Nguyên tắc chung chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất qua thực tiễn tại tòa án nhân dân quận Đống Đa (Trang 61)

Để giải quyết vụ án đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự thì ngoài việc xác định đúng khối tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án còn phải lưu ý đến những nguyên tắc chia tài sản chung.

* "Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó" [25, khoản 1 Điều 95].

Nguyên tắc đầu tiên của việc chia tài sản của vợ, chồng khi ly hôn chính là sự thỏa thuận. Tài sản của vợ chồng được chia như thế nào trước hết phụ thuộc vào ý chí của họ. Tất nhiên cần phải hiểu rằng sự thỏa thuận này phải phù hợp với quy định của pháp luật nói chung cũng như các nguyên tắc của Luật HN&GĐ nói riêng, đảm bảo quyền tự do định đoạt của vợ, chồng đối với tài sản.

Việc đề cao nguyên tắc tự thỏa thuận khi chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn đòi hỏi một nhận thức đúng đắn về quy định của pháp luật cũng như trách nhiệm trong công tác xét xử của Tòa án. Không phải lúc nào các bên đương sự cũng thỏa thuận giải quyết được vụ án mà phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu có tranh chấp không tự thỏa thuận được thì Tòa án phải có sự hướng dẫn giải thích giúp đỡ để các bên đương sự có thể thỏa thuận được với nhau. Việc làm này tạo ra rất nhiều thuận lợi đảm bảo đúng pháp luật, đảm bảo việc giải quyết vụ án được thuận lợi nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi ích của các bên đương sự.

Khi đạt được sự thỏa thuận của các đương sự trong việc phân chia tài sản, Tòa án sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện tố tụng, điều tra xác minh về nguồn gốc tài sản cũng như công sức đóng góp của các bên đương sự. Công việc của Tòa án trong trường hợp này là xem xét thỏa thuận đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, việc thỏa thuận có bị lừa dối hay cưỡng ép không, có đảm bảo quyền lợi chính đáng của người vợ, của con chưa thành niên, người tàn tật không. Để từ đó can thiệp cần thiết đảm bảo cho sự thỏa thuận đó đúng pháp luật.

Nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp mặc dù đã được Tòa án tiến hành hòa giải thì tài sản được chia theo những nguyên tắc sau:

* "Tài sản chung của vợ, chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét tới hoàn cảnh của các bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi

bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình cũng được coi như lao động có thu nhập" [25, điểm a khoản 2 Điều 95].

Xuất phát từ bản chất tài sản chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, hình thức sở hữu mà quyền sở hữu của các đồng sở hữu không được xác định với khối tài sản chung, do vậy khi ly hôn thì tài sản về cơ bản được chia đôi bất luận là do ai trực tiếp làm ra. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo một cách công bằng nhất về công sức đóng góp cũng như hoàn cảnh thực tế của các bên mà luật quy định: …nhưng có xem xét tới hoàn cảnh các bên, tình trạng tài sản,

công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì phát triển tài sản này.

Đây là một quy định mang tính định tính chứ không mang tính định lượng, do vậy nó không những đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững các quy định của pháp luật (đặc biệt là Luật HN&GĐ), mà còn phải điều tra kỹ mọi vấn đề liên quan tới tài sản, hoàn cảnh của các bên, công sức đóng góp… cũng như phải có hiểu biết đúng đắn, chính xác và đầy đủ các tiêu chí này nhằm phân chia cho chính xác song vẫn uyển chuyển, nhuần nhuyễn mới mong tránh được sai sót để từ đó giảm những tranh chấp không đáng có về sau này.

Đa số những sai sót thường gặp của Tòa án khi áp dụng điều khoản này là hiểu không chính xác về thuật ngữ "công sức đóng góp" từ đó dẫn tới sai lầm trong việc phân chia tài sản. Cần phải hiểu thuật ngữ "công sức đóng góp" trên cơ sở xem xét nguồn gốc hình thành tài sản chung. Công sức đóng góp nghĩa là lao động của mỗi bên bỏ ra để góp phần tạo nên số tài sản trong khi sống chung. QSDĐ của mỗi bên có trước khi kết hôn đã nhập vào khối tài sản chung. QSDĐ do gia đình mỗi bên cho hai vợ, chồng sau khi kết hôn. Dù có nguồn gốc từ đâu, nếu được coi là tài sản chung, thì khi tính về phần công sức đóng góp phải xem xét QSDĐ đó do gia đình bên nào tặng cho thì bên đó được coi có đóng góp nhiều hơn.

Khi đánh giá về công sức, ngoài việc xét tinh thần, thái độ trong cả quá trình lao động, phải xem xét cả kết quả lao động góp vào khối tài sản chung hiện có và phải coi lao động trong gia đình được coi là lao động có thu nhập.

Đối với các khoản được xác định là nghĩa vụ chung (do hai bên hay một bên vay dùng vào việc chung của gia đình hoặc hai bên cùng có lỗi gây thiệt hại cho người khác…) nếu không có tài sản khác thì phải lấy QSDĐ là tài sản chung thanh toán hoặc buộc cả hai bên có trách nhiệm cùng trả, cá biệt có thể giao cho một bên trả, rồi chia giá trị QSDĐ cho họ có tính đến phần họ phải làm nghĩa vụ trả nợ thay bên kia.

Cần lưu ý là chỉ đem chia giá trị QSDĐ hiện còn và chia cho sát với công sức đóng góp của mỗi bên, nếu sự đóng góp của hai bên tương xứng và không phải chiếu cố đến các yếu tố như ốm đau, nuôi con…thì nên chia bằng nhau. Nếu một bên có hành vi phá tán tài sản, lao động kém làm ảnh hưởng đến tài sản chung thì chia ít hơn so với bên tích cực lao động và có đóng góp nhiều cho gia đình.

Nếu vợ chồng có thời gian chung sống lâu, một bên đóng góp nhiều công sức trong việc tạo ra khối tài sản chung và khi ly hôn lại nuôi con thì chia nhiều hơn. Đặc biệt nếu họ là phụ nữ thì phải quan tâm hơn.

Đối với trường hợp người phụ nữ sau khi sinh, sức khỏe bị sa sút, tuy vẫn tích cực lao động nhưng vì yếu nên đóng góp hạn chế hơn, khi ly hôn sẽ gặp khó khăn thì phải ưu tiên hơn. Tuy nhiên vẫn phải xem xét đầy đủ căn cứ cơ bản là " công sức đóng góp", hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản để chia hợp lý, hợp tình.

Cần xử lý cụ thể nhưng không được tuyệt đối hóa khía cạnh công sức mà không xem xét đến các khía cạnh khác; ví dụ như hoàn cảnh của mỗi bên khi ly hôn, như một bên có thu nhập thấp, nghề nghiệp không ổn định…Ngược lại cũng không được quá nhấn mạnh đến các khía cạnh khác mà khi phân chia QSDĐ không chú ý đến công sức đóng góp. Tóm lại phải xem xét toàn diện tất cả các khía cạnh, từ đó, đối chiếu với các quy định của pháp luật, để có thể cân bằng lợi ích các bên một cách hợp lý, phù hợp với những trường hợp cụ thể.

Về nguyên tắc, dù tài sản chung là QSDĐ có ít vẫn phải chia, đồng thời với việc xem xét cấp dưỡng nếu có yêu cầu. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác không trái pháp luật.

Trường hợp vừa mới lấy nhau chưa có con cái, không có tài sản chung, sự đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển tài sản riêng của bên kia chưa rõ ràng, thì có thể xử lý theo nguyên tắc phần ai thì chia cho người đó.

Khi chia giá trị QSDĐ phải chú ý chia bằng hiện vật tương ứng với phần mỗi bên được hưởng. Chỉ khi nào không thể chia bằng hiện vật, hoặc mỗi bên đương sự không yêu cầu mới buộc bên kia bù chênh lệch bằng tiền. Khi chia hiện vật phải đảm bảo lợi ích của việc sản xuất, hoàn cảnh, nghề nghiệp của mỗi bên nhằm phát huy tốt công dụng giá trị QSDĐ, giúp các đương sự sớm ổn định cuộc sống sau ly hôn.

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong một số trường hợp sau thì Tòa án cần chia cho bên vợ hoặc chồng phần tài sản có giá trị lớn hơn:

Thứ nhất: Tài sản có nguồn gốc là tài sản riêng của một bên vợ hoặc

chồng, nhưng sau khi kết hôn đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung thì khi chia Tòa án cần chia cho bên có tài sản đem nhập vào khối tài sản chung phần tài sản có giá trị lớn hơn.

Thứ hai: Tài sản có nguồn gốc là của bên gia đình vợ hoặc chồng cho

vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì khi chia tài sản cũng cần chia cho bên được gia đình cho tài sản phần tài sản có giá trị lớn hơn.

* "Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình" [25, điểm b khoản 2 Điều 95].

Đây chính là sự cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ năm 2000 được quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2000: "Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em giúp đỡ các bà mẹ

thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ" [25], thể hiện tính nhân đạo và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Thực tế cho thấy sau khi ly hôn, hầu hết "Vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình"; ngoài việc bị tác động về mặt tâm lý thì bao giờ họ cũng gặp khó khăn hơn trong việc tổ chức lại và duy trì cuộc sống bình thường so với chồng và con đã thành niên mà khỏe mạnh, họ phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi do hậu quả của ly hôn. Do vậy, bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ là cần thiết nhằm giúp họ ổn định cuộc sống.

Khi chia tài sản, mặc dù vẫn đảm bảo nguyên tác chia đôi có tính đến công sức đóng góp của các bên nhưng Tòa án cần xem xét yếu tố này để đảm bảo lợi ích của vợ, chồng. Ví dụ: nếu nhà ở không thể chia đôi bằng hiện vật, thì chia nhà ở bằng hiện vật cho vợ để vợ có thể ổn định cuộc sống, ai là người nuôi con, phải nuôi con chưa thành niên hay đã thành niên nhưng tàn tật, không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì chia cho người đó phần nhiều hơn với phần tài sản mà họ được hưởng, yêu cầu người kia cấp dưỡng… (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

* "Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập" [25, điểm c khoản 2 Điều 95].

Đây là nguyên tắc hết sức cần thiết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả xấu của việc ly hôn cũng như chia tài sản khi ly hôn. Theo nguyên tắc này, tài sản chung là tư liệu sản xuất, công cụ lao động phục vụ cho sản xuất kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp (mặt bằng nhà xưởng sản xuất, tàu thuyền đánh cá, cửa hàng buôn bán, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm…) của bên nào thì chia cho bên đó. Có như vậy mới tạo điều kiện cho sự ổn định về cuộc sống cũng như hoạt động nghề nghiệp, sản xuất kinh doanh, để từ đó họ có thu nhập duy trì cuộc sống bình thường. Mặt khác, có đảm bảo nguyên

tắc này thì tài sản được chia đôi mới phát huy hết giá trị của nó tránh sự lãng phí không cần thiết.

* "Tài sản chung của vợ, chồng được chia bằng hiện vật hay theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản chung bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch" [25, điểm d khoản 2 Điều 95].

Thực tế cho thấy việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thường rất phức tạp, nguyên tắc này sẽ giúp cho Tòa án chủ động hơn khi phân chia nhằm mục đích: Chia tài sản không làm mất giá trị sử dụng của tài sản đó. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, tòa án cần chú ý chia bằng hiện vật tương ứng, chỉ khi nào không thể chia được bằng hiện vật mới tính ra giá trị để chia và bên nào nhận hiện vật quá phần giá trị được chia thì phải bù chênh lệch bằng tiền trên cơ sở vẫn đảm bảo nguyên tắc chia tài sản khác. Tuy nhiên, khi không thể phân chia bằng hiện vật thì ai được nhận tài sản là hiện vật và thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch cũng rất phức tạp. Để thực hiện tốt nguyên tắc này theo hướng dẫn tại mục 12 Nghị quyết số 02/2000/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, việc xác định giá trị khối tài sản chung của vợ chồng hoặc phần giá trị mà họ phải thanh toán hay họ được hưởng là căn cứ vào giá trị thực tế tại địa phương vào thời điểm xét xử. Bên cạnh việc chia tài sản chung, phân định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng cho mỗi bên để họ thực hiện sau khi ly hôn là một vấn đề hết sức quan trọng. Theo khoản 3 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000, việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Bên cạnh đó Tòa án cần đảm bảo sự công bằng trong khâu định giá tài sản.

* Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Nguyên tắc này một lần nữa thể hiện sự tôn trọng, tạo điều kiện để vợ, chồng thực hiện đầy đủ quyền tự định đoạt cũng như khuyến khích họ tự giải

quyết về cách phân chia nghĩa vụ chung về tài sản. Luật HN&GĐ năm 2000 không đề cập những nghĩa vụ nào thì được coi là nghĩa vụ chung nên việc thực hiện nguyên tắc này gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở coi nghĩa vụ chung là những nghĩa vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu chung của gia đình và những nghĩa vụ để tạo lập, quản lý, sử dụng, định đoạt khối tài sản chung… Tòa án cần có sự hướng dẫn, giải thích cho các đương sự về quyền và lợi ích hợp pháp của mình để từ đó họ có thể tự thỏa thuận được về thanh toán loại nghĩa vụ này là tốt nhất.

Việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn phải theo đúng các nguyên tắc được quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà áp dụng các quy định tại Điều 96, Điều 97, Điều 98 tương ứng. Tuy nhiên, cần chú ý: việc xác định giá trị khối tài sản chung của vợ chồng hoặc phần giá trị mà họ phải thanh toán, họ được hưởng là căn cứ vào giá giao dịch thực tế tại địa phương vào thời điểm xét xử.

Trên đây là những căn cứ chung nhất để Tòa án dựa vào đó phân chia tài sản của vợ, chồng khi ly hôn. Có quán triệt và thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo các nguyên tắc trên mới đảm bảo được tính hợp pháp của bản án, quyết định cũng như vẫn đảm bảo được quyền lợi của các đương sự trong quan hệ tài sản này.

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án ly hôn có tranh chấp về tặng cho quyền sử dụng đất qua thực tiễn tại tòa án nhân dân quận Đống Đa (Trang 61)