Các dấu hiệu pháp lý về các tội phạm về tham nhũng.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 31)

1. Khách thể của các tội phạm về tham nhũng

Các tội phạm về tham nhũng được xếp vào chương các tội phạm về chức vụ nên cũng như các tội phạm về chức vụ, khách thể loại của các tội phạm về tham nhũng là những quan hệ xã hội được được luật hình sự bảo vệ, tạo nên hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và uy tín của các cơ quan, tổ chức đó. Hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cán bộ, nhân viên là hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật phù hợp với lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân.

Như chúng ta đã biết, cơ quan nhà nước được thành lập theo pháp luật quy định. Mỗi cơ quan nhà nước đều đảm nhận một chức năng, nhiệm vụ nhất định và được pháp luật quy định trong lĩnh vực hoạt động cụ thể với những quyền hạn và trách nhiệm nhất định, không một cơ quan nào được hoạt động ngoài khuôn khổ mà pháp luật đã quy định. Hoạt động đúng đắn của mỗi cơ quan nhà nước nói riêng và tất cả các cơ quan nhà nước nói chung tạo nên sự hoạt động thống nhất của bộ máy nhà nước. Chính vì thế, chỉ cần một cơ quan hoạt động không đúng theo quy định có thể tạo nên sự trục trặc của cả bộ máy, làm cho hoạt động của Nhà nước bị sai lệch hoặc ngừng trệ. Cho nên, hoạt động đúng đắn của mỗi cơ quan nhà nước cũng như của tất cả các cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng. Do vậy hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước được luật hình sự bảo vệ.

Trong hệ thống chính trị, tổ chức xã hội nói chung trong đó có tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác không nằm trong bộ máy nhà nước nhưng được Nhà nước thừa nhận, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mỗi tổ chức xã hội được thành lập cũng thực hiện một nhiệm vụ nhất định nhưng nhiệm vụ chủ yếu của các

tổ chức xã hội nói chung là tổ chức, động viên, tập hợp các thành viên của tổ chức mình thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước đặt ra. Thông qua các tổ chức này, trong một chừng mực nào đó bộ máy nhà nước được liên hệ chặt chẽ, gần với nhân dân. Hoạt động đúng đắn của các tổ chức này cũng mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Nếu người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm phạm vào hoạt động đúng đắn này thì không những ảnh hưởng đến lợi ích tổ chức đó mà suy cho cùng còn ảnh hưởng đến thực hiện chức năng của bộ máy nhà nước. Vì vậy, hoạt động đúng đắn của các tổ chức xã hội nói chung cũng là đối tượng mà luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ.

Bảo vệ sự hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội không chỉ là nhiệm vụ của luật hình sự mà cả những ngành luật khác trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Thế nhưng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội là khái niệm rất chung để chỉ mỗi cơ quan, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình mà pháp luật đã quy định. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội được pháp luật quy định mà hoạt động đúng đắn được thể hiện ở một lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, trong các cơ quan tư pháp thì hoạt động đúng đắn đó được thể hiện qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo đúng pháp luật; trong các cơ quan có trách nhiệm quản lý kinh tế thì hoạt động đúng đắn là thực hiện đúng các quy định của việc quản lý kinh tế v.v... Khi nói đến xự xâm phạm vào hoạt động đúng đắn là nói đến sự xâm phạm vào một cơ quan, tổ chức cụ thể có tên, có trụ sở được tổ chức hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ một cách hợp pháp, chứ không phải cơ quan, tổ chức với ý nghĩa là một cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội một cách chung chung. Ví dụ: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Uỷ ban nhân dân quận X, Tổng công ty xuất nhập khẩu Y, Tổng cục H v.v...

Như vậy khách thể loại của các tội phạm về tham nhũng là tổng thể những quan hệ xã hội tạo thành nội dung hoạt động đúng đắn của các cơ quan

nhà nước, tổ chức xã hội cũng như uy tín của các cơ quan, tổ chức đó và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Mặt khách quan của các tội phạm về tham nhũng

Hành vi phạm tội trong mặt khách quan của tội phạm về tham nhũng có thể là hành động hoặc không hành động nhưng bắt buộc phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để phạm tội trong phạm vi, thẩm quyền công tác tức là trực tiếp hành động nhưng cũng có khi họ lợi dụng địa vị công tác hay uy tín do địa vị công tác mà có để phạm tội mà không trực tiếp thực hiện những hành vi thuộc thẩm quyền công tác của mình. Và có thể người có chức vụ, quyền hạn phạm tội dưới hình thức không hành động, tức là không thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được giao nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hành động hoặc không hành động là hành vi trái với quy định về hoạt động công tác của người phạm tội, không đúng với nhiệm vụ được giao hoặc trái với thẩm quyền được pháp luật quy định.

Dấu hiệu đặc trưng khác đối với hành vi phạm tội về tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái với công vụ của họ, tức là hành động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Hành vi được coi là trái công vụ trong những trường hợp khi hành vi đó về mặt khách quan mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu chung đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Và cũng coi là trái công vụ khi hành vi đó vi phạm nguyên tắc và hình thức hoạt động của bộ máy nhà nước.

Hậu quả phạm tội đối với các tội phạm về tham nhũng là sự biến đổi nhất định trong thực tế khách quan thể hiện dưới dạng thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất đã xảy ra do hành vi phạm tội gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên) ở các mức độ khác nhau. Cũng như các tội phạm khác, các tội phạm

về tham nhũng bắt buộc phải có hậu quả xảy ra chỉ ở các tội có cấu thành vật chất. Việc nhận thức rõ hậu quả của các tội phạm về tham nhũng có ý nghĩa về mặt pháp lý. Chính vì vậy, ngoài hành vi phạm tội ra, việc xác định rõ hậu quả phạm tội là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng được đúng đắn và chính xác.

3. Mặt chủ quan của các tội phạm về tham nhũng

Đối với các tội phạm về tham nhũng thì đều được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý mà phần lớn là cố ý trực tiếp. Dấu hiệu động cơ vụ lợi được coi là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt chủ quan của các tội phạm về tham nhũng. Động cơ vụ lợi của hành vi tham nhũng là mong muốn chiếm đoạt tài sản (của xã hội, của tập thể) làm cái lợi riêng của mình, thỏa mãn lòng tham cá nhân. Ngoài động cơ vụ lợi, một số tội phạm về tham nhũng còn có động cơ cá nhân khác. Động cơ cá nhân khác được hiểu là nhận hoặc ham muốn nhận những lợi ích phi vật chất. Ví dụ: tạo điều kiện thuận lợi cho người thân như nhận vào biên chế nhà nước, cho đi học nước ngoài, cho nên chức, giao cho chức vụ trọng trách quan trọng...

Động cơ của hành vi tham nhũng được che dấu và ngụy trang rất khéo léo nhưng người ta vẫn có thể nhận ra được, bởi lẽ trên thực tế nó được thể hiện ở những chủ thể mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, chạy theo chủ nghĩa thực dụng, xa rời những giá trị cao cả của chủ nghĩa tập thể. Hồ Chí Minh đã vạch ra đó là những người chỉ biết “lợi mình hại người, tự do vô tổ chức và kỷ luật” [60, tr.64], “chỉ biết đặt lợi ích chung của mình lên trên lợi ích chung của dân tộc” [60, tr.417], “đòi quyền lợi cá nhân mình mà không nói gì đế nghĩa vụ của mình... chỉ đòi nhân dân phục vụ mình mà không nói mình phải phục vụ nhân dân như thế nào” [60, tr.432]. Đây là những chỉ dẫn giúp chúng ta nhận diện động cơ của hành vi tham nhũng mặc dù được khoác áo “chủ nghĩa cá nhân hiện đại” như thế nào.

Chủ thể của các tội phạm về tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 277 Bộ luật hình sự năm 1999, là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ. Tại Điều 1 Nghị định của Chính phủ Số 64/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 Pháp lệnh chống tham nhũng bao gồm:

1. Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức;

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân;

3. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước gồm: thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát, trưởng, phó các phòng ban nghiệp vụ;

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn gồm: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân; các ủy viên ủy ban và các chức danh chuyên môn;

5. Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ gồm: những người làm hợp đồng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc những người được những cơ quan, tổ chức đó ủy quyền thực hiện một nhiệm vụ, công vụ.”

Để cụ thể hóa khái niệm cán bộ, công chức thì tại Điều 1 Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Số 01/1998/PL-UBTVQH10 ngày 26/2/1998 về cán bộ, công chức quy định:

“Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm:

1. Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

2. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

3. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp trong các cơ quan nhà nước; mỗi ngạch thể hiện chức và cấp về chuyên môn nghiệp vụ, có chức danh tiêu chuẩn riêng;

4. Thẩm phán Toà án nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân; 5. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.”

Người có chức vụ, quyền hạn chỉ có thể trở thành chủ thể của tội phạm về tham nhũng khi hành vi của họ được thực hiện trong khi thi hành công vụ, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội ngoài phạm vi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp phạm tội tham nhũng. Tuy nhiên, điều khẳng định này không bao gồm các trường hợp phạm tội có đồng phạm, trong đó có người phạm tội ngoài phạm vi thi hành công vụ nhưng bắt buộc phải có đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ.

Người không có chức vụ, quyền hạn có thể trở thành chủ thể của các tội phạm về tham nhũng khi họ thực hiện tội phạm với vai trò là người tổ chức, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

người xúi giục hoặc người giúp sức cho người thực hành là người có chức vụ, quyền hạn.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 31)