Cộng hòa nhân dân Trung Hoa:

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 53 - 55)

Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thông qua tại kỳ họp thứ hai, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 5 ngày 01 tháng 7 năm 1979, được sửa đổi ngày 17/3/1996 và có hiệu lực thi hành cho đến nay. Mục đích và những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Trung Quốc được quy định tại chương I, phần thứ nhất của Bộ luật này, gồm 17 Điều. Trong phần những nguyên tắc cơ bản, điều luật chỉ quy định nội dung mà không có tên điều luật, không quy định tên nguyên tắc là gì. Không có điều luật quy định cụ thể nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án, như thế không có nghĩa nội dung của nguyên tắc này không được quy định, ngược lại, nội dung của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng được quy định rất cụ thể trong phần thứ ba “Xét xử”.

Nội dung thứ nhất- bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật:

Tại phiên tòa, các bên đều có quyền xuất trình, đưa ra chứng cứ. Không chỉ Kiểm sát viên mới có quyền kiểm tra chứng cứ mà các bên đều có quyền kiểm tra chứng cứ. Điều 157 quy định: “Kiểm sát viên và người bào chữa phải xuất trình chứng cứ ra trước phiên tòa cho các bên kiểm tra…Thẩm phán phải nghe ý kiến của Kiểm sát viên, các bên đương sự, người bào chữa và người đại diện được ủy quyền”. Sau khi các bên xuất trình chứng cứ, qua việc đánh giá chứng cứ, Hội đồng xét xử thấy có vấn để nghi vấn thì có thể hoãn phiên tòa để kiểm tra chứng cứ, Điều 158: “Trong quá trình xét xử tại tòa, nếu Hội đồng xét xử có nghi ngờ về chứng cứ thì có thể tuyên bố hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra nhằm kiểm tra chứng cứ”. Như vậy, luật cho phép các bên được bình đẳng đưa ra chứng cứ mới, được quyền đánh giá chứng cứ, Tòa án có thể hoãn phiên tòa để kiểm tra chứng cứ mà không sợ chậm thời gian và kế hoạch xét xử.

Nội dung thứ hai- bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu:

Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, các bên đương sự, người bào chữa và người đại diện được ủy quyền có quyền yêu cầu triệu tập nhân chứng mới, thu thập chứng cứ mới, giám định lại và các yêu cầu khác”-Điều 159. Tại phiên tòa, các bên được bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu về việc triệu nhân chứng mới và thu thập chứng cứ mới, pháp luật bảo đảm quyền này nhằm có thêm chứng cứ mới cho tòa án ra phán quyết, không chỉ dừng lại ở những gì cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã thu thập. Đối với những vấn đề chưa rõ ràng, mâu thuẫn trong kết luận giám định các bên được quyền yêu cầu giám định lại. Tòa án có trách nhiệm xem xét thực hiện các yêu cầu trên.

Nội dung thứ ba- tranh luận dân chủ trước Tòa án:

Chứng cứ mà các bên đưa ra đều được xem xét, kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa. Các bên có quyền tranh luận về tính hợp pháp và giá trị chứng minh của chứng cứ đó. Ngoài ra, các vấn đề khác trong vụ án nếu chưa rõ ràng các bên cũng có quyền tranh luận làm rõ. “Với sự cho phép của Thẩm

phán chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên, các bên đương sự, người bào chữa và người đại diện được ủy quyền có thể trình bày quan điểm của mình về chứng cứ và về vụ án và có thể tranh luận với nhau”- Điều 160.

Tại phiên tòa, không chỉ Hội đồng xét xử, kiểm sát viên có quyền hỏi mà người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác cũng có quyền hỏi những vấn đề liên quan đến vụ án chưa được làm rõ. “Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện được ủy quyền có thể, với sự cho phép của thẩm phán chủ tọa, đặt câu hỏi đối với bị cáo”- Điều 155. “Kiểm sát viên, các bên đương sự, người bào chữa và người đại diện được ủy quyền, với sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa có thể hỏi người làm chứng và người giám định”- Điều 156. Như vậy, thẩm phán trong phần thẩm vấn và tranh luận, chủ yếu có chức năng điều hành phiên tòa, vai trò của Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng rất chủ động, họ được bình đẳng trong việc hỏi đáp những vấn đề chưa rõ, được bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, bình đẳng trong yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa.

So với pháp luật Việt Nam, các bên tham gia phiên tòa có vai trò tích cực hơn ở phần xét hỏi, được phép đặt câu hỏi với bị cáo, hỏi người làm chứng và người giám định những vấn đề liên quan trong vụ án. Tòa án có nhiều quyền năng trong khi xét xử. Tòa án có quyền hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra nếu có nghi ngờ về chứng cứ. “Khi tiến hành để kiểm tra chứng cứ, Tòa án nhân dân có thể tiến hành thẩm tra, kiểm tra, thu giữ, giám định cũng như điều tra và phong tỏa tài sản”- Điều 158. Tòa án có quyền trực tiếp tiến hành các hoạt động kiểm tra, điều tra những vấn đề và những chứng cứ chưa rõ ràng, quyền năng này giúp Tòa án chủ động khi ra quyết định hoãn phiên tòa để kiểm tra chứng cứ. Như vậy, quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ được đảm bảo thực tế hơn.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)