Như phần trên đã phân tích, một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án, đó là những người tiến hành tố tụng không vô tư, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ, năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu của công việc. Hiện nay, lương của cán bộ công chức nói chung, đặc biệt, lương và chế độ chính sách đối với Thẩm phán rất thấp, không đảm bảo được chi phí cho cuộc sống thường ngày. Với mức lương tối thiểu là 540.000đồng nhân với hệ số của thâm niên công tác so với tình hình lạm phát(số liệu), giá cả đắt đỏ, nhiều khoản chi phí thì không đảm bảo cho người Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm yên tâm công tác. Họ phải tìm cách làm thêm việc khác, thậm chí làm những việc vi phạm pháp luật như: nhận hối lộ. Bằng chứng là hàng năm, có nhiều cán bộ tòa án và kiểm sát bị kỷ luật, buộc thôi việc, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự khó khăn về kinh tế là điều kiện thuận lợi để hoạt động chạy án, đưa hối lộ có cơ hội phát triển. Như vậy, không thể có việc khách quan khi tiến hành tố tụng. Ngoài ra, khi mà cuộc sống khó khăn, thúc bách kinh tế thì Thẩm phán, kiểm sát viên ít khi có động lực, có thời gian và điều kiện để học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Nếu như ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh các cơ sở đào tạo thuận lợi cho việc học tập thì ở các tỉnh khác việc cán bộ tự mình đi học thêm, tự mở rộng bằng cấp là khó thực
hiện. Trong khi yêu cầu của cuộc cải cách tư pháp đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Xét tình hình thực tế điều kiện kinh tế, chế độ chính sách đối với Thẩm phán, Kiểm sát viện, Hội thẩm như hiện nay không đảm bảo cho họ có thể khách quan, chính xác khi thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, với việc cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Tòa án phần lớn đã xuống cấp, lạc hậu, không phù hợp với yêu cầu của công tác xét xử trong tình hình mới cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xét xử. Trong khi số lượng án hàng năm phải giải quyết rất lớn thì trụ sở làm việc của các Tòa án lại quá chật hẹp, xuống cấp, thậm chí còn phải đi thuê. Phòng xử như vậy không đảm bảo tính trang nghiêm của Tòa án; chỗ ngồi cho Luật sư chật hẹp, không có phòng cách ly người làm chứng và các bên tham gia tố tụng khiến cho việc thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa rất khó khăn. Đối với những yêu cầu phiên dịch, trưng cầu giám định rất khó thực hiện, chi phí trả cho những hoạt động này rất thấp, cho nên yêu cầu họ thực hiện thường bị chậm trễ hoặc né tránh. Nguyên tắc quy định trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng thuộc về Tòa án, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trụ sở thiếu thốn, tiền ngân sách cấp thì hạn chế, Tòa án khó có thể đáp ứng yêu cầu của các đương sự trong việc thu thập và xuất trình chứng cứ, khó có thể đáp ứng yêu cầu và khó có thể bảo đảm cho phiên tòa diễn ra một cách bình đẳng.
Còn rất nhiều nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước Tòa án, tuy nhiên những nguyên nhân cơ bản vẫn là sự thiếu hoàn thiện của pháp luật, sự hạn chế từ trình độ và đạo đức của những người tiến hành tố tụng và thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất chế độ chính sách đối với những người tiến hành tố tụng. Từ những nguyên nhân trên ta phải định hướng giải quyết và tìm ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc.