Xuất phát từ mục đích nghiên cứu của đề tài, chúng tôi xác định đây là nhóm kỹ năng chính mà đề tài đề cập đến về mặt lý luận làm cơ sở để nghiên cứu thực tiễn và đề xuất biện pháp phát triển kỹ năng cho GV THPT.
1.4.1.1.Kỹ năng đặt tên hoạt động
Mỗi chủ đề giáo dục cần được tiến hành bởi nhiều hoạt động khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng lớp, từng trường. Vì thế, GV cần có sự lựa chọn các hoạt động; tìm tòi, cân nhắc khi đặt tên cho hoạt động. Tên của hoạt động tự nó đã nói lên được chủ đề, mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động. Đồng thời, tên hoạt động cũng tạo ra được sự hấp dẫn, cuốn hút, tạo ra được hứng thú tham gia của HS. Kỹ năng đặt tên cho HĐGD là kỹ năng cơ bản trong nhóm kỹ năng thiết kế HĐGD. Tên của hoạt động cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Phải nêu rõ chủ đề, nội dung của hoạt động, - Phải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác,
- Phải tạo ấn tượng, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh, - Có ý nghĩa thực tiễn và khả thi.
Trong thực tế, việc lựa chọn tên hoạt động phải sát với chủ đề của hoạt động và phục vụ tốt cho việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của chủ đề HĐGD. 1.4.1.2. Kỹ năng xác định mục tiêu giáo dục của hoạt động
Mục tiêu nói chung là kết quả dự kiến cần đạt được sau khi thực hiện hoạt động. Mục tiêu HĐGD là kết quả giáo dục mà giáo viên mong muốn HS đạt được sau các HĐ.
Mỗi hoạt động được xác định đều phải hướng tới việc thực hiện mục tiêu chung của chủ đề theo từng tháng nhưng bản thân nó cũng có mục tiêu riêng.
Sau khi lựa chọn và đặt tên cho hoạt động, cần xác định mục tiêu của hoạt động. Mục tiêu của hoạt động phải nhằm giáo dục học sinh cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Tuy nhiên, mỗi một hình thức hoạt động khác nhau có thể có lợi thế hơn hoặc tập trung hơn trong việc thực hiện các mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn hình thức giao lưu, diễn đàn, toạ đàm có nhiều khả năng hơn trong việc hình thành thái độ; hình thức thi tìm hiểu, thảo luận có nhiều khả năng giúp đạt được mục tiêu kiến thức.
Mục tiêu hoạt động cần rõ ràng, cụ thể, có tính xác định và có thể lượng hoá được để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá.
Mục tiêu của HĐGD được thiết kế theo một số quy tắc sau:
- Bảo đảm tính chất toàn vẹn của hoạt động hoặc chủ đề hoạt động, theo đúng nội dung mà chủ đề hoạt động đề ra.
- Bao quát đủ 3 lĩnh vực chung hoạt động, cả quá trình lẫn kết quả hay
thành tựu. Đó là:
+ Nhận thức (tri thức-nhận biết sự vật, sự kiện; kĩ năng hẹp-hiểu sự vật,
sự kiện đó; áp dụng sự nhận biết và sự hiểu biết vào các tính huống giáo dục tương tự trên cơ sở trí nhớ, nhớ lại và làm theo mẫu; kĩ năng mở rộng-thực hiện các hành động trí tuệ logic như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hoá, suy luận, phán đoán, đánh giá). Như vậy, trong nhận thức cần cố gắng phân biệt tri thức sự kiện cùng với kĩ năng tương ứng của nó với các kĩ năng cấp cao tương ứng với sự lĩnh hội những nội dung HĐ. Loại kĩ năng hẹp chỉ ứng với tri thức sự kiện. Loại kĩ năng mở rộng mới phản ánh trình độ khái niệm nhưng cũng chỉ ở phương diện logic chứ chưa đầy đủ hoàn toàn.
+ Tình cảm và khả năng biểu cảm (kĩ năng cảm thụ và phán xét giá trị- thừa nhận, chấp nhận, phản đối, phê phán; kĩ năng biểu đạt thái độ và giá trị- rung cảm, đồng cảm, xúc cảm, bất bình, hài lòng; kĩ năng hiểu tình cảm, tâm tư con người và các vấn đề đời sống tình cảm; kĩ năng ứng xử tình cảm và văn hoá thẩm mĩ phù hợp với nội dung học tập).
+ Năng lực hoạt động thực tiễn (kĩ năng xã hội hay kĩ năng sống; kĩ năng di chuyển tri thức và phương thức hành động trong các tình huống thực tế thay đổi; kĩ năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề từ những sự kiện thực tế). Chỉ khi đạt được cả 3 lĩnh vực mục tiêu trong HĐGD thì thành tựu và quá trình học tập mới thật sự đầy đủ và phản ánh cấp độ hoạt động-nhân cách của sự phát triển cá nhân.
- Các yếu tố trong mục tiêu được mô tả dưới hình thức những hành vi quan sát được. Những hành vi đó là biểu hiện của hành động, của tri thức, của kĩ năng, của thái độ và tình cảm, của khả năng vận động thể chất và của các vận động tâm lí cá nhân (chẳng hạn của các hoạt động trí tuệ và xử lý những tình huống thực tế).
- Mục tiêu có chức năng chỉ đạo cho việc thiết kế những giai đoạn tiếp sau của HĐ. Do đó việc lựa chọn các thuật ngữ hay mệnh đề chính xác để phát biểu mục tiêu là một kĩ thuật hết sức quan trọng, đòi hỏi giáo viên phải chú ý tích luỹ kinh nghiệm thực tế. Những thuật ngữ và mệnh đề thích hợp để phát biểu mục tiêu của hoạt động thường có hình thức như sau hoặc tương tự như sau:
+ Nhớ và nhớ lại được công thức, nguyên tắc, quy tắc, quan điểm, yêu cầu, mô hình, sự kiện, nhân vật, hoàn cảnh...) nào đó.
+ Giải thích được nội dung, mô tả được hình thức hay cấu trúc, phân tích được thành phần, so sánh được mức độ khác nhau hay giống nhau... của đối tượng nào đó và bằng những công cụ nào (lời nói, văn bản, hệ thống kí hiệu, phương tiện kĩ thuật...)
+ Đánh giá được tầm quan trọng, ý nghĩa, giá trị, mức độ, cường độ... của quá trình hay sự kiện, sự vật nào đó.
+ Biết thực hiện (hay tiến hành, hoàn thành, làm...) hành động hay hành vi nào đó, ở trình độ nhất định (đúng mẫu, nhanh đến đâu, chính xác ở mức độ nào)
+ Biết thể hiện ý thức (hay thái độ, xúc cảm, tính cảm, nhu cầu, lí trí...) trước sự kiện (hay đối tượng quan hệ, tình huống nào đó) theo định hướng giá trị nhất định.
+ Biết hoàn thành công việc nào đó với những tiêu chí cụ thể như lập kế hoạch, tổ chức, phát hiện, tra cứu, xử lí số liệu hay tình huống, nêu và giải quyết vấn đề, đo lường, đánh giá, phê phán, nhận xét...
1.4.1.3. Kỹ năng xây dựng nội dung hoạt động
Nội dung của HĐGD được hiểu là hình thái đối tượng hoá của mục tiêu, tức là sự diễn đạt mục tiêu dưới hình thức các đối tượng hoạt động (nhận thức, giao tiếp, quản lí, vận động thể chất, lao động, nghệ thuật, chơi, quan hệ xã hội…). Nội dung của HĐGD được thiết kế theo một số quy tắc:
Chỉ rõ thực chất của quá trình, sự vật hay sự kiện từ những khía cạnh: Hình thức, cấu trúc, logic, chức năng, thực thể, đặc điểm, dấu hiệu, hành vi… Tổ chức có hệ thống những thành phần của nội dung hoạt động, thể hiện nội dung đó thông qua tình huống. Bằng những phương pháp cụ thể GV làm cho HS nhận thức, hiểu được nội dung và vận dụng được nội dung đó trong hoạt động thực tiễn.
Dự kiến được cấu trúc và tính chất của các hoạt động mà người học phải thực hiện. Các HĐGD là môi trường bên ngoài chứa nội dung hoạt động đây chính là đối tượng của HS. Cách mô tả nội dung cần gợi ra được cấu trúc, cơ cấu, tính chất và cường độ của các hoạt động, nhưng không nhất thiết phải ấn định các hoạt động một cách cứng nhắc.
GV chuyển hóa các thành phần nội dung trừu tượng thành sự mô tả hành động hoặc kĩ năng hành vi, hoặc đối tượng cảm tính. Điều này đã được các nhà khoa học, kĩ thuật phân tích rất chu đáo khi trình bày các giáo trình chuyên môn hoặc sách chuyên khảo. Để làm điều này phải có kĩ năng sử dụng các mô hình, biểu trưng, đồ hoạ, sơ đồ…và biết lựa chọn kiểu loại, số lượng những công cụ như thế để mô tả càng cụ thể càng tốt.
1.4.1.4. Kỹ năng lựa chọn phương pháp và phương tiện tổ chức
Phương pháp là cách thức biểu hiện nội dung hoạt động, mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh, điểm hạn chế nhất định. Nhưng khi xem xét việc thực hiện một mục tiêu hoạt động nhất định thì có một số phương pháp có khả năng cao hơn các phương pháp khác. Chẳng hạn nếu đặt mục tiêu phát triển tri thức lý thuyết thì các phương pháp thuyết trình, thảo luận có vị trí quan trọng nhưng nếu đặt mục tiêu phát triển năng lực tìm tòi sáng tạo, cách giải quyết những tình huống thực tiễn để hình thành kinh nghiệm ứng xử xã hội thì vấn đề sẽ khác đi.
GV lựa chọn các phương pháp tương thích với nội dung của hoạt động. Giữa nội dung và phương pháp có mối quan hệ tác động lẫn nhau, trong nhiều trường hợp quy định lẫn nhau. Ở bình diện kĩ thuật thiết kế tổ chức các hoạt động, phương pháp cần tương thích với nội dung của hoạt động. Lựa chọn phương pháp giáo dục cần chú ý đến hứng thú, thói quen của HS, kinh nghiệm sư phạm của nhà giáo dục, cần chẩn đoán nhu cầu, hứng thú của HS khi lựa chọn các phương pháp. Đối với việc trình bày thông tin cần ưu tiên lựa chọn các phương pháp sử dụng phương tiện nghe nhìn, sử dụng truyền thông đa phương tiện càng tốt. Đối với các hoạt động chế biến thông tin cần tổ chức các hoạt động tự phát hiện, phối hợp với làm việc theo nhóm, phát huy càng tối đa tính tích cực, sáng tạo của HS. GV nên lựa chọn phương pháp mà HS, GV đã thành thạo bởi thực hiện dễ dàng hơn song cũng cần chú ý thay đổi phương pháp để tránh nhàm chán, tạo hứng thú cho HS. GV lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện vật chất, đặc biệt là thiết bị hỗ trợ trong quá trình tổ chức hoạt động hiện có.
Phương tiện là yếu tố cần thiết để tổ chức hiệu quả hoạt động. Trong tổ chức HĐGD, GV nên lựa chọn những phương tiện phù hợp, tránh lạm dụng những trang thiết bị hiện đại. Lựa chọn thiết bị có tính tương tác cao chứ
không dùng chỉ để minh họa và chứa đựng thông tin; GV phải biết dự kiến hướng khai thác tối đa những phương tiện thông tin.
1.4.1.5. Kỹ năng xác định hình thức tổ chức hoạt động
Kỹ năng xác định hình thức tổ chức hoạt động là khả năng lựa chọn cách thức để thể hiện nội dung của hoạt động sao cho đạt được hiệu quả trong quá trình tổ chức hoạt động gắn với thời gian và địa điểm tổ chức, tính chất tác động của nhà sư phạm và HS...
Mục tiêu giáo dục của hoạt động có đạt được hay không phụ thuộc vào việc xác định một cách hợp lý hình thức hoạt động. Cần căn cứ vào từng chủ đề, các mục tiêu đã xác định, các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng trường, từng lớp và khả năng của HS để lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng.
Để tạo nên sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn HS có thể cùng một hoạt động nhưng nên có nhiều hình thức tổ chức kết hợp với nhau. Các hoạt động được thực hiện đan xen hoặc trong đó có một hình thức làm trung tâm, còn các hình thức khác là hỗ trợ. Có nhiều hình thức tổ chức hoạt động, mỗi hình thức có điểm mạnh và hạn chế riêng. Trong thiết kế hoạt động, nhà giáo dục phải biết cách lựa chọn hình thức tổ chức sao cho phù hợp với nội dung và đặc điểm tâm lý đối tượng. Tránh gây sự nhàm chán ở HS khi thực hiện các hoạt động và chủ đề giáo dục bởi sự trùng lặp của hình thức tổ chức.
1.4.1.6. Kỹ năng xác định thời gian – địa điểm tổ chức hoạt động
Kỹ năng xác định thời gian và địa điểm tổ chức HĐGD là khả năng lựa chọn hợp lý thời gian – địa điểm tổ chức để vừa đảm bảo tính hợp lý vừa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của hoạt động trong mối quan hệ với những điều kiện thực tế về các dạng nguồn lực khác trong tổ chức hoạt động.
Kỹ năng xác định thời gian - địa điểm tổ chức có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả đạt được của hoạt động. Việc xác định thời gian không hợp lý có thể sẽ không thu hút được đông đảo HS và các lực lượng giáo dục tham gia.
Tùy vào việc thiết kế HĐGD để tổ chức cho HS thực hiện theo chủ điểm trong tháng, tuần mang tính định kỳ hay những hoạt động có tính chất thời điểm, đột xuất; căn cứ vào phạm vi tổ chức HĐGD cho HS toàn trường, từng khối lớp hay một lớp HS mà GV cân nhắc để chọn thời gian và địa điểm tổ chức cho hợp lý, tránh tình trạng kéo dài về thời gian làm HS mệt mỏi cũng như lựa chọn không gian tổ chức quá rộng hay quá hẹp so với phạm vi tổ chức đều không phù hợp. Để thực hiện tốt kỹ năng này đòi hỏi GV phải biết kết hợp với các lực lượng giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường, xin ý kiến và lên kế hoạch sao cho có sự phối hợp của các lực lượng giáo dục nhằm đạt được kết quả.
1.4.1.7. Kỹ năng xác định các lực lượng tham gia và phối hợp thực hiện
Việc tổ chức HĐGD có đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc nhiều vào quá trình xã hội hóa các lực lượng giáo dục, huy động các lực lượng giáo dục tham gia và phối hợp tổ chức hiệu quả hoạt động cho HS. Trong thực tế, các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường có vai trò, vị trí, ưu thế khác nhau trong công tác giáo dục HS, vì thế GV phải biết khai thác, phát huy tiềm năng của các lực lượng này, GV cần biết xác định lực lượng nòng cốt. Tuy nhiên, GV không nên phụ thuộc vào họ mà xác định đúng sự phối hợp vai trò các lực lượng ví như Ban Giám hiệu chỉ đạo về công tác quản lý – tổ chức, cấp kinh phí, Công đoàn hỗ trợ nhân sự điều hành, kinh phí… Chi đoàn GV hỗ trợ nhân sự trực tiếp tham gia ban tổ chức, hỗ trợ mọi mặt hoạt động; GV bộ môn hỗ trợ về mặt chuyên môn và các việc công theo đúng khả năng có thể được; Hội cha mẹ học sinh hỗ trợ kinh phí, tham gia quản lý HS, người cố vấn cho hoạt động của HS… Hội Cựu chiến binh trong vai trò đội viên danh dự phối hợp hoạt động giáo dục đạo đức và tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống cho HS; Hội chữ thập đỏ ở địa phương giúp đỡ về thiết bị y tế, bổ sung những chuyên viên y tế trong những hoạt động mang tính chất quy mô lớn…
1.4.1.8. Kỹ năng phối hợp các lực lượng giáo dục tham gia thiết kế hoạt động Trong việc tổ chức các HĐGD đạt hiệu quả, lực lượng giáo dục ngoài nhà trường có vai trò quan trọng, bao gồm lực lượng như: Các nhà hoạt động xã hội, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế... Nếu GV biết huy động tiềm năng của họ thì sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp trong thiết kế hoạt động, tạo thuận lợi cho việc tổ chức các HĐGD. Nếu biết tiếp cận và huy động các lực lượng giáo dục thì GV sẽ có được hậu thuẫn mạnh mẽ song sự kết hợp phải khoa học. GV với tư cách là người tham mưu, người cố vấn tổ chức để các lực lượng giáo dục cùng tham gia vào quá trình giáo dục HS. Đòi hỏi GV phải có tầm nhìn bao quát để thu hút đông đảo lực lượng giáo dục tham gia tổ chức các HĐGD từ khâu thiết kế hoạt động đến triển khai và đánh giá kết quả. Muốn đạt được điều đó, đòi hỏi GV phải có nghệ thuật giao tiếp mềm dẻo và linh hoạt, nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời các nguồn thông tin, đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng, khả năng của họ. Vì vậy, GV phải có tầm nhìn, phải có kế