh tụng không nhiều, việc chứng minh giải quyết vụ án chủ yếu do Tòa án thực hiện. Tuy thế, các quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước tòa án vẫn được bảo đảm cao.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)