Các biện pháp quản lý cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 110)

Thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, đổi mới và thực hiện đường lối đào tạo và sử dụng cán bộ của Đảng cũng là thiết thực góp phần phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ, tốt kém”. Cán bộ tham nhũng là cán bộ vi phạm chuẩn mực đạo đức cách mạng, là cán bộ kém. Do vậy, làm công tác cán bộ phải hiểu rõ cán bộ, từ đó mà bố trí sử dụng cho phù hợp vào từng cương vị chức trách. Nếu không căn cứ vào tài - đức, vào sở trường của từng cán bộ mà chỉ vì tình cảm cá nhân; nếu không vì công việc, vì tập thể mà chỉ vì quen thân, “cánh hẩu” với nhau mà bố trí cân nhắc thì chẳng những không phát huy đươc công tác của người cán bộ mà nhiều khi lại tạo thành những “vây cánh”, “ê kíp” tiêu cực, không làm lợi cho xã hội, tập thể, tìm mọi cách bòn rút của công, lợi dụng chia chác các lợi ích bất minh từ nguồn tài sản xã hội chủ nghĩa. Do vậy, việc bố trí cân nhắc người quản lý lãnh đạo quyết không được tùy tiện, bởi nó chẳng những liên quan đến số phận của chính người đó mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế hiện nay đã xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ như chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền, chạy

tiền... đã làm tha hóa một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý và tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

Công tác cán bộ phải công tâm, chính tâm chọn mặt gửi vàng, nhận diện những người giả danh tập thể để bảo vệ lợi ích cá nhân mình, những người nhân danh xã hội để vì lợi ích của đồng bọn, của nhóm người tham nhũng lộng hành. Cần phải sáng suốt cân nhắc những người xứng đáng vào các cương vị quản lý phù hợp vào năng lực sở trường chuyên môn của họ, những người không những không có biểu hiện tham nhũng mà còn dũng cảm tích cực đấu tranh chống tham nhũng.

Trong những năm qua đội ngũ cán bộ đã có những bước trưởng thành, có nhiều ưu điểm và tích cực, song cũng bộc lộ những yếu kém và hạn chế. Một số cán bộ dao động, giảm lòng tin, nhận thức mơ hồ và bán nghi về đường lối của Đảng. Một số bộ phận thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công, quan liêu, gia trưởng, kèm cựa, cơ hội, bè phái... mà nguyên nhân quan trong là những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác đề bạt, đào tạo, giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên. Do đó để nâng cao hiệu quả biện pháp quản lý cán bộ, công chức thì phải rà soát lại đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý kinh tế, quản lý các doanh nghiệp để kịp thời thay thế những cán bộ kém về năng lực, yếu về phẩm chất. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức nhà nước có đủ bản lĩnh chính trị, cách mạng, năng lực, trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện, tiêu chuẩn hóa cán bộ công chức, tăng cường duy trì kỷ luật đối với cán bộ, công chức, công khai hóa những việc cán bộ, công chức được làm, cấm không được làm, bổ nhiệm công chức theo thời hạn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức; luân phiên đội ngũ cán bộ, công chức sao cho không một cá nhân nào lưu lại quá lâu tại một vị trí công tác duy nhất; trong công tác lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn về chức

danh nhà nước đã quy định, chống tư tưởng cục bộ, bản vị, cảm tính, nể nang hay thiên kiến, mặc cảm trong việc đề bạt, bổ nhiệm. Chấm dứt tình trạng bổ nhiệm, đề bạt chỉ dựa vào căn cứ lý lịch, xem nhẹ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, lựa chọn, đề bạt, bố trí phải theo đúng quy trình, chặt chẽ.

Phải xây dựng rõ chế độ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi cán bộ trong tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế để mọi người thực hiện đúng, tránh lạm quyền để thực hiện hành vi tham nhũng. Quy định rõ trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, liên đới trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống và xử lý tham nhũng nhất là khi để cho tham nhũng xảy ra trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình phụ trách. Làm rõ chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phân định rõ ranh giới trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đường lối, chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Bởi hiện nay trong tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải toàn diện hơn, phải đào tạo, đào tạo lại cán bộ để giúp họ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng với tiêu chuẩn cán bộ, công chức, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của cơ chế thị trường phải đối mặt với những vấn đề phức tạp của cơ chế thị trường không bị lúng túng, bất cập, sai lầm, vi phạm pháp luật và dẫn đến tội phạm. Để công tác đào tạo, đào tạo lại có kết quả thì chia cán bộ, công chức theo nhóm để đào tạo chuyên sâu, thích ứng đối với từng đối tượng quản lý. Có thể phân cán bộ trong lĩnh vực quản lý thành 3 nhóm: nhóm cán bộ quản lý vĩ mô (cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp) phải được bồi dưỡng kiến thức có hệ thống về quản lý kinh tế, có khả năng tổng hợp, có kinh nghiệm thực tiễn về khoa học pháp lý; nhóm cán bộ quản lý vi mô (hội đồng quản trị, giám đốc, lãnh đạo, thủ trưởng); nhóm cán bộ quản lý nghiệp vụ (cán bộ pháp lý, kế toán, kế hoạch...) cần hiểu sâu sắc về nghiệp vụ chuyên môn quản lý sản xuất kinh doanh, nắm vững chính sách, pháp luật.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)