Nhóm các chính sách khác

Một phần của tài liệu Tác động của thu hút FDI tới chuyển dịch cơ cấu Ngành kinh tế ở Việt Nam (Trang 53)

46

Có rất nhiều nhóm chính sách, ở đây xin đề cập đến quá trình điều chỉnh ba chính sách là (a) đảm bảo cơ sở hạ tầng; (b) chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ; (c) quy hoạch phát triển ngành, vùng đầu tư

a. Đảm bảo cơ sở hạ tầng

Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, bến cảng, hệ thống cung ứng điện nước, hệ thống tài chính ngân hàng, bưu điện, viễn thông. Các hệ thống cơ sở hạ tầng đã dần được HĐH và đi trước một bước để thu hút FDI. Từ năm 1992, Chính phủ đã chính thức đưa ra các quy định về hình thức đầu tư BOT nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà ĐTNN vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Những ưu đãi về hình thức BOT trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được chính thức cụ thể hóa bằng luật vào năm 1996. Ví dụ, không thu tiền thuê đất đối với các dự án BOT. Trong thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng mềm cũng được chú trọng phát triển. Cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế được tăng cường.

Năm 2002, Pháp lệnh bưu chính – viễn thông lần đầu tiên được chính thức ban hành. Nhằm xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, Bộ Bưu chính Viễn thông đã cấp phép cho 6 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, 20 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp các loại hình viễn thông, Internet cùng hàng trăm doanh nghiệp công nghệ thông tin khác. Nhờ vậy, hệ thống bưu chính viễn thông Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây và chi phí đã giảm đáng kể và đang dần ngang bằng với chi phí nhiều nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thông qua nhiều lần sửa đổi luật đã mở rộng các hình thức tổ chức ngân hàng. Việt Nam đã ban hành Luật kế toán năm 2003, Luật kiểm toán nhà nước 2005, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 với những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch của các nhà ĐTNN. Và Luật chứng khoán ra đời và có hiệu lực ngày 1/1/2007, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển nhanh, minh bạch hóa thị trường.

47

Đây là những biện pháp điều chỉnh mang tính chất quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường Việt Nam, tạo dựng niềm tin và điều kiện thuận lợi về hệ thống cơ sở hạ tầng mềm cho các nhà ĐTNN.

b. Chuyển giao công nghệ/ sở hữu trí tuệ

Ngay sau khi Luật ĐTNN 1987 có hiệu lực, Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam cũng ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ĐTNN. Mặc dù vậy, những quy định này mang tính chất sơ khai và tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, trong thời kỳ đầu Việt Nam chưa có quy định cụ thể về các loại hình công nghệ cần khuyến khích khi thu hút đầu tư cũng như các công nghệ lạc hậu cần hạn chế. Vì vậy, tác động của việc hoạch định chính sách chưa đầy đủ, thiếu tính khoa học đã khiến Việt Nam phải tiếp nhận những công nghệ vô cùng lạc hậu.

Trước những bất cập trên, chính sách chuyển giao công nghệ ở Việt Nam đã có nhiều sửa đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn. Đặc biệt, Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 lần đầu tiên luật hóa hợp đồng chuyển giao công nghệ nhằm quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ, các biện pháp giải quyết tranh chấp. Đồng thời, Luật cũng đưa ra những chính sách ưu đãi về thuế đối với các tổ chức góp vốn bằng bằng phát minh sáng chế, công nghệ…Cùng với việc ban hành Luật chuyển giao công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ cũng chính thức có hiệu lực năm 2006, quy định chi tiết về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với các giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Luật sở hữu trí tuệ đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong hoạt động sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

c. Quy hoạch phát triển ngành, vùng đầu tư

Việc xác định các vùng kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế đã giúp chúng ta có được định hướng trong đầu tư. Mặt khác, đó cũng là cơ sở pháp lý để có thể tập trung nguồn lực (trong đó có FDI để tạo ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế vùng phát triển theo yêu cầu của nền kinh tế.)

Từ năm 1991 cho đến nay, Việc phân bổ vùng, lĩnh vực đầu tư nhiều lần điều chỉnh nhằm mở rộng những ưu đãi và thuận lợi đối với nhà đầu tư, gia tăng hiệu ứng

48

lan tỏa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục dần hạn chế, yếu kém tình hình phân bổ không đồng đều vốn FDI phân theo vùng địa lý và ngành kinh tế. Một vấn đề ở đây là sức tác động từ điều chỉnh quy hoạch vùng đầu tư liên quan rất nhiều đến năng lực của các nhà hoạch định, chính quyền địa phương là người trực tiếp tiếp xúc giải quyết nhiều vấn đề. Nhưng năng lực và hành vi của đội ngũ công chức lại là vấn đề hạn chế khiến công tác quy hoạch ngành, vùng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tóm lại, trong 25 năm qua, chính sách FDI của Việt Nam đã được điều chỉnh nhiều lần và được thể chế hóa bằng Luật, Nghị định và các văn bản dưới Luật khác. Với mục tiêu làm cho môi trường pháp lý được minh bạch, thông thoáng hơn, nhằm tăng cường thu hút FDI và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động điều chỉnh chính sách FDI qua các giai đoạn có đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra hay không, đặc biệt tiến trình hội nhập toàn diện trong thời gian tới cần tiếp tục có sự điều chỉnh chính sách FDI như thế nào – điều đó cần có sự kiểm định hiệu quả thực thi và điều chỉnh chính sách.

Một phần của tài liệu Tác động của thu hút FDI tới chuyển dịch cơ cấu Ngành kinh tế ở Việt Nam (Trang 53)