Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được
tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…[25]. Để xác định QSDĐ là tài sản riêng của vợ, chồng căn cứ vào các nội dung sau.
* Vợ, chồng được tặng cho quyền sử dụng đất riêng trước khi kết hôn
Quyền sử dụng đất do cha mẹ vợ hoặc chồng tặng cho trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu mảnh đất do cha mẹ tặng cho chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì vợ, chồng có thể tiến hành làm các thủ tục cần thiết để đăng ký quyền sở hữu riêng cho riêng vợ, chồng. Việc này có thể tiến hành trong thời kỳ hôn nhân.
* Vợ, chồng được tặng cho quyền sử dụng đất riêng trong thời kỳ hôn nhân
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng. Xuất phát từ cơ sở quan hệ tình cảm giữa con người với nhau mà họ tặng cho nhau QSDĐ để khai thác và nhằm đáp ứng các nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và trong các quan hệ hàng ngày. Vợ hoặc chồng được tặng cho riêng QSDĐ thì QSDĐ này là tài sản riêng của người đó. Tặng cho QSDĐ là một trong những cách thức định đoạt tài sản của người có đất. Pháp luật tôn trọng quyền định đoạt của người tặng cho là tôn trọng quyền tự do ý chí của cá nhân, tôn trọng và bảo vệ quyền năng của một cá nhân đối với tài sản là QSDĐ. Pháp luật đã có các quy định cụ thể, như Điều 688 của BLDS năm 2005 quy định căn cứ xác lập QSDĐ; Điều 467 quy định về tặng cho bất động sản.
i) Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
ii) Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Xuất phát từ thực tế cho thấy tặng cho QSDĐ diễn ra rất đa dạng bởi các quan hệ: tặng cho giữa cha mẹ và con, tặng cho giữa anh em với nhau, tặng cho giữa cô, dì, chú, bác với cháu… Đối tượng QSDĐ được tặng cho cũng rất phong phú: QSDĐ ở, QSDĐ nông nghiệp, QSDĐ vườn… Tuy nhiên do một số yếu tố khách quan mà Luật HN&GĐ năm 1959 quy định những tài sản mà vợ chồng có được đều là tài sản chung vợ chồng, không phân biệt nguồn gốc và thời điểm xác lập quyền sở hữu. Điều này dẫn đến tình trạng một số người mưu cầu lợi ích kinh tế để hưởng lợi riêng cho mình chứ không vì mục đích cao đẹp của hôn nhân là xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm no.
Điều 57 Hiến pháp năm 1992 quy định: Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng quy định: Vợ, chồng có quyền đầu tư kinh doanh riêng, do đó có quyền yêu cầu Tòa án hoặc tự thỏa thuận với nhau chia tài sản riêng để lấy tài sản riêng đó sử dụng vào mục đích riêng của mình. QSDĐ là tài sản có giá trị thực tế và giá trị sử dụng lớn. Khi kinh doanh riêng thua lỗ dẫn đến phá sản thì trước hết người vợ hoặc người chồng phải lấy tài sản riêng của mình để chịu trách nhiệm về tài sản. Chỉ khi nào tài sản riêng không đủ mới lấy phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ của mình. Quyền lợi của mỗi bên vợ, chồng cũng như mọi người khác trong xã hội được pháp luật bảo vệ. Trước khi kết hôn, vợ chồng đều là những chủ thể pháp lý độc lập với các quyền và nghĩa vụ độc lập, không có sự ràng buộc pháp lý trong mối quan hệ HN&GĐ. Do đó QSDĐ đương nhiên là tài sản riêng của mỗi bên.
Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, nếu vợ hoặc chồng không tự nguyện nhập vào khối tài sản chung thì đương nhiên vẫn là tài sản riêng của mỗi người.
Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng được chia riêng cho vợ, chồng theo khoản 1 Điều 29 và Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000. Vợ
hoặc chồng có thể sử dụng QSDĐ là tài sản riêng đó để đầu tư kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng.
Một nguyên tắc rất quan trọng đã được Luật HN&GĐ năm 2000 kế thừa từ Luật HN&GĐ năm 1986 là: Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không
nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Như vậy QSDĐ của vợ hoặc chồng
được tặng cho riêng là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng, nó chỉ có thể là tài chung khi hai vợ chồng thỏa thuận.
Tuy nhiên quy định này chỉ có tính nguyên tắc, thiếu cụ thể. Các văn bản dưới luật tuy có cụ thể hóa nhưng mới chỉ quy định một chiều khi các bên có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung thì phải lập thành văn bản, quy định về hiệu lực thỏa thuận (Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ) nhưng nếu sau đó các bên có tranh chấp, nhất là những thỏa thuận không có công chứng, chứng thực thì chưa có quy định cụ thể của pháp luật điều chỉnh.