Tranh chấp nhà ở và quyền sử dụng đất của vợ chồng

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 75)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.5.Tranh chấp nhà ở và quyền sử dụng đất của vợ chồng

Trong thực tiễn Tòa án nhân dân giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng, đây cũng là loại việc khó khăn và cũng là khâu yếu nhất. Để tạo căn cứ pháp lý thống nhất trong việc xác định tài sản (tài sản chung, tài sản riêng) của vợ chồng là nhà ở và quyền sử dụng đất, Luật HN và GĐ năm 2000 (khoản 1 Điều 27, các điều 97, 98 và 99), Nghị định số 70/2001/NĐ-CP (từ Điều 23 đến Điều 30) và một số văn bản hướng dẫn có liên quan đã qui định một chế độ pháp lý riêng về quyền sử dụng đất và các nguyên tắc chia tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất khi ly hôn. Đó là một thuận lợi rất lớn về căn cứ pháp lý cho Tòa án các cấp giải quyết các tranh chấp có liên quan.

Thực tế, có trường hợp khi người con lập gia đình, cha mẹ (bên vợ hoặc bên chồng) đã giao cho vợ chồng người con một phần đất; có trường hợp cha mẹ còn cho vợ chồng người con vật liệu xây dựng hoặc tiền để xây dựng nhà trên đất. Việc cho đất nói trên thường không lập giấy tờ (trong một số trường hợp có lập giấy tờ nhưng chưa đúng thủ tục do pháp luật quy định). Nếu như vợ chồng

người con không ly hôn thì cha mẹ đòi lại quyền sử dụng đất là không nhiều, nhưng nếu vợ chồng ly hôn thì tranh chấp quyền sử dụng đất xảy ra tương đối nhiều (nhiều vụ rất gay gắt).

Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án tranh chấp về tài sản khi ly hôn, một trong các bên đương sự thường cho rằng tài sản (đặc biệt là quyền sử dụng đất) thuộc tài sản chung của vợ chồng do được bố mẹ tặng cho chung, tuy nhiên lại không đưa ra được những căn cứ pháp lý thuyết phục để chứng minh cho điều đó. Cũng đã có khá nhiều trường hợp cha mẹ của một trong hai bên vợ chồng tặng cho vợ chồng tài sản (quyền sử dụng đất) với ý định là tặng cho chung. Nhưng khi vợ chồng mâu thuẫn yêu cầu ly hôn mà có tranh chấp về tài sản đó thì cha mẹ hoặc là đòi lại hoặc là khẳng định chỉ cho riêng con trai, hay con gái họ mà thôi.

Vậy trường hợp nào được coi là cha mẹ đã cho vợ chồng người con quyền sử dụng đất, trường hợp nào thì chưa cho, trường hợp nào là cho chung hai vợ chồng, trường hợp nào cho riêng vợ hoặc chồng. Khi giải quyết tranh chấp này, Tòa án các cấp đã gặp khó khăn, lúng túng vì chưa có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nên dẫn tới việc giải quyết vụ án có khác nhau.

Tại Điều 467 BLDS năm 2005 quy định về tặng cho bất động sản như sau: “1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.

Thực tiễn cho thấy việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha mẹ và vợ chồng người con còn có trường hợp chưa thể đáp ứng được các yêu cầu nêu trên của pháp luật vì nhiều nguyên nhân khác nhau (có thể do trình độ hiểu

biết pháp luật của một bộ phận nhân dân ta còn hạn chế; có thể do thủ tục chứng thực, đăng ký bất động sản chưa được thuận tiện; có thể họ là những người thân thích trong gia đình, nên đã không làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất theo đúng quy định...). Để giải quyết các vụ việc liên quan đến tặng cho quyền sử dụng đất cha mẹ và vợ chồng người con có lý, có tình thì phải xem xét toàn diện cả về pháp luật và thực tiễn.

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 75)