Từ thực tiễn cho thấy, muốn đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả đối với các tội phạm về tham nhũng trước hết phải bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách của nhà nước, đảm bảo các cơ chế, chính sách đồng bộ, dễ thực hiện. Trước hết về cơ chế quản lý kinh tế - tài chính, quản lý tài sản công, dịch vụ công không để sơ hở, tùy tiện trong thực hiện, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Nếu cơ chế, chính sách liên tục thay đổi thì kẽ hở càng nhiều và sẽ bị lợi dụng nhiều, tham nhũng càng tăng. Do vậy cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách
nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chi tiêu ngân sách, quản lý cấp phát tài chính, cho vay vốn, xét duyệt các dự án đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý xuất nhập khẩu... Cụ thể là:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách cấp phát ngân sách cho các địa phương, đơn vị. Chấm dứt tình trạng cấp ngân sách bổ sung, đột xuất, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thực hiện minh bạch hóa trong cơ chế, giảm thiểu bao cấp; xóa bỏ cơ chế xét duyệt, cấp phát không cần thiết, chuyển nhanh từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm. Quy định chặt chẽ, phù hợp chế độ hưởng hoa hồng cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là trong sản xuất kinh doanh. Quy định chặt chẽ về chế độ chi tiêu tiền mặt trong việc mua sắm tài sản công v.v…
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý nợ nước ngoài cho phù hợp với tình hình mới. Chuyển cơ chế phân bổ nguồn vốn vay của Nhà nước mang tính hành chính sang cho vay theo cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp thông qua tín dụng đầu tư. Hoàn thiện phương thức quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, cải cách các thủ tục, phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch trong thực hiện các dự án đầu tư. Có cơ chế, chế độ thưởng phạt rõ ràng trong việc thực hiện các dự án, công trình, khắc phục những sở hở trong giao cấp đất, bán đất. Có cơ chế đãi ngộ và đầu tư thỏa đáng về phương tiện, điều kiện làm việc cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và bộ phận chuyên trách điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng nói riêng để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba, về chế độ, chính sách tiền lương.
Hầu như không nghi ngờ gì rằng, mức thù lao thỏa đáng cho quan chức công cộng đã góp phần vào chống tham nhũng, ít nhất là ở những cấp không quan trọng, nếu không nói là trên toàn hệ thống. Tất nhiên, có nhiều quốc gia đang phát triển đơn giản là không đủ điều kiện tổ chức để trả mức lương cao cho công chức nhà nước. Họ bị mắc vào một vòng xoáy nhân quả, tự thân duy trì tiền lương thấp khiến cho một số quan chức chiếm dụng những khoản tiền của Chính phủ; việc sử dụng sai trái các quỹ chính thức khiến cho
Chính phủ rơi vào tình trạng không có đủ nguồn lực để tăng mức thù lao. Chống tham nhũng là một cách để giải quyết vấn đề tiền lương thấp, bởi nó có thể tạo ra nguồn của cải bổ sung cần thiết để trả những mức lương cao hơn [19, tr.145].
Một trong những nguyên nhân chung nhất tạo nên tham nhũng là đời sống cán bộ, công chức chưa đảm bảo, mức lương tối thiểu chưa đủ để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong khi đó nhu cầu về cuộc sống hàng ngày càng cao. Chế độ tiền lương hiện nay còn nhiều bất hợp lý. Cụ thể là có sự chệnh lệch quá lớn về lương của cán bộ ở khu vực hành chính với khu vực sản xuất kinh doanh. Bất hợp lý còn thể hiện ở nhiều ngành, nhiều cơ quan và khu vực có sự chênh lệch quá mức về thu nhập, hình thành nhiều khoản thu và chia nhau trong các cơ quan nhà nước, một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập ngoài lương lớn hơn lương rất nhiều. Những chênh lệch và nghịch lý trên đã gây ra những hậu quả tiêu cực như: hạch toán sai, báo cáo không đầy đủ, trốn thuế thu nhập, lạm dụng của công, tập thể, dùng tiền công chi tiêu không đúng quy định của pháp luật và đặc biệt là thực hiện hành vi tham nhũng.
Vì thế cải cách chế độ tiền lương phải được xem là việc làm cấp bách của Nhà nước ta hiện nay nhưng do nền kinh tế chưa đủ mạnh cùng với những chính sách xã hội khác chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Do vậy vấn đề cải cách tiền lương phải đặt ra và giải quyết một cách cơ bản gắn với việc tinh giảm bộ máy nhà nước, giảm biên chế hành chính sự nghiệp. Phải cải cách chế độ tiền lương theo hướng: hạn chế bất hợp lý, chênh lệch quá lớn về tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức; chính sách lương phải phản ánh đúng giá trị sức lao động của từng loại công chức, từng cương vị chức trách quản lý sao cho sự đãi ngộ phù hợp với công lao và sự đóng góp cho xã hội của mỗi người và phải tương đương với mức tiền lương tương ứng trong khu vực tư nhân khi các điều kiện cho phép, tránh sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Đảng ta đã có chủ trương: tiền lương phải góp phần quan trọng làm
lành mạnh, trong sạch đội ngũ cán bộ. Do đó tiền lương phải là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, đảm bảo cho họ đủ sống và đủ trang trải các khoản chi cần thiết như: ăn, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, nuôi con cái đến tuổi trưởng thành. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải xây dựng chế độ dưỡng liêm, chế độ khen thưởng xứng đáng bằng vật chất đối với những cán bộ, công chức trong sạch, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, có nhiều thành tích trong công tác.
Quan tâm trả lương xứng đáng với cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước sẽ thu hút nhân tài vào làm trong các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh. Lương cao khiến cho đội ngũ công chức - những “công bộc của dân” sống bằng thu nhập chính đáng của mình, họ có cuộc sống bảo đảm, tạo điều kiện toàn tâm toàn ý phục vụ xã hội, giữ gìn sự liêm khiết, trong sạch của bản thân trước sự cám dỗ của danh lợi. Chính sách lương hợp lý sẽ khắc phục tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” chỉ trông chờ vào bổng lộc, vào sự kiếm chác, tránh được tình trạng phải xoay xở, tìm mọi cách moi tiền của Nhà nước, làm giàu bất chính bằng mọi thủ đoạn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu một trong những giải pháp chống tham nhũng đó là cải cách chế độ tiền lương, chống đặc quyền, đặc lợi. Đây là một giải pháp chiến lược tạo cho công chức một đời sống đảm bảo, không thiếu thốn, từ đó không sa ngã bởi vật chất, tiền bạc, vượt qua những thủ đoạn mua chuộc tinh vi của kẻ phạm tội.
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác cho thấy. Nhiều nước trả lương cao để công chức “không cần tham nhũng” mà vẫn đủ sống như Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Sing-ga-po... Đây chính là một biện pháp mang nhiều ý nghĩa kinh tế buộc người có ý định tham nhũng sẽ phải tính toán giữa “chi phí” và “lợi nhuận”. Sing-ga-po trả lương cho công chức cao hơn khu vực tư nhân để công chức lựa chọn giữa tham nhũng (sẽ bị xử lý nghiêm khắc) với sự liêm khiết để đảm bảo cuộc sống suốt đới [62, tr.217].
Tóm lại, các chủ trương chính sách, trong đó có các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội phải nghiên cứu, cân nhắc, xem xét tính đồng bộ, tính khả thi của chính sách, làm sao để cho chính sách ít phải thay đổi, vận hành và vận dụng được, không tạo kẽ hở cho một số người lợi dụng để tham nhũng.