Xuất phát từ chức năng trội của quá trình giáo dục so với quá trình dạy học trong nhà trường THPT, việc tổ chức các HĐGD hướng đến hình thành và phát triển cho HS về mặt phẩm chất trong cấu trúc nhân cách gắn với các mục tiêu cụ thể sau:
- Mục tiêu về tri thức:
Bổ sung, củng cố và hoàn thiện những tri thức đã được học trên lớp. Giúp HS có những hiểu biết mới về thế giới xung quanh, cộng đồng và xã hội. Vận dụng những tri thức đã học để giải quyết những tình huống do thực tiễn đặt ra.
Hướng nhận thức, giúp HS biết tự điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống cho phù hợp. Qua đó cũng làm giàu thêm vốn sống, vốn kinh nghiệm thực tế – xã hội cho HS.
Định hướng chính trị, xã hội, tăng cường hiểu biết về các giá trị truyền thống của dân tộc, những giá trị tốt đẹp của nhân loại; giúp HS có những hiểu biết về các vấn đề mang tính thời đại như: Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, môi trường, dân số và chất lượng cuộc sống, … Từ đó, hình thành ở HS ý thức về quyền và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội; có ý thức về định hướng nghề nghiệp.
- Mục tiêu về kỹ năng
Tiếp tục rèn luyện các kĩ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa, kĩ năng hoạt động tập thể, những thói quen tốt trong học tập và lao động, trong các hoạt động xã hội, kỹ năng kiểm tra, đánh giá. Từ đó, phát triển ở HS một số năng lực cơ bản như: năng lực tự hoàn thiện, năng lực thích ứng, năng lực giao tiếp, năng lực hoạt động chính trị - xã hội, năng lực tổ chức quản lí, năng lực hợp tác và hòa nhập.
- Mục tiêu về thái độ:
Tạo cho HS hứng thú và nhu cầu hoạt động, lòng ham muốn hoạt động. Từng bước hình thành cho HS niềm tin vào những giá trị mà HS phải vươn
tới, đó là niềm tin vào chế độ XHCN, tin vào đường lối chính trị của Đảng, tương lai của đất nước. Từ đó, hình thành cho HS lòng tự hào dân tộc, làm đẹp thêm truyền thống của nhà trường, của lớp, quê hương, phấn đấu vươn lên trở thành người con ngoan, trò giỏi, công dân có ích cho xã hội.
Bồi dưỡng cho HS những tình cảm đạo đức trong sáng như tình bạn, tình nghĩa thày trò, tình yêu quê hương, đất nước…, qua đó, giúp HS biết kính yêu và trân trọng các giá trị tốt đẹp; biết lên án, phê phán những biểu hiện xấu, tiêu cực. Bồi dưỡng cho HS tính tích cực, năng động tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội vì sự phát triển của tập thể và bản thân. Giáo dục cho HS tinh thần đoàn kết hữu nghị với thanh thiếu niên quốc tế, với các dân tộc khác trên thế giới…
Biết tỏ thái độ đúng đắn trước những vấn đề của cuộc sống, biết chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân; đấu tranh tích cực với những biểu hiện sai trái của bản thân (để tự hoàn thiện mình) và của người khác; biết cảm thụ và đánh giá cái đẹp.