Sự hình thành và phát triển kỹ năng nói chung, kỹ năng thiết kế HĐGD nói riêng có mối quan hệ thống nhất với hệ thống tri thức đã hình thành được. Sở dĩ như vậy vì xuất phát từ cấu trúc của kỹ năng cần phải hiểu mục đích, biết cách thức đi đến kết quả và hiểu những điều kiện cần thiết để triển khai các thao tác, hành động cụ thể. Kiến thức là kết quả của sự phản ánh song sự vận dụng kiến thức để khám phá, biến đổi đối tượng chính là kỹ năng. Muốn phát triển kỹ năng thì kiến thức đó phải phản ánh đầy đủ thuộc tính bản chất, được thử thách trong thực tiễn và tồn tại trong ý thức. Sự vận dụng kiến thức của cá nhân tùy thuộc ở khả năng nhận dạng kiểu nội dung, nhiệm vụ, cách thức tổ chức hoạt động.
Trong quá trình phát triển, kỹ năng chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: Nội dung của hoạt động, tâm thế và thói quen, khả năng tri giác đối tượng một cách toàn thể của chủ thể... Thực chất của quá trình phát triển kỹ năng là cách nắm vững một hệ thống phức tạp các thao tác nhằm làm biến đổi và sáng tỏ những thông tin chứa đựng trong hoạt động, trong nhiệm vụ và đối chiếu chúng với những hành động cụ thể. Sự phát triển kỹ năng bắt đầu từ sự nhận thức và cuối cùng phải biểu hiện ở hành động cụ thể. Sự chuyển hóa quá trình ấy rất phức tạp, song ta có thể phân chia một cách tương đối qua 5 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1: Giai đoạn bắt chước
Giai đoạn này các kỹ năng được hình thành ở mức độ đơn giản, khi tri giác các thao tác cấu thành kỹ năng, chủ thể có thể bắt chước làm theo song về cơ bản chỉ mang tính rập khuôn, máy móc, nếu có thay đổi hoàn cảnh, chủ đề hoạt động thì chủ thể không thực hiện đạt kết quả. Ở giai đoạn này thiếu sự phối hợp giữa cơ bắp và hệ thần kinh cho nên hành động và thao tác chưa đạt được kết quả.
Giai đoạn 2: Giai đoạn làm được
Kỹ năng ở giai đoạn này đã phát triển và đạt được mức độ nhất định. Khi quan sát bản thiết kế mẫu, chủ thể đã biết cách làm nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu, còn mắc nhiều lỗi. Tuy nhiên, ở giai đoạn này đã có sự phối hợp giữa cơ bắp và hệ thần kinh.
Giai đoạn 3: Giai đoạn chính xác
Ở giai đoạn này kỹ năng thiết kế hoạt động chuẩn xác, chủ thể đã tự thực hiện được kỹ năng và đạt được yêu cầu.
Giai đoạn 4: Giai đoạn phối hợp
Kỹ năng ở giai đoạn này đã có sự liên kết thành thạo giữa các hành động với tri thức. Trong quá trình thực hiện kỹ năng, chủ thể có thể thực hiện tốt các thao tác và có phần sáng tạo.
Giai đoạn 5: Giai đoạn thuần thục
Ở giai đoạn này kỹ năng đạt đến mức độ tự động hóa, chủ thể thực hiện công việc chính xác với tốc độ cao; sáng tạo và linh hoạt, tiết kiệm thời gian đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động.
Tóm lại, sự phát triển kỹ năng là một quá trình phức tạp, một quá trình chuyển hóa liên tục, biện chứng. Trên thực tế, các giai đoạn trên không thể tách bạch và phân chia có ranh giới rõ ràng. Trong khi giai đoạn này biểu hiện rõ thì đã có mầm mống của giai đoạn sau và vẫn còn dấu ấn của giai đoạn trước.
Vận dụng cách hiểu trên về lý luận các giai đoạn phát triển kỹ năng, sử dụng chuẩn đánh giá theo quan điểm của B.J. Bloom, chúng tôi xây dựng các mức độ phát triển kỹ năng thiết kế HĐGD của GV trong đó thể hiện những nhận định chung nhất cho toàn bộ các kỹ năng thuộc nhóm kỹ năng thiết kế (bao gồm kỹ năng đặt tên cho hoạt động, xác định mục đích yêu cầu giáo dục, xác định nội dung; lựa chọn phương pháp, phương tiện tổ chức; xác định thời gian và địa điểm tổ chức; xác định các lực lượng tham gia và phối hợp thực hiện hoạt động; … kỹ năng trình bày bản thiết kế HĐGD), nội dung này thể hiện khái quát qua bảng sau:
Trình độ Biểu hiện Tiêu chí để đánh giá
1. Bắt chước Quan sát và làm
rập khuôn được
Khi tri giác trực tiếp quá trình thể hiện các kỹ năng của tập huấn viên, GV bắt chước và làm theo được một cách rập khuôn, máy móc; sự gắn kết giữa tri thức và kỹ năng chưa đạt tính thống nhất, chưa có sự liên hệ chủ động ở phía GV về mối quan hệ giữa tri thức hình thành được và kỹ năng cần hình thành vì vậy, nếu có thay đổi chủ đề hoạt động thì GV không thiết kế được hoạt động.
2. Làm được
Biết cách làm và tự làm được.
Khi tri giác trực tiếp hoặc gián tiếp quá trình thể hiện các kỹ năng của tập huấn viên, GV tái hiện, bắt chước làm theo được về trình tự các thao tác. GV đã thiết lập được mối quan hệ thống nhất giữa tri thức cơ sở và sự hình thành kỹ năng. Nếu có sự thay đổi chủ đề hoạt động thì GV bước đầu cũng thiết kế được hoạt động, hoàn thành được công việc song ở mức độ chuẩn thấp, nếu có sai sót thì đó là sai sót nhỏ.
3. Chính xác
Thực hiện một cách chính xác
Thực hiện các kỹ năng thiết kế HĐGD theo sự hợp lý, chính xác về trình tự các thao tác, hoàn thành được công việc không có sai sót về kỹ năng, đạt chuẩn quy định.
4. Phối hợp Thực hiện một
cách chính xác công việc và có phần sáng tạo.
Hoàn thành được các kỹ năng thiết kế HĐGD đạt chuẩn. Bản thiết kế có tính khả thi khi tổ chức hoạt động 5. Thuần thục Thực hiện công việc chính xác với tốc độ cao, thuần thục.
Hoàn thành được các kỹ năng thiết kế HĐGD một cách thuần thục, tiết kiệm được thời gian thực hiện, đảm bảo tính chính xác, linh hoạt, sáng tạo và đạt vượt chuẩn. Bản thiết kế có tính khả thi cao và có thể mang lại chất lượng cao khi tổ chức hoạt động.
Những nghiên cứu lý luận về trình độ phát triển kỹ năng thiết kế HĐGD được thể hiện trong bảng trên là tiêu chí để chúng tôi đánh giá mức độ
hình thành và phát triển kỹ năng thiết kế HĐGD của GV thể hiện ở Chương 2 của luận văn.