Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất qua thực tiễn tại tòa án nhân dân quận Đống Đa (Trang 87)

Thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng dân sự khi giải quyết các tranh chấp về đất đai của Tòa án đã thể hiện những bất cập. Vì vậy, để đảm bảo cho việc giải quyết loại tranh chấp này một cách hiệu quả, cần sửa đổi các quy định của pháp luật tố tụng dân sự theo những hướng sau:

Thứ nhất, sửa đổi quy định của pháp luật tố tụng dân sự theo hướng

mở rộng quyền của Tòa án trong việc tự mình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai. Điều 85 BLTTDS năm 2004 quy định về quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ, cụ thể: Tòa án chỉ được tiến hành thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự minh thu thập được chứng cứ và có yêu cầu. Quy định như vậy dẫn đến việc hạn chế quyền của Tòa án trong việc điều tra xác minh chứng cứ và xác định các tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn hoặc có thể dẫn đến sự thật khách quan của vụ án không được làm sáng tỏ khi đương sự không tự cung cấp tài liệu, chứng cứ và không yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ.

Thứ hai, sửa đổi pháp luật tố tụng dân sự theo hướng xác định rõ trách

nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án theo yêu cầu của đương sự và Tòa án. Mặc dù, Điều 7 BLTTDS năm 2004 đã quy định:

Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, Tòa án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ [28].

Đồng thời, tại Điều 389 BLTTDS năm 2004 có quy định về biện pháp xử lý các cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Tuy nhiên, thực tế những quy định này có hiệu lực rất thấp. Vì vậy, việc các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan chuyên môn như cơ quan tài nguyên môi trường, nhà đất, hải quan, lưu trữ, xuất nhập cảnh, UBND... là nơi thường nắm giữ những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh chấp nhưng nhiều khi cán bộ các cơ quan này thiếu sự hợp tác tích cực trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự, thậm chí có trường hợp Tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ còn gặp trở ngại. Vì vậy, cần có một cơ chế xử lý thích hợp, có hiệu quả đối với các trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang nắm giữ tài liệu, chứng cứ của vụ án mà thiếu sự hợp tác hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật.

Thứ ba, hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng dân sự về định giá

tài sản theo hướng quy định giá là một loại giám định và thành lập các trung tâm về giám định giá. Trong thực tế, QSDĐ là một tài sản có giá trị lớn, việc giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai thường xuyên phải tiến hành định giá nhằm xác định giá trị tài sản nhưng pháp luật hiện nay vẫn chưa coi việc định giá là một hình thức giám định về giá và chưa phát triển các trung tâm giám định về giá, vì vậy khi cần xác định giá trị tài sản đang tranh chấp Tòa án phải thành lập Hội đồng định giá. Thành phần Hội đồng định giá bao gồm đại diện của các cơ quan chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá. Thực tế cho thấy, việc thành lập Hội đồng định giá gặp rất nhiều trở ngại, vì có cơ quan, tổ chức cho rằng Tòa án không có quyền cử người của họ tham gia định giá; cơ quan, tổ chức của họ không thuộc quyền quản lý của Tòa án hoặc coi việc tham gia định giá là làm hộ, giúp đỡ Tòa án. Có thể nói, việc thành lập Hội đồng định giá hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, cần phải coi định giá là một loại giám định về giá, đòi hỏi

những người tham gia định giá phải là các nhà chuyên môn có kiến thức sâu sắc, am tường giá cả thị trường đối với tài sản cần định giá nói chung và QSDĐ, tài sản gắn liền với đất nói riêng để đảm bảo cho việc định giá được thuận lợi, đồng thời giá mà Hội đồng định giá đưa ra sẽ được các đương sự chấp nhận, tránh tình trạng đương sự khiếu nại về kết quả định giá. Do đó, nên thành lập các trung tâm giám định về giá và sửa đổi quy định của pháp luật tố tụng theo hướng cho phép Tòa án được trưng cầu các Trung tâm giám định về giá để tiến hành định giá tài sản tranh chấp trong vụ án.

Thứ tư, sửa đổi pháp luật tố tụng theo hướng mở rộng quyền của Viện

kiểm sát nhân dân trong hoạt động kiểm sát việc xét xử của Tòa án từ đó nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Cụ thể, Viện kiểm sát nhân dân cần được tham gia vào cả quá trình tố tụng của Tòa án từ khi thụ lý vụ án cho đến khi xét xử để đảm bảo việc giám sát hoạt động xét xử được toàn diện, thống nhất và có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân chỉ giám sát hoạt động xét xử của Tòa án chứ không can thiệp và làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của Tòa án cũng như can thiệp và các phán quyết của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử.

Thứ năm, sửa đổi quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong việc tiến

hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với nhà đất đang tranh chấp. Thực tế giải quyết những vụ việc tranh chấp đất đai cho thấy, việc xem xét, thẩm định tại chỗ nhà đất là rất cần thiết khi giải quyết những tranh chấp mà Tòa án phải phân chia nhà đất cho các đương sự. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2004 lại quy định Tòa án chỉ được tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản khi đương sự có yêu cầu. Nếu đương sự không có yêu cầu thì Tòa án không thể tự mình tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản được. Vì vậy, có vụ án sau khi xử xong, Thẩm phán mới biết diện tích, kích thước, tứ cận mà các đương sự đã khai, đã vẽ trên sơ đồ là không phù hợp với thực tế, hoặc trên đất có tài sản nhưng không đương sự nào trình bày tại Tòa án nên khi xét xử Tòa án không

đề cập đến tài sản trên đất. Do đó, cần quy định về quyền của Tòa án trong việc tự mình tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản là nhà đất đang tranh chấp khi thấy cần thiết để đảm bảo cho các phán quyết của Tòa án được khách quan, phù hợp với thực tế.

Thứ sáu, sửa đổi quy định của pháp luật tố tụng dân sự về giám định.

BLTTDS năm 2004 quy định rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đương sự phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Giám định cũng là một biện pháp thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của đương sự. Hiện nay, đã xuất hiện các cơ sở giám định ngoài tư pháp. Vì vậy, khi đương sự xuất trình kết quả giám định không theo trình tự tư pháp thì có được coi là một chứng cứ hay không? Thiết nghĩ khi dành quyền chủ động cho đương sự thì không cần phải quy định thủ tục giám định bắt buộc phải theo trình tự tư pháp. Đương sự có quyền chủ động yêu cầu cơ sở nào đó giám định và họ xuất trình kết quả đó để chứng minh cho yêu cầu của mình hay phản bác yêu cầu của người khác. Nếu việc giám định đó là chính xác thì kết quả giám định sẽ là chứng cứ của vụ án. Đương sự khác nếu không chấp nhận kết quả giám định thì có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định lại theo trình tự tư pháp, như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi của các đương sự và đảm bảo tính khách quan. Do đó, cần sửa đổi quy định của BLTTDS theo hướng: quy định mở hơn về vấn đề giám định, cụ thể là đương sự có thể tự yêu cầu giám định hoặc yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định theo trình tự tư pháp.

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất qua thực tiễn tại tòa án nhân dân quận Đống Đa (Trang 87)