Nghĩa vụ xác lập nhằm bảo quản hoặc tu bổ tài sản riêng

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 54)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.2. Nghĩa vụ xác lập nhằm bảo quản hoặc tu bổ tài sản riêng

Bảo quản tài sản là công việc cần thiết nhằm bảo đảm việc duy trì điều kiện khai thác và sức sinh lợi của tài sản. Dù luật không có quy định rõ, nhưng theo nguyên tắc suy đoán thì chi phí bảo quản tài sản riêng có thể được thanh toán bằng tài sản chung. Nói rõ hơn, khi vợ hoặc chồng giao kết một hợp đồng nhằm thực hiện công tác bảo quản tài sản riêng, thì nghĩa vụ của chủ khối tài sản đó được xem như nghĩa vụ chung của vợ chồng và được bảo đảm thanh toán không chỉ bằng tài sản riêng của chủ khối tài sản mà còn có thể bằng tài sản chung của vợ và chồng. Bởi vì nếu thực sự là nghĩa vụ chung thì trong trường hợp tài sản được bảo quản là tài sản riêng, nghĩa vụ còn có thể được thanh toán bằng tài sản riêng của vợ (chồng) của người chủ tài sản (chủ đầu tư). Trên thực tế, khó có thể hình dung khả năng người có quyền yêu cầu được phép kê biên tài sản riêng của vợ (chồng) của chủ đầu tư để nhận tiền thanh toán đối với nghĩa vụ này, trừ trường hợp tài sản riêng có hoa lợi là nguồn sống chủ yếu của gia đình.

Sửa chữa tài sản có thể mang tính chất bảo quản trong trường hợp sửa chữa định kỳ theo yêu cầu hoặc những sửa chữa đột xuất có nguồn gốc từ các sự cố phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản nhưng chi phí thấp, gọi là xử lý hỏng hóc nhỏ. Trái lại, các sửa chữa lớn, thường cũng mang tính chất định kỳ, gần như có tác dụng tái tạo tài sản cả về hình thức biểu hiện vật chất cũng như về chất lượng sử dụng. Bên cạnh đó, các sửa chữa đột xuất nhằm khắc phục sự cố nghiêm trọng cũng mang tính chất của việc tái tạo tài sản, bảo đảm khai thác công dụng của tài sản. Bởi vậy, các nghĩa vụ phát sinh từ việc sửa chữa tài sản riêng cũng được bảo đảm thực hiện bằng tài sản riêng của chủ sở hữu và tài sản chung của vợ chồng. Nếu tài sản riêng có hoa lợi là nguồn sống chủ yếu của gia đình, thì nghĩa vụ còn được bảo đảm thực hiện cả bằng tài sản riêng của vợ (chồng) chủ sở hữu.

Việc tu bổ, nâng cấp tài sản có tác dụng làm cho tình trạng tài sản tốt hơn, nhưng không thể coi là việc làm cần thiết để duy trì sự tồn tại của tài sản: không có tu bổ, nâng cấp, tài sản được bảo quản tốt vẫn tồn tại và vẫn sinh lợi. Bởi vậy, các nghĩa vụ phát sinh từ việc tu bổ tài sản riêng không thể được coi là nghĩa vụ chung của vợ chồng và có thể được thanh toán bằng tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp người có tài sản được tu bổ không thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ việc tu bổ tài sản, thì chủ nợ chỉ có thể kê biên tài sản riêng của người này. Cũng như giải pháp cho vấn đề bảo đảm nghĩa vụ gắn với tài sản được thừa kế riêng hoặc cho riêng, giải pháp cho vấn đề thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ việc tu bổ, nâng cấp tài sản riêng có thể tỏ ra bất hợp lý trong điều kiện thu nhập do lao động của chủ sở hữu và các hoa lợi, lợi tức gắn liền với tài sản riêng rơi vào khối tài sản chung. Tuy nhiên, trong khung cảnh luật viết, ta khó có thể xây dựng một giải pháp nào khác.

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)