Bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 37)

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, những người tham gia tố tụng thường có vai trò thụ động. Các phương hướng và các biện pháp điều tra đều do các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động lên kế hoạch thực hiện. Trong quá trình điều tra, truy tố các hoạt động điều tra được giữ bí mật, những người tham gia tố tụng rất khó có cơ hội để đưa ra yêu cầu đóng góp cho quá trình giải quyết vụ án, cũng như yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, tại

phiên tòa công khai, đầy đủ những người tham gia, các chứng cứ và các yêu cầu được xem xét toàn diện, bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu trước tòa án vừa thể hiện tính dân chủ, tạo cơ hội cho những người tham gia tố tụng chủ động, tích cực tham gia giải quyết vụ án và đề xuất cho Tòa án những vấn đề cần giải quyết để Tòa án có những phán quyết đầy đủ, toàn diện hơn.

Trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, các quy định về quyền của những người tham gia tố tụng như: bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều ghi nhận quyền được “đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu”. Bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu cũng chính là tuân thủ quy định pháp luật tố tụng hình sự.

Trước hết Tòa án phải bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra các yêu cầu giải quyết vụ án:

Hồ sơ, chứng cứ được xác lập trong giai đoạn điều tra là rất quan trọng cho việc xét xử tại phiên tòa. Tuy nhiên, các chứng cứ có trong hồ sơ là do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, nhiều trường hợp chưa thể đầy đủ và không loại trừ việc thiếu khách quan. Trong vụ án hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, cho nên đa số các trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chú trọng thu thập các chứng cứ buộc tội trước, coi nhẹ việc thu thập chứng cứ gỡ tội; trong khi đó bên gỡ tội (bị can, bị cáo, luật sư) không được quyền chủ động thu thập chứng cứ làm hạn chế khả năng tranh tụng của họ tại phiên tòa, không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của họ. Vì vậy, chỉ có tại phiên tòa những người tham gia tố tụng mới có cơ hội, điều kiện để xem xét công khai các chứng cứ đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, để qua đó bị cáo và những người tham gia tố tụng được đưa ra yêu cầu thu thập thêm chứng cứ mới, triệu tập thêm người làm chứng, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới. Tòa án có trách nhiệm

bảo đảm để các bên thực hiện quyền tố tụng này mà không sợ bị phiền phức, không sợ đi lệch kế hoạch xét xử. Những yêu cầu này cần phải được tòa án xem xét, nếu có căn cứ cần phải được đáp ứng vì sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án toàn diện hơn.

Phiên tòa có tầm quan trọng đối với những người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo và người bào chữa. Phiên tòa là cuộc điều tra công khai nhằm kiểm tra tính hợp pháp của chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kiểm tra tính xác thực của của các chứng cứ qua việc xét hỏi bị cáo, nhân chứng, bị hại…để làm rõ sự thật khách quan. Đối với bên bào chữa việc đối chất, đưa ra chứng cứ mới, bác bỏ chứng cứ buộc tội có nhiều thuận lợi bởi tại đây có mặt đầy đủ những người tham gia tố tụng.

Ngoài ra các yêu cầu chính đáng khác của những người tham gia tố tụng mà Tòa án phải bảo đảm đó là:

Khi nghe chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ, họ có quyền yêu cầu chủ tọa phiên tòa giải thích quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa nếu chủ tọa quyên không làm việc đó. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng nếu có căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bị cáo có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa nếu chưa nhận được bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc nhận được nhưng không đúng thời hạn quy định. Yêu cầu này liên quan đến quyền được biết mình bị truy tố, xét xử về tội gì và để có thời gian chuẩn bị cho việc bảo vệ tại phiên tòa.

Có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa nếu người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của mình không thể tham gia phiên tòa với lý do chính đáng.

Những người tham gia phiên tòa có quyền bình đẳng yêu cầu được xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên tòa vì biên bản phiên tòa cũng được coi là chứng cứ, những lời khai tại phiên tòa có thể được dùng làm chứng cứ, những người tham gia tố tụng cần được xem để giúp cho việc kháng cáo và xét xử ở phiên tòa phúc thẩm.

Có quyền yêu cầu công bố những tài liệu đã có trong hồ sơ, được xem xét vật chứng, kết luận giám định, được nhận xét và yêu cầu làm rõ những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc mâu thuẫn trong chứng cứ và kết luận giám định. Nếu những chứng cứ hoặc kết luận giám định có mâu thuẫn không được làm rõ thì những người tham gia tố tụng phải có quyền yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại.

Trước khi kết thúc phần xét hỏi, được quyền yêu cầu Hội đồng xét xử xét hỏi thêm những vấn đề chưa rõ.

Đối với những yêu cầu bảo vệ lợi ích riêng của mình thì người bị hại, nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường. Bị cáo và bị đơn dân sự có quyền yêu cầu làm rõ căn cứ đòi mức bồi thường.

Bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu vừa thể hiện tính dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền lợi của những người tham gia tố tụng, đồng thời giúp cho việc xét xử của Tòa án toàn diện hơn vì những yêu cầu đó sẽ góp phần bổ sung, khắc phục thiếu sót không chỉ về thủ tục tố tụng mà cả nội dung vụ án.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)