các tội phạm về tham nhũng
Mặc dù công tác phòng ngừa tội phạm về tham nhũng trong nhưng năm qua đã đạt được những thành tích đáng kể, bước đầu hạn chế được sự gia tăng của loại tội phạm này, phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các vụ án tham nhũng lớn ở các cấp, các ngành nhất là các ngành kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, hoạt động phòng ngừa tội phạm về tham nhũng vần còn bộc lộ những mặt tồn tại, thiếu sót nhất định. Có thể khái quát những mặt tồn tại, thiếu sót chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, để biện pháp phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng có hiệu quả thì phải nắm được số liệu về tình hình tội phạm, nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm... Trong số liệu tình hình tội phạm có cả số liệu về tội phạm đã bị phát hiện và số liệu tội phạm chưa bị phát hiện (tội phạm ẩn). Thế nhưng việc nghiên cứu tội phạm ẩn ở Việt Nam vẫn chưa được tiến hành một cách hệ thống, toàn diện. Có thể nói, từ năm 1986 đến nay chỉ có một công trình nghiên cứu duy nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các tội phạm ẩn về tham nhũng thông qua điều tra xã hội học trên một số địa bàn khác nhau đối với những cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thứ hai, chưa gắn được sự phát triển kinh tế, xã hội với công tác phòng ngừa tội phạm. Theo lý thuyết, biện pháp phòng ngừa mang tính kinh tế, xã hội thể hiện bằng việc xây dựng những chính sách, chương trình, kế hoạch về kinh tế, xã hội phải gắn với công tác phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên trong thực tế thì những chính sách kinh tế, xã hội lớn và nhỏ, phần lớn chỉ coi trọng hiệu quả kinh tế mà không thấy được mặt trái của nó để gắn với việc xây dựng biện pháp phòng ngừa tội phạm.
Thứ ba, công tác nắm tình hình yếu, bị động, chưa phát huy tối đa hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ. Biểu hiện rõ nét nhất của tồn tại này là khâu chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền và trực tiếp là lực lượng công an nhân dân. Các lưc lượng chuyên trách bảo vệ pháp luật chưa có ý
thức cộng đồng trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tạo nhiều sơ hở, thiếu sót trong phòng ngừa tội phạm về tham nhũng. Giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có sự phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn trong một cơ chế chung thống nhất nhằm giám sát, khống chế hoạt động của các đối tượng có biểu hiện tham nhũng.
Thứ tư, việc kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn bảo vệ pháp luật: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để xử lý các vụ án phạm tội về tham nhũng thiếu đồng bộ, thiếu nghiêm khắc nên chưa tạo được một chiến lược tổng thể phòng ngừa tội phạm về tham nhũng. Chính việc xử lý thiếu nghiêm khắc các vụ tội phạm về tham nhũng cũng là những tồn tại, gây hạn chế đến hiệu quả phòng ngừa tội phạm này. Các hành vi phạm tội về tham nhũng nếu được xử lý nghiêm khắc, kịp thời sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe những đối tượng khác có ý định phạm tội.
Thứ năm, số lượng án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa phản ánh đúng thực trạng của các tội phạm về tham nhũng. Quá trình điều tra, xử lý các vụ tội phạm về tham nhũng thường rất lúng túng, bị động, vướng mắc. Tiến độ giải quyết án tham nhũng nhìn chung còn chậm, nhiều vụ án về tham nhũng phải gia hạn, kéo dài thời gian điều tra. Chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra đối với án tham nhũng nhiều vụ còn nhiều tồn tại, án phải trả đi trả lại giữa các cơ quan tố tụng còn nhiều. Đường lối xử lý đối với một số người phạm tội trong một số vụ án tham nhũng chưa nghiêm, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và đòi hỏi của nhân dân.
Thứ sáu, công tác vận động quần chúng nhân dân phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng còn chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục. Vì thế không phải mọi nơi phong trào quần chúng được tiến hành rầm rộ như nhau. Điều đó chưa tạo nên được sức mạnh toàn diện tấn công tội phạm. Trong khi đó nội dung vận động chưa phong phú, hấp dẫn mà thường lặp đi, lặp lại nên chưa lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia tích cực vào phòng trào này. Tại
nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, phong trào vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm về tham nhũng chưa có sự tham gia tích cực của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Điều này đã hạn chế các biện pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng.