Việc áp dụng căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 68)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Việc áp dụng căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng

Thực tế áp dụng những qui định về chế độ tài sản riêng của vợ chồng vào trong các quan hệ HN và GĐ đã khẳng định tính ưu việt của chế định tài sản của vợ chồng nói chung và chế định tài sản riêng của vợ chồng nói riêng là chế độ cộng đồng tạo sản, là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của gia đình với lợi ích của cá nhân vợ, chồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân các cấp cho thấy, nhiều vụ việc mặc dù đã qua nhiều cấp xét xử, vẫn còn bộc lộ những vướng mắc, thiếu sót trong việc áp dụng các qui định trong chế độ tài sản riêng của vợ chồng về xác định thời điểm phát sinh tài sản dẫn đến sai lầm trong xác định tài sản chung, tài sản riêng.

Một số Tòa án còn gặp lúng túng trong việc vận dụng căn cứ xác định tài sản chung được qui định tại khoản 3 Điều 27: "Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung". Căn cứ xác định tài sản mang tính chất suy đoán pháp lý này có ý nghĩa rất quan trọng đối với những tranh chấp mà một bên vợ, chồng có yêu cầu về tài sản riêng, nhưng bản thân họ không có chứng cứ hoặc có nhưng chứng cứ không rõ ràng.

Vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được quy định tương đối cụ thể trong Luật HN và GĐ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, một

khi đời sống chung giữa vợ chồng càng kéo dài thì các tài sản sẽ có xu hướng không thể tránh khỏi là lẫn lộn với nhau, đặc biệt khi vợ chồng xác lập nhiều các giao dịch liên quan đến tài sản. Do đó, không phải lúc nào nguồn gốc của tài sản cũng có thể xác định được theo các quy định về việc xác định tài sản chung (Điều 27) và tài sản riêng (Điều 32). Trong bối cảnh đó, quy định về việc suy đoán tài sản chung mà người làm luật đặt ra trong khoản 3 Điều 27 có ý nghĩa như một nguyên tắc có tính chất định hướng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa vợ chồng với nhau về nguồn gốc tài sản. Mặc dù vậy, với tư cách là một nguyên tắc suy đoán, tác dụng của nguyên tắc này chỉ dừng lại ở chỗ thiết lập một sự suy đoán, không có ý nghĩa khẳng định chắc chắn tất cả tài sản trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng. Mặt khác, nguyên tắc này còn có ý nghĩa như một trở ngại không những đối với vợ, chồng trong việc chứng minh tài sản là của riêng, mà còn là trở ngại đối với người thứ ba, cụ thể là các chủ nợ riêng của vợ, chồng (các chủ nợ chỉ được đảm bảo thanh toán bằng tài sản riêng) trong việc yêu cầu kê biên tài sản riêng. Các chủ nợ riêng này muốn kê biên tài sản riêng của vợ, chồng mắc nợ, buộc phải chứng minh tài sản mà họ yêu cầu kê biên là tài sản riêng của người mắc nợ.

Nếu việc suy đoán tài sản chung chỉ được ghi nhận một cách đơn giản trong Luật HNGĐ Việt Nam thì trong luật Dân sự Pháp, vấn đề này lại được quy định chi tiết tại Điều 1402:

"Mọi tài sản, dù là động sản hay bất động sản, đều được coi là tài sản chung của vợ chồng, nếu không chứng minh được đó là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng theo quy định của pháp luật"; "Nếu không có chứng cứ hoặc dấu vết về nguồn gốc của tài sản thì khi có tranh chấp, quyền sở hữu riêng của vợ chồng phải được chứng minh bằng văn bản. Trường hợp không có bản kiểm kê tài sản hoặc không có chứng cứ nào được xác lập từ trước, thẩm phán có

thể xem xét mọi loại giấy tờ, đặc biệt là các loại giấy tờ, sổ sách của gia đình cũng như các tài liệu của ngân hàng và các hoá đơn thanh toán. Thẩm phán cũng có thể chấp nhận lời khai của nhân chứng hoặc suy đoán nếu nhận thấy vợ, chồng không có khả năng cung cấp chứng cứ bằng văn bản".

Luật HN và GĐ đã có những điều, khoản quy định về việc xác định tài sản chung và tài sản riêng trong hôn nhân. Thế nhưng trên thực tế, việc phân định rõ ràng tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng rất phức tạp. Văn hóa Việt Nam luôn xem xét tài sản trong hôn nhân dưới góc độ "của chồng công vợ". Theo đó, mọi tài sản mà vợ chồng có được sau khi kết hôn vô hình chung được xem làm "của chung" và vợ chồng đều có quyền được hưởng ngang nhau trong khối tài sản “chung” đó. Với văn hóa người Việt vẫn còn mang nặng tâm lý ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề xác định rõ ràng tài sản riêng khi kết hôn. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ khi lấy chồng được bố mẹ cho tài sản dưới hình thức là của hồi môn.

Thực tế không mấy ai yêu cầu bạn đời công nhận rõ ràng trước pháp luật đó là khối tài sản riêng của vợ hay chồng và người kia không có quyền định đoạt số tài sản ấy. Đa phần thường đưa số tài sản riêng ấy sử dụng chung trong hôn nhân và vô tình làm mất quyền sở hữu tài sản riêng của mình. Vì thế, khi hôn nhân có sự cố, họ phải chấp nhận thiệt thòi.

Trong khi đó việc xác lập tài sản riêng trong quá trình chung sống cũng là vấn đề nan giải. Đôi khi việc phân định tài sản riêng - chung rõ ràng lại bị đánh giá là không muốn gắn kết hôn nhân bền vững. Bởi vợ chồng rất khó chấp nhận chuyện "sống chung nhưng của lại riêng". Việc tạo lập tài sản riêng dù được luật pháp công nhận nhưng trên thực tế để xác định rõ ràng quyền sở hữu khối tài sản riêng ấy vẫn rất khó khăn.

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)