Nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 50)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3. Nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung

Theo khoản 2 Điều 33 Luật HN và GĐ năm 2000, vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng. Do

vậy việc quy định vợ, chồng có tài sản riêng không làm ảnh hưởng tới tính chất của quan hệ hôn nhân và cũng không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, vấn đề vợ, chồng đã nhập hay chưa nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng khi có tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng rất phức tạp. Trong thực tế, khi vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc thì họ có thể thỏa thuận để người có tài sản riêng nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng hoặc sử dụng khối tài sản riêng đó mặc nhiên như tài sản chung. Nhưng khi có tranh chấp (như vợ chồng ly thân, ly hôn) thì họ lại cho rằng tài sản riêng đó là của mình, họ chưa nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Có trường hợp tài sản riêng của vợ, chồng đã bị tiêu tán, không còn nữa trong quá trình vợ chồng chung sống ở thời kỳ hôn nhân khi sử dụng, định đoạt tài sản riêng vì nhu cầu đời sống chung của gia đình; khi có tranh chấp, người vợ, chồng đó yêu cầu được "đền ", được "hoàn lại" từ khối tài sản chung của vợ chồng phần giá trị tài sản bằng tài sản riêng của họ đã sử dụng vào nhu cầu chung của gia đình.

Trước đây, tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP đã hướng dẫn: Đối với tài sản riêng của vợ, chồng mà đã đưa vào sử dụng chung, không còn nữa thì không phải thanh toán, không được đền bù... Hướng dẫn này của TANDTC trong Nghị quyết số 01/NQ/HĐTP đã dựa vào nguyên tắc suy đoán: Người vợ, chồng có tài sản riêng mà đã sử dụng cho nhu cầu đời sống chung của gia đình thì phải coi vợ, chồng đã "mặc nhiên" nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Khi có tranh chấp, họ không có quyền đòi lại các tài sản riêng đó. Đây là một đặc trưng chỉ xuất hiện trong quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ tài sản này không mang tính chất đền bù và ngang giá.

Việc vợ chồng nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng được thực hiện theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP: “Việc nhập tài

sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo qui định tại khoản 2 Điều 32 của Luật HN và GĐ phải được lập thành văn bản có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo qui định của pháp luật”.

Việc đòi hỏi chữ ký của cả vợ và chồng được hiểu rằng việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung phải được sự đồng thuận giữa vợ và chồng. Qui định này là căn cứ khi xác định vợ, chồng có tài sản riêng đã nhập hay chưa nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Mặt khác, để ngăn chặn những mục đích không lành mạnh của vợ, chồng khi nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng cũng là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của những người khác liên quan, theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP: "Việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu theo qui định tại Điều 11 của Nghị định này". Ví dụ như vợ, chồng thỏa thuận nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng để nhằm trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người khác; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp; nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước hoặc nghĩa vụ trả nợ cho người khác.

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)