Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng được

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 41)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng được

được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân

Theo căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ chồng thì dựa vào nguồn gốc tài sản và thời điểm xác lập quyền sở hữu, những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thuộc quyền sở hữu riêng của vợ, chồng. Luật HN và GĐ năm 2000 qui định những tài sản này thuộc khối tài sản riêng của vợ, chồng nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của các chủ sở hữu tài sản, theo qui định của pháp luật dân sự, chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng được hưởng. Bởi lẽ, ý chí của chủ sở hữu chỉ tặng cho riêng, hoặc để lại di chúc trước khi chết chỉ cho vợ (chồng) được hưởng di sản của họ, chứ không phải cho chung cả hai vợ chồng. Những tài sản này không phải do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân [8], theo công sức và thu nhập của vợ, chồng nên không thể tính thuộc vào khối tài sản chung của vợ chồng.

Trong thực tế, những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thường do những người có cùng huyết thống, những người thân thuộc, bạn bè của vợ, chồng định đoạt theo ý chí của họ cho

mỗi bên vợ, chồng được hưởng giá trị khối tài sản đó. Có thể những tài sản đó do cha, mẹ tặng cho riêng con trong ngày cưới; cha mẹ chồng, vợ khi chết đã để lại di chúc, chỉ cho con mình là người chồng, vợ được hưởng khối di sản đó.

Tuy trong luật đã qui định căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng nhưng trong thực tế xét xử thì việc xác định tài sản riêng của vợ chồng thường không rõ ràng, điều này xuất phát từ tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân. Khi vợ chồng yêu thương nhau thì thường không có sự phân biệt rõ ràng trong việc sử dụng tài sản chung, tài sản riêng. Vì vậy, có thể vợ hoặc chồng có tài sản riêng, đã tự nguyện nhập vào khối tài sản chung và tài sản đó được sử dụng chung nhưng lại không có giấy tờ, văn bản nào chứng minh việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Đến khi có mâu thuẫn và có yêu cầu ly hôn thì người có tài sản lại nói rằng họ chưa nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của vợ chồng. Khi có tranh chấp, việc giải quyết các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn, thường phải dựa vào đặc tính tâm lý của vợ hoặc chồng vào thời điểm nhập tài sản và thực tế việc sử dụng tài sản đó như thế nào để có nhận định đúng đắn.

Thực tế việc xác định tài sản mà vợ hoặc chồng được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân cũng rất phức tạp và thường nảy sinh nhiều tranh chấp. Theo tập quán của người Việt Nam, người tặng cho tài sản không thực hiện hợp đồng tặng cho bằng văn bản mà chỉ thông qua hợp đồng miệng. Cũng có trường hợp hợp đồng tặng cho thực hiện bằng văn bản nhưng trong đó chỉ ghi tên vợ hoặc chồng trong khi người tặng cho tài sản lại "tuyên bố" là cho chung vợ chồng. Thậm chí có trường hợp người tặng cho tài sản trao tài sản cho một bên vợ hoặc chồng mà không có mặt bên kia nhưng trong ý thức của người tặng cho tài sản lại không phải là chỉ muốn tặng cho riêng người đó mà là muốn cho chung vợ chồng vì họ cho rằng "của chồng công vợ". Đây cũng là một trong những vấn đề luật cần dự liệu cụ thể.

Đối với trường hợp vợ, chồng cùng hàng thừa kế theo pháp luật, phần di sản mà mỗi bên vợ, chồng được hưởng theo "suất" thừa kế là bằng nhau, về nguyên tắc sẽ thuộc khối tài sản riêng của vợ, chồng, chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 41)