Các biện pháp cải cách hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 108)

Tích cực cải cách hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội dân chủ, “minh bạch” mà vấn đề quan trọng trước hết là vấn đề cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Cần đẩy mạnh việc công khai hóa các hoạt động của Chính phủ, công khai hoạt động về ngân hàng, tài chính, công khai hóa các khoản ngân sách và việc mua sắm tài sản công, công khai trong các hoạt động dịch vụ và các hoạt động khác [51, tr.6].

Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước (trách nhiệm giải trình) và công khai, minh bạch trong việc soạn thảo, ban hành các quyết định. Để thực hiện nguyên tắc này, nhiều nước như Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức, Đan Mạch, Thụy Sỹ... quy định phải công khai những vấn đề sau: công khai thủ tục hành chính; công khai các trường hợp mua sắm tài sản công (kể cả các cuộc đấu thầu, tuyển dụng công chức, thuê mướn lao động...); công khai ngân sách và thu chi tài chính ở tất cả các cơ quan nhà nước; công khai các trường hợp khiếu nại, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo ấy [62, tr.213].

Các bộ phận khác của cải cách hành chính bao gồm việc tăng cường: công tác quản lý chi tiêu ngân sách, đặc biệt là việc ưu tiên phân bổ ngân sách giữa và trong nội bộ các ngành; công tác quản lý thu ngân sách, đặc biệt là cưỡng chế thu ngân sách; công tác quản lý nhân lực; phân cấp quản lý, kể cả việc xây dựng một hệ thống chuyển giao tài chính liên chính quyền rõ ràng [20, tr.75]

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức IX đã chỉ rõ một trong những giải pháp chống tham nhũng đó là tiếp tục xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, nhất là ở những lĩnh vực, những khâu dễ xảy ra tham nhũng, sách nhiễu. Biện pháp hữu hiệu là đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính nhà nước, phải hoàn chỉnh cơ cấu, quy chế hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Bộ, ban, ngành, làm cho bộ máy tinh gọn, chức trách công chức, công vụ rõ ràng, có sự phân công hợp lý, tránh tình trạng chồng chéo. Mở rộng thẩm quyền, trách nhiệm cho cấp dưới và cơ sở, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương để đủ sức quản lý, giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền những vấn đề mà cuộc sống đặt ra và nhân dân đòi hỏi, phân cấp đi đôi với các biện pháp quản lý.

Cải cách thủ tục hành chính để cho thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, thuận lợi, dễ thực hiện mà bước đột phá là việc áp dụng cơ chế “một

cửa” nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà. Cải tiến những phương pháp và thủ tục làm cho cồng kềnh để tránh chậm chễ trong việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề và các văn bản khác [19, tr.83]. Cần công khai hóa thủ tục hành chính để mọi người biết và thực hiện, giám sát người thực hiện công vụ, nhất là những lĩnh vực có quan hệ trực tiếp với dân, tránh các quy định tạo ra đặc quyền, đặc lợi.

Thực hiện tốt cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 108)