Nhóm các điều luật thể hiện nội dung bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật:

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 70)

trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật:

Tố tụng hình sự hoạt động chủ yếu là hoạt động buộc tội và hoạt động gỡ tội. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố có quyền áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật để buộc tội. Trong khi đó, Luật sư cũng có quyền “thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác” và có quyền “đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu”- Điều 58, khoản 2, điểm d, đ.

Tại phiên tòa, pháp luật quy định mọi người đều được quyền bình đẳng trong việc xem xét vật chứng và nhận xét về tài liệu được công bố tại phiên tòa:

Điều 212. Xem xét vật chứng

1…

2. Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày những nhận xét của mình về vật chứng”.

Điều 214. Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét báo cáo của cơ quan, tổ chức

Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan”.

Các điều luật trên đã cụ thể hóa và thể hiện đúng nội dung của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước tòa án trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đồng thời họ có quyền bình đẳng trong việc xem xét, đưa ra ý kiến về tính khách quan, liên quan và giá trị chứng minh của các chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó. Pháp luật buộc “Tòa án phải xem xét vật chứng và nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”- Điều 184, khoản 1.

Mặc dù, các điều luật trên có nội dung rất tích cực, tuân theo định hướng của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án tại Điều 19, nhưng cũng có nhiều điều luật còn chưa thống nhất và tuân thủ nguyên tắc này đối với nội dung bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật.

Điều 50 quy định quyền của bị cáo và Điều 51 quy định quyền của người bị hại. Các điều luật này không quy định cho bị cáo và người bị hại có quyền tự mình thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong khi Điều 19 quy định họ có quyền bình đẳng trong việc “đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật”. Việc quy định cho họ có quyền tự mình thu thập chứng cứ góp phần bảo đảm quyền lợi của chính bản thân họ và góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án. Đặc biệt, đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì càng cần thiết quy định cho bị hại (đại diện hợp pháp của họ) được quyền tự mình thu thập chứng cứ.

Ngoài ra, các Điều 65, Điều 66 cũng chưa tuân thủ triệt để nguyên tắc của Điều 19.

Điều 65. Thu thập chứng cứ

1. Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”. Và có cả cơ chế bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng là Điều 308- Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm và hình phạt đối với việc từ chối khai báo, từ chối kết luận hoặc từ chối cung cấp tài liệu.

Trong khi đó, pháp luật tố tụng hình sự hiện nay quy định người bào chữa được quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những nguồn rất hạn chế: “từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác”- Điều 58, khoản 2, điểm đ. Mặt khác, cũng không có cơ chế bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật của người bào chữa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu những nơi này không hợp tác. Cũng chính tại Điều 65, người bào chữa và những người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự không được quy định quyền được thu thập chứng cứ với các biện pháp như: triệu tập nhân chứng, trưng cầu giám định, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu.

Điều 66 cũng không đề cập đến quyền của người bào chữa được đánh giá chứng cứ. Như vậy, không thể bảo đảm trên thực tế quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước Tòa án.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)