Phương pháp tổ chức HĐGD

Một phần của tài liệu Phát triển kỹ năng thiết kế hoạt động giáo dục cho giáo viên trung học phổ thông tỉnh Bắc Kạn (Trang 28 - 34)

Trong thực tiễn tổ chức các HĐGD, nhà sư phạm có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp, dưới đây là một số phương pháp cơ bản:

1.3.4.1. Phương pháp thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm là phương pháp tổ chức hoạt động mà trong đó dưới vai trò của nhà sư phạm, các thành viên thuộc từng nhóm thảo luận được tạo môi trường đảm bảo để tranh luận, trao đổi để đi đến sự hiểu biết chung về vấn đề cùng quan tâm. Thảo luận trong HĐGD để HS trao đổi ý kiến với nhau về một chủ đề giáo dục, một tình huống giáo dục hay một nhiệm vụ được giao. Tùy từng hoạt động, có thể thành lập nhóm sao cho phù hợp.

Thảo luận nhóm được sử dụng khi cần khuyến khích sự tham gia suy nghĩ và phát biểu tích cực của HS. Sử dụng phương pháp này từng HS có cơ hội tham gia, phát huy tính tích cực cá nhân trong mối quan hệ với các thành viên của nhóm, tự tin và tự nhiên hơn trong giao tiếp và hoạt động tập thể. Thảo luận nhóm được sử dụng khi vấn đề đưa ra cần được bàn luận sâu sắc, kỹ lưỡng, sử dụng nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá, kết luận về một vấn đề, hay sáng tạo ý tưởng mới. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả giáo dục của phương pháp này thì quá trình điều hành hoạt động nhóm cần đảm bảo sao cho mỗi HS đều được tham gia bàn luận, phát biểu, lắng nghe và tôn trọng; những băn khoăn về ý nghĩa, vấn đề đặt ra được giải đáp kịp thời; thời gian thảo luận được điều chỉnh phù hợp; mỗi HS đều tích cực làm việc. Trong quá trình điều khiển nhóm làm việc, người điều khiển cần quan sát thường xuyên diễn biến làm việc của các nhóm để có những tác động hợp lý.

1.3.4.2. Phương pháp đóng vai

Phương pháp đóng vai được sử dụng nhiều để đạt được mục tiêu thay đổi thái độ của HS đối với đối tượng hay vấn đề có ý nghĩa giáo dục nào đó. Phương pháp đóng vai cũng có tác dụng trong việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử của HS. Đóng vai là phương pháp giúp HS thực hành những cách ứng xử, bày tỏ thái độ trong những tình huống giả định hoặc trên cơ sở óc tưởng tượng và sự sáng tạo của HS. Đóng vai thường không có kịch bản cho trước, HS tự xây dựng trong quá trình hoạt động.

Khi sử dụng phương pháp này cần chú ý: Ấn định thời gian (chuẩn bị, sắm vai, trao đổi sau khi đóng vai...); Lựa chọn tình huống đóng vai (phù hợp với chủ đề hoạt động; phải là tình huống mở; phù hợp với trình độ HS); Hướng dẫn thảo luận sau khi đóng vai, phỏng vấn người đóng vai (tìm hiểu cảm xúc, động cơ...) để làm nổi bật được giá trị giáo dục cần đạt qua sự nhập và thể hiện vai mang tính giả định. Phương pháp đóng vai thường được sử dụng kết hợp với phương pháp giải quyết vấn đề (hay xử lý tình huống). 1.3.4.3. Phương pháp giải quyết vấn đề

Phương pháp giải quyết vấn đề là con đường quan trọng để phát huy tính tích cực của HS. Vấn đề là những câu hỏi hay nhiệm vụ đặt ra mà việc giải quyết chúng chưa có quy luật sẵn cũng như những tri thức, kỹ năng sẵn có chưa đủ giải quyết mà còn khó khăn, cản trở cần vượt qua. Giải quyết vấn đề thường được vận dụng khi HS phải phân tích, xem xét và đề xuất những giải pháp trước một hiện tượng, sự việc mang ý nghĩa giáo dục nảy sinh trong quá trình hoạt động.

Cấu trúc quá trình giải quyết vấn đề gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Nhận biết vấn đề: là sự phân tích tình huống đặt ra nhằm nhận biết được vấn đề cần giải quyết. Trong HĐGD thì đó là sự việc nảy sinh ra tình huống có vấn đề, đòi hỏi HS phải giải quyết vấn đề đó để đạt được yêu cầu, mục đích giáo dục đặt ra. Do đó vấn đề ở đây cần được trình bày rõ ràng.

Bước 2: Tìm các phương án giải quyết

Nhiệm vụ của bước này là tìm các phương án giải quyết khác nhau để giải quyết vấn đề. Để tìm phương án giải quyết vấn đề, cần so sánh, liên hệ với những cách giải quyết các vấn đề tương tự, những kinh nghiệm đã có cũng như tìm các phương án giải quyết mới. Các phương án giải quyết đã tìm ra cần được sắp xếp, hệ thống hóa để xử lý ở giai đoạn tiếp theo. Khi có khó khăn hoặc không tìm được phương án để giải quyết thì cần trở lại việc nhận biết vấn đề để kiểm tra lại việc nhận biết và hiểu vấn đề.

Bước 3: Quyết định phương án giải quyết vấn đề

Trong bước này cần quyết định phương án tối ưu nhất để vận dụng để giải quyết vấn đề trên cơ sở phân tích, so sánh và đánh giá các phương án đã tư duy. Khi đã quyết định được phương án thích hợp, giải quyết được vấn đề tức là đã kết thúc việc giải quyết vấn đề. Giải quyết được vấn đề giúp HS có cách nhìn toàn diện hơn trước các hiện tượng, sự việc nảy sinh trong hoạt động, trong cuộc sống. Tuy nhiên, để phương pháp này mang lại hiệu quả giáo dục thì vấn đề đưa ra phải sát với mục tiêu của hoạt động, có tác dụng kích thích HS tích cực tìm tòi cách giải quyết. Đối với tập thể lớp, khi giải quyết vấn đề phải coi trọng nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng, tránh gây ra căng thẳng không có lợi cho việc giáo dục HS.

1.3.4.4. Phương pháp tình huống

Tình huống là một hoàn cảnh thực tế, gắn với câu chuyện có cốt truyện, nhân vật, có chứa đựng mâu thuẫn, có tính phức hợp. Giải quyết các tình huống thực tiễn, không phải bao giờ có giải pháp duy nhất đúng. Tình huống trong giáo dục là những tình huống thực hoặc mô phỏng theo tình huống thực, được cấu trúc hóa nhằm mục đích giáo dục. Phương pháp xử lý tình huống là phương pháp điển hình của phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp sắm vai và ngay cả phương pháp trò chơi. Ở phương pháp này, HS được đặt vào các tình huống có vấn đề gắn với thực tiễn, đòi hỏi HS phải có những hành động cụ thể đưa ra phương án giải quyết. Do vậy trong tổ chức các HĐGD, có thể tạo các tình huống giả định hoặc thực tế cần được xử lý kịp thời nhằm giúp HS có cơ hội rèn luyện các kỹ năng tìm phương án giải quyết các tình huống. 1.3.4.5. Phương pháp giao nhiệm vụ

Giao nhiệm vụ là phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục trong đó, HS được đặt vào những vị trí nhất định phải thực hiện trách nhiệm cá nhân. Giao nhiệm vụ tạo cơ hội để HS thể hiện khả năng của mình, là dịp HS được

rèn luyện nhằm tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Trong tổ chức các HĐGD, giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ lớp hay cá nhân sẽ tạo nên thế chủ động, giúp phát triển tính tích cực, sáng tạo, khả năng đáp ứng của HS trong mọi tình huống. Cán bộ lớp sẽ chủ động hơn trong việc phân công nhiệm vụ cho từng tổ, nhóm, cá nhân với phương châm “lôi cuốn tất cả các thành viên trong lớp” vào tổ chức thực hiện hoạt động. Muốn giao nhiệm vụ có có kết quả, GV cần hình dung được những việc phải làm, gợi ý cho HS và yêu cầu HS phải hoàn thành tốt. Khi giao nhiệm vụ, cần đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, khả năng của HS, không yêu cầu quá mức gây lo lắng, hoang mang trong HS. 1.3.4.6. Phương pháp trò chơi

Sử dụng trò chơi giáo dục với tính chất là phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho HS. Phương pháp trò chơi có thể sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau của HĐGD như: Đánh giá kết quả, rèn luyện các kỹ năng, củng cố những tri thức... Thông qua trò chơi phát huy tính sáng tạo; hấp dẫn, gây hứng thú cho HS; tạo bầu không khí thân thiện; tạo cho HS tác phong nhanh nhẹn... Vì vậy, tổ chức cho HS vui chơi là một loại hình HĐGD phổ biến, đồng thời thực hiện được chức năng giáo dục; chức năng giao tiếp; chức năng văn hóa; chức năng giải trí. Để sử dụng hiệu quả phương pháp này, nhà sư phạm cần lựa chọn các trò chơi phù hợp với lứa tuổi HS và mục tiêu, yêu cầu giáo dục; cần chú ý tới yếu tố thời gian, điều kiện cơ sở vật chất, hoàn cảnh cụ thể; người chủ trò phải có khả năng lôi cuốn được những người khác; trò chơi phải đa dạng, phong phú, dễ chơi, hấp dẫn, mang tính giáo dục; phát huy ảnh hưởng của những trò chơi tập thể.

1.3.4.7. Phương pháp tổ chức hoạt động giao lưu

Giao lưu là một phương pháp tổ chức giáo dục nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để HS được tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi thông tin với những

nhân vật điển hình trong các lĩnh vực của hoạt động nào đó. Qua đó, giúp các em có được những nhận thức, tình cảm và thái độ phù hợp, có được những lời khuyên đúng đắn để vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.

Hoạt động giao lưu có một số đặc trưng sau: Phải có chủ thể giao lưu, chủ thể giao lưu là người điển hình, có những thành tích xuất sắc, thực sự là tấm gương sáng để HS noi theo; hoạt động diễn ra thu hút sự quan tâm tự nguyện của HS; có sự trao đổi thông tin, tình cảm trung thực, chân thành và sôi nổi. Những vấn đề trao đổi phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu của HS. Để hoạt động giao lưu có kết quả tốt, cần phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Lựa chọn chủ đề, nội dung đối tượng giao lưu và xá định kế hoạch, thời gian tổ chức giao lưu; căn cứ vào hoạt động chủ điểm từng tháng để xá định chủ đề cho hoạt động giao lưu; xác định những nội dung cơ bản cho hoạt động giao lưu; xác định đối tượng giao lưu cho phù hợp với những nội dung đã định; xác định kế hoạch, thời gian tổ chức giao lưu.

Bước 2: Chuẩn bị giao lưu: GV; liên hệ mời người tham gia giao lưu; trao đổi mục đích, nội dung với đối tượng giao lưu để người được mời chuẩn bị; xây dựng nội dung, gợi ý về cách thức giao lưu để HS chuẩn bị; trao đổi bàn bạc với cán bộ lớp để xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức giao lưu. HS; cán bộ lớp và chi đội trao đổi để xây dựng chương trình, kế hoạch, thông báo chương trình, cho toàn thể HS trong lớp; phân công chuẩn bị cho các tổ, nhóm và cá nhân về nội dung giao lưu, về cơ sở vật chất, tặng phẩm, hoa, ... cử ngươi dẫn chương trình; chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ xen kẽ; nhắc nhở, kiểm tra lại các công việc đã chuẩn bị.

Bước 3: Tiến hành giao lưu: Người dẫn chương trình tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, khách mời; mời lần lượt các khách mời giao lưu, người dẫn chương trình khéo đặt câu hỏi, xử lý kịp thời các tình huống; kết hợp xen kẽ các tiết mục văn nghệ, đề tạo không khí sôi nổi, thể kết hợp tăng hoa, tặng

quà lưu niệm; phát biểu cảm tưởng, tùy từng hoàn cảnh mà các nội dung trong buổi giao lưu có thể giảm cho phù hợp.

Bước 4: Kết thúc hoạt động giao lưu; người dẫn chương trình nói lời cảm ơn; mời GV chủ nhiệm lên phát biểu ý kiến, đánh giá nhận xét về kết quả buổi giao lưu; phổ biến những nội dung, kế hoạch những hoạt động tiếp theo để định hướng cho HS chuẩn bị.

1.3.4.8. Phương pháp diễn đàn

Diễn đàn là một phương pháp tổ chức HĐGD mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực. Thông qua diễn đàn, HS có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, quan niệm của mình về một vấn đề nào đó có liên quan đến nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng của các em, đồng thời đây cũng là dịp để HS học lắng nghe ý kiến, học tập lẫn nhau.Phương pháp diễn đàn được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị: GV định hướng chủ đề và gợi ý cho HS; HS phân công nhau thực hiện nội dung diễn đàn. Trong quá trình HS chuẩn bị, GV cần quan tâm, giúp đỡ nhằm điều chỉnh nội dung cho diễn đàn thuận tiện hơn.

Bước 2: Tổ chức diễn đàn: Diễn đàn là sân chơi của HS nên cần linh hoạt trong khâu tổ chức. Cần khuyến khích, động viên toàn thể HS mạnh dạn tham gia ý kiến trong diễn đàn.

Bước 3: Đánh giá kết quả: Có thể đánh giá kết quả diễn đàn qua lời phát biểu của đại diện HS hoặc những nhận xét của người chủ trì diễn đàn.

Một phần của tài liệu Phát triển kỹ năng thiết kế hoạt động giáo dục cho giáo viên trung học phổ thông tỉnh Bắc Kạn (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)