Giai đoạn từ năm 1945 đến năm

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 47 - 49)

Ngày 2/9/1945 Hồ Chủ Tịch đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay sau khi nhà nước thành lập, các văn bản pháp luật được ban hành, trong đó có các văn bản về Tổ chức Tòa án, tố tụng hình sự. Các văn bản pháp luật thời kỳ này còn đơn giản, sơ lược, song đã góp phần tích cực cho việc tổ chức và xét xử của ngành Tòa án. Chính những quy định còn sơ lược đó đã đặt nền móng để sau này được phát triển thành Bộ luật khá đầy đủ, hoàn thiện.

Văn bản pháp luật thời kỳ này chủ yếu là các Sắc lệnh của Chủ tịch nước, mặc dù kỹ thuật lập pháp chưa cao, nội dung còn đơn giản, nhưng cũng

biểu hiện sự bảo đảm cho bị cáo, người làm chứng, người buộc tội được quyền phát biểu ý kiến và tranh luận tại phiên tòa.

Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946 của Chủ tịch Hội đồng Chính phủ tại Điều 31 quy định: “Sau khi nghe các bị can, các người chứng, cáo trạng của ông Biện lý và sau cùng nghe lời cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Thẩm phán, và hai Phụ thẩm nhân dân lui vào phòng nghị xử để cùng xét xử tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng, hình phạt trường hợp tăng tội và trường hợp giảm tội”. Sắc lệnh vừa quy định về tổ chức Tòa án, đồng thời cũng quy định cả thủ tục tố tụng liên quan đến việc xét xử của Tòa án. Căn cứ vào quy định tại điều này cho thấy: tại phiên tòa, sau khi “Biện lý” đọc cáo trạng buộc tội, “bị can” và “người chứng” có quyền đưa ra ý kiến riêng của mình. Họ được trình bày ý kiến đối với nội dung của bản cáo trạng, việc truy tố có người đúng tội chưa? chứng cứ buộc tội có thuyết phục hay không? Các bị can có quyền được “cãi” (sau này dùng từ tranh luận) với quan điểm buộc tội của ông Biện lý. Sau khi nghe các bên trình bày ý kiến, Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết cuối cùng. Ngay thời kỳ này pháp luật đã có những quy định rất tiến bộ để đảm bảo tính độc lập của Tòa án- một điều kiện quan trọng để đảm bảo quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng trước Tòa án: “Tòa án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính. Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”- Điều 47. “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”- Điều 50. Tính độc lập của Tòa án rất quan trọng, bởi lẽ Thẩm phán sẽ không bị can thiệp vào công việc xét xử, phán quyết của Thẩm phán chỉ căn cứ vào chứng cứ, kết quả tranh luận tại phiên tòa, tuân theo pháp luật và lương tâm của chính mình, từ đó bảo đảm cho quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng được thực hiện.

Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 cũng tiếp tục thể hiện nội dung của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng đối với việc xuất trình, xem xét chứng cứ, đưa ra yêu cầu trước Tòa án: “Khi ra phiên tòa, ông biện lý cũng như bên bị, cùng bên dân sự nguyên cáo có quyền yêu cầu tòa thi hành mọi phương sách cần thiết để chứng tỏ sự thật”- Điều 26. Để chứng minh sự thật vụ án, các bên tham gia tố tụng như: “biện lý”, “bên bị”, “bên dân sự nguyên cáo” đều có quyền yêu cầu Tòa án tiến hành các biện pháp để thu thập chứng cứ chứng minh vụ án. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho quyền này được thực hiện.

Như vậy, ngay từ khi mới thành lập nhà nước, pháp luật cũng đã thể hiện sơ khai những nội dung của nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án. Mặc dù hình thức thể hiện qua các điều luật trong Sắc lệnh còn rất sơ lược, đơn giản nhưng đã thể hiện sự hình thành nguyên tắc từ rất sớm, có vai trò quan trọng trong quá trình xét xử, đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, chính xác, đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án trong luật tố tụng hình sự - những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)