Nhìn vào thực trạng xét xử của Tòa án trong những năm vừa qua thấy rằng mặc dù trong tình hình điều kiện vật chất còn khó khăn, số lượng cán bộ toà án còn ít, số vụ án phải giải quyết rất lớn, nhưng công tác xét xử của Tòa án đã có những thành tựu rất đáng tự hào (số liệu thụ lý, xét xử). Ngành Tòa án đã thực hiện tốt công tác xét xử, bảo đảm các vụ án được giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan. Các vụ án oan sai, tỷ lệ án bị hủy đã giảm. Số lượng hồ sơ Tòa án hoàn viện kiểm sát điều tra bổ sung được chấp nhận chiếm tỷ lệ cao, chứng tỏ chất lượng nghiên cứu hồ sơ của các Thẩm phán đã nâng cao. Tại phiên tòa các tình tiết mới, chứng cứ mới phát sinh đã được tòa cân nhắc, nếu không làm rõ tại phiên tòa, sẽ được hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung, như vậy phiên tòa đã hạn chế tình trạng “án bỏ túi”, lấy kết quả tranh luận tại phiên tòa làm căn cứ ra quyết định. Bên cạnh đó, những người tham gia phiên tòa được bảo đảm quyền bình đẳng hơn. Vai trò của luật sư ngày càng được nâng cao, Luật sư được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ, luật sư được quyền ghi chép, sao chụp, photo tài liệu trong hồ sơ. Tại phiên tòa, phần tranh luận cũng đã thể hiện tính dân chủ, những người tham gia tố tụng được tạo điều kiện trình bày, đưa ra chứng cứ mới.
Có được những thành tựu này là do: trong những năm qua, nhà nước ta đã thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, vị trí của Tòa án được xác định là trung tâm của nền tư pháp, công tác xét xử là hoạt động trọng tâm của tố tụng hình sự. Đồng thời, nhà nước không ngừng sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã kịp thời giải quyết những khó
khăn vướng mắc trong đường lối xét xử và trong từng vụ án cụ thể. Hàng năm, các bản án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm được tập hợp để tổng kết rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Việc công bố bản án tạo tính minh bạch, góp phần đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ, giáo dục pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó, ngành Tòa án ngày càng tạo điều kiện bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cũng như phẩm chất nghề nghiệp cho đội ngũ thẩm phán. Công tác nghiên cứu khoa học xét xử, tổng kết kinh nghiệm, tuyên truyền pháp luật đã góp phần định hướng, nâng cao nhận thức và trình độ của người dân nói chung và của những người làm công tác tư pháp, những người tham gia tố tụng nói riêng. Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước Tòa án ngày càng được tuân thủ và được áp dụng cả trong quá trình lập pháp và trong thực tiễn tại phiên tòa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đáng nghi nhận trên thì vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục.
Tại phiên tòa, quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng chưa thật sự được bảo đảm. Trong cùng một vai trò khi tham gia tố tụng, quyền bình đẳng của họ không được bảo đảm. Giữa những người tham gia tố tụng và giữa kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng quyền bình đẳng cũng chưa được bảo đảm.
Vẫn còn nhiều vụ án bị hủy và án oan, sai do chứng cứ không đầy đủ, các bị cáo không được đảm bảo quyền được xuất trình chứng cứ, đối đáp, tranh luận dẫn đến tình trạng phiên tòa chỉ dựa vào các tài liệu có trong hồ sơ, không xem xét, kiểm tra, thu thập chứng cứ mới.
Nguyên nhân của thực trạng trên có rất nhiều, do bất cập của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, do chính những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, do cơ sở vật chất, điều kiện khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Đây là những nguyên nhân chủ yếu, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án.