Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng là quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất qua thực tiễn tại tòa án nhân dân quận Đống Đa (Trang 33 - 37)

Vợ chồng thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản riêng là QSDĐ qua ba quyền năng: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt QSDĐ phù hợp với quy định của pháp luật.

Với tư cách là chủ sở hữu QSDĐ vợ, chồng "có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình…" [25] mà không phụ thuộc bởi ý chí của bên người chồng, vợ kia.

Đối với QSDĐ của vợ, chồng, mỗi bên sẽ tự quản lý QSDĐ của mình. Trong trường hợp vợ, chồng không thể tự mình quản lý QSDĐ riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên người chồng, vợ kia có quyền quản lý QSDĐ riêng đó (khoản 2 Điều 33).

Trường hợp một bên đã tự ý định đoạt QSDĐ riêng của vợ, chồng mình khi tham gia các giao dịch dân sự, thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

Với tư cách là chủ sở hữu QSDĐ riêng của mình, khi thực hiện quyền sở hữu vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ, chồng; việc ủy quyền đó phải được lập thành văn bản (khoản 1 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2000).

Đối với tài sản riêng vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng (khoản 2 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000).

Theo luật định vợ, chồng phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của vợ, chồng liên quan đến tài sản riêng của mỗi bên. Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 thì trong trường hợp cuộc sống chung của vợ, chồng gặp nhiều khó khăn, tài sản chung của vợ chồng không đủ bảo đảm cho những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của gia đình mà người vợ, chồng có tài sản riêng thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đó của gia đình.

Theo khoản 3 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 thì "Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó" [25]. Nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng phát sinh từ các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác, sử dụng vào mục đích cá nhân, mà không vì lợi ích chung của gia đình; hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng hay các loại nghĩa vụ khác theo luật định (nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con mà vợ, chồng phải thực hiện).

Khoản 5 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng đã quy định một vấn đề mới, đó là hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình: "Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn

sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ, chồng" [25].

Trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình mà bên vợ, chồng có tài sản riêng phải đóng góp, sử dụng tài sản riêng vì nhu cầu thiết yếu đó. Mặt khác, trường hợp tài sản riêng đó của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự đồng ý, thỏa thuận của cả vợ chồng.

Nếu pháp luật quy định giao dịch đó phải tuân theo hình thức nhất định, thì việc thỏa thuận phải lập thành văn bản có chữ ký của vợ chồng hoặc phải công chứng, chứng thực. Nếu giao dịch pháp luật không bắt buộc phải tuân theo hình thức nhất định, thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch đó có sự thỏa thuận bằng văn bản của hai vợ chồng (Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ/CP).

Vợ hoặc chồng không có quyền đơn phương định đoạt tài sản riêng của mình nếu điều đó dẫn đến hậu quả ảnh hưởng nguồn sống duy nhất của gia đình. Đây không phải là sự vi phạm quyền sở hữu cá nhân mà là cơ sở để bảo đảm duy trì đời sống gia đình ổn định, bền vững, là cơ sở để ràng buộc trách nhiệm của vợ, chồng với gia đình.

Tặng cho QSDĐ là một loại tặng cho tài sản, ngoài các đặc điểm như tặng cho tài sản thông thường, tặng cho QSDĐ còn có đặc điểm riêng biệt là chịu sự giám sát và đảm bảo thực hiện bằng pháp luật. Thông qua đó Nhà nước giám sát được việc chuyển QSDĐ và theo dõi, kiểm soát được những biến động về việc sử dụng đất trong thị trường bất động sản.

Xuất phát từ mối quan hệ gia đình và từ phong tục, tập quán quan niệm tặng cho đất đai theo truyền thống Việt Nam luôn mang tính chất là hợp đồng thực tế, việc tặng cho thường ít khi được lập thành văn bản, người được tặng cho nhận đất sử dụng đã coi như việc tặng cho đã hoàn thành.

Việc xác định tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng vợ, chồng thông qua hợp đồng tặng cho QSDĐ là vấn đề phức tạp trong các vụ án HN&GĐ.

Việc xác định tài sản vợ chồng thông qua hợp đồng tặng cho QSDĐ là việc hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của vợ chồng, của gia đình và của xã hội. Từ góc độ pháp luật việc xác định tài sản vợ chồng qua hợp đồng tặng cho QSDĐ là căn cứ để giải quyết vụ án, căn cứ để xác định phân chia tài sản khi vợ chồng ly hôn được hợp tình, hợp lý.

Chương 2

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất qua thực tiễn tại tòa án nhân dân quận Đống Đa (Trang 33 - 37)