Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 59 - 62)

Bộ luật tố tụng hình sự gồm 7 phần: Phần 1 Những quy định chung; Phần 2 Tòa sơ thẩm; Phần 3 Kháng cáo; Phần 4 Tái thẩm; Phần 5 Kháng cáo bất thường; Phần 6 Thủ tục rút gọn và Phần 7 Thi hành xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản cũng không có một phần riêng hoặc chương riêng quy định các nguyên tắc chung của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nội dung

nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án được thể hiện ở các Điều luật khác nhau.

Nội dung thứ nhất: bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật:

Tố tụng hình sự Nhật Bản rất coi trọng giai đoạn xét xử, các chứng cứ được các bên thu thập sẽ được Tòa án xem xét đầy đủ và toàn diện trong giai đoạn xét xử. Hoạt động xét xử được coi như là hoạt động “điều tra chứng cứ”, các chứng cứ đã thu thập được các bên tham gia tố tụng xem xét đánh giá, các bên cũng có quyền thu thập thêm chứng cứ mới. Quyền xem xét, đánh giá chứng cứ là bình đẳng. “Tòa án hỏi ý kiến Kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữa và có thể quyết định phạm vi, thứ tự và phương pháp điều tra chứng cứ”-(Điều 297). “Kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữa có thể yêu cầu điều tra chứng cứ” (Điều 298). Tại phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữa có quyền yêu cầu được thẩm vấn Nhân chứng, Người giám định hoặc Người phiên dịch. Đối với các chứng cứ là vật chứng, giấy tờ thì những người tham gia tố tụng cũng có quyền bình đẳng trong việc yêu cầu Tòa án xem xét chứng cứ. Nếu các bên không đồng ý với giá trị chứng minh của chứng cứ thì cũng được Tòa án tạo điều kiện đánh giá chứng cứ: “Để tranh cãi năng lực của chứng cứ thì tòa phải tạo ra cơ hội phù hợp được coi là cần thiết cho Kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữ” ( Điều 308).

Bộ luật tố tụng Nhật Bản có một quy định rất tiến bộ đó là: Nếu Tòa án không đảm bảo quyền điều tra chứng cứ thì các bên có quyền khiếu nại, ngoài ra các bên còn có quyền khiếu nại cả quyết định xử lý của Chủ tọa, đối với các khiếu nại trên buộc tòa án phải ra quyết định xử lý (Điều 309). Như vậy, các bên có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và yêu cầu tòa án xem xét chứng cứ, nếu không đồng ý với quyết định của Tòa án thì các bên có quyền khiếu nại, tòa án buộc phải ra quyết định giải quyết việc khiếu nại. Đây

chính là một trong những cơ chế bảo đảm quyền bình đẳng của Luật tố tụng hình sự Nhật Bản.

Nội dung thứ hai: Bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu

Đối với những yêu cầu chính đáng, được coi là quyền của những người tham gia tố tụng thì đều được bảo đảm. Tố tụng hình sự Nhật Bản rất coi trọng biên bản phiên tòa, vì đây sẽ được coi là chứng cứ quan trọng sau này, do đó những người tham gia tố tụng được quyền yêu cầu xem biên bản phiên tòa, nếu thấy không chính xác có quyền khiếu nại để sửa đổi, bổ sung biên bản.

Tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu tòa án thứ tự và phương pháp xem xét, đánh giá chứng cứ. Ngoài ra có quyền yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ mới. Đối với nhân chứng, người giám định, người phiên dịch luật còn ghi nhận Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa được bình đẳng trong việc yêu cầu thẩm vấn họ.

Chứng cứ là căn cứ rất quan trọng để giải quyết vụ án, Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản cũng coi xét xử là hoạt động “điều tra chứng cứ”, chính vì thế mà Bộ luật chủ yếu bảo đảm quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trong việc yêu cầu điều tra là rõ chứng cứ, yêu cầu thu thập thêm chứng cứ.

Nội dung thứ ba: bình đẳng trong tranh luận

Tố tụng hình sự Nhật Bản không chia xét xử thành hai phần như Việt Nam là : Phần xét hỏi và Phần tranh luận mà hoạt động tranh luận tại phiên tòa diễn ra xuyên suốt quá trình xét xử. Sau khi Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng truy tố bị cáo thì người bào chữa và bị cáo được quyền trình bày nội dung vụ án (Điều 291). Sau đó, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn những người tham gia tố tụng: bị cáo, bị hại, nhân chứng, người giám định, người phiên dịch. Sau phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa có thể thẩm vấn Nhân chứng, người giám định, người phiên

dịch. Luật còn quy định rất dân chủ đó là ai yêu cầu Tòa án cho thẩm vấn trước thì được ưu tiên cho thẩm vấn trước, chứ không phải Kiểm sát viên ưu tiên hỏi trước, bị cáo hỏi sau (Điều 304).

Đối với chứng cứ là vật chứng, giấy tờ, tài liệu thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa ai đưa ra chứng cứ nào thì tự mình trình bày về chứng cứ ấy. Sau khi trình bày xong những người còn lại có quyền trình bày ý kiến về giá trị chứng minh của chứng cứ ấy. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng trong tranh luận của các bên: “Để tranh cãi năng lực của chứng cứ thì Tòa án phải tạo ra cơ hội phù hợp được coi là cần thiết cho Kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữa” (Điều 308).

Có điểm khác biệt với tố tụng hình sự Việt Nam đó là hoạt động tranh luận diễn ra xuyên suốt quá trình xét xử, đan xen với hoạt động thẩm vấn. Bởi vì phiên tòa được coi như là giai đoạn “điều tra chứng cứ”- gồm có: chứng cứ mang tính người và chứng cứ là đồ vật. Chủ tọa phiên tòa được xác định là “chỉ huy tố tụng trong ngày xét xử”, Kiểm sát viên, bị cáo và người bào chữa được bình đẳng trong việc “điều tra chứng cứ”, các bên có quyền thẩm vấn nhân chứng, kiểm tra vật chứng, đưa ra ý kiến đánh giá quan điểm, chứng cứ của bên kia và được Tòa án bảo đảm quyền bình đẳng trong tranh luận về giá trị chứng minh của chứng cứ. Nghiên cứu Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản ta thấy rằng quyền bình của những người tham gia tố tụng được đảm bảo rất hữu hiệu, mang tính thực tế vì quan điểm của nhà làm luật coi quá trình xét xử cũng chính là quá trình điều tra chứng cứ, nên các bên được bình đẳng xuất trình, kiểm tra và đánh giá chứng cứ của nhau.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 59 - 62)