1.2.1. Cơ sở xây dựng biện pháp phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng nhũng
Những quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận cơ bản đối với việc soạn thảo lý luận phòng ngừa tội phạm được để cập đến trong các công trình của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Phát triển tư tưởng và dựa trên những công trình nghiên cứu của các nhà tư tưởng trước đây, Mác và Ănghen đã cho rằng: “Phòng ngừa tội phạm quan trọng hơn việc trừng phạt nó”. Hai ông đã chứng minh rằng trong điều kiện chủ nghĩa xã hội, hoạt động phòng ngừa sẽ trở thành phương hướng chính của cuộc đấu tranh chống tội phạm. Đây là phương hướng chính trên con đường dẫn đến giai đoạn loại trừ hiện tượng tội phạm trong đời sống xã hội.
Những văn bản, Nghị quyết chính trị các Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam là cương lĩnh quyết định sự phát triển tội phạm học xã hội chủ nghĩa nói chung và lý luận phòng ngừa tội phạm nói riêng. Trong Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội lần thứ nhất năm 1930 đã xác định phòng ngừa tội phạm là đưa trở lại cuộc sống lao động những ai đã xa rời cuộc sống này. Theo phương châm này ở nước ta đã tiến hành thủ tiêu sự bóc lột người, sự áp bức dân tộc và xã hội, đói khổ, bần cùng của quần chúng, nạn thất nghiệp, nạn vô văn hóa và mù chữ - xóa bỏ tất cả những gì có thể làm phát sinh tội phạm và các nguyên nhân của nó. Lênin đã dạy: “cần phải nâng cao phúc lợi vật chất của quần chúng, sự giác ngộ và tính tích cực của họ, thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, làm cho quần chúng lao động biết cách quản lý công việc của Nhà nước, hình thành những con người được đào tạo và phát triển toàn diện”. Những quan điểm này của Lênin đã được phát triển trong đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam về việc hoàn thiện công tác phòng ngừa các vi phạm pháp luật và được
xem đây là phương hướng chính trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. Đại hội lần thứ 8 Đảng cộng sản Việt Nam đã thể hiện một sự quan tâm lớn đến công tác phòng ngừa tội phạm. Đại hội yêu cầu phải phòng ngừa tội phạm để không xảy ra các hiện tượng này và phải xây dựng chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm.
Do tình trạng phạm tội là hiện tượng xã hội hết sức phức tạp, đa dạng, nhiều cấp độ mà phòng ngừa tội phạm trước tiên là bằng mọi cách khác nhau kiềm chế được tình trạng phạm tội, sau đó từng bước đẩy lùi và tiến tới giải quyết cơ bản vấn đề phạm tội trong xã hội. Tội phạm học đã xác định, nguyên nhân của tình trạng phạm tội mang tính xã hội, chỉ có thể phòng ngừa tội phạm có hiệu quả khi nó là một quá trình lâu dài, gồm nhiều loại biện pháp khác nhau với sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và tất cả các công dân. Xác định được điều này có ý nghĩa trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong từng thời gian, từng lĩnh vực hoặc trong phạm vi toàn quốc, chỉ có thể thực hiện được như thế thì mới có thể giải quyết được tình trạng phạm tội trong xã hội nói chung.
Hội nghị lần thứ 8 của Liên Hợp Quốc bàn về việc phòng ngừa và ngăn chặn với tội phạm được tổ chức vào năm 1990 tại Labana đã thông qua Nghị quyết “Về tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước”. Trong bản Nghị quyết này đã nhấn mạnh rằng, tham nhũng trong các cơ quan chính quyền nhà nước hiện đã mang tính phổ biến trên thế giới và gây nên những hậu quả vô cùng nguy hại đối với nền kinh tế của các nước, làm tổn hại đến hiệu quả thực hiện những quyết định của Chính phủ, đến tình trạng đạo đức xã hội, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Chính phủ. Trước đó, năm 1989 tại Lahay (Hà Lan) dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đã diễn ra một cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Những kết quả của cuộc Hội thảo này đã trở thành tiền đề cho việc xem xét nghiêm túc vấn đề được bàn đến ở Hội nghị lần thứ 8 sau đó. Trong cuộc hội thảo
này, Uỷ ban kinh tế - xã hội của Liên Hợp Quốc đã đưa ra đề xuất gồm những yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các quốc gia nhằm đấu tranh với tệ nạn tham nhũng trong giới quan chức nhà nước. Những yêu cầu đó là:
1. Trong Bộ luật hình sự, phải đảm bảo tính khả thi của các quy phạm tố tụng đối với mọi hành vi tham nhũng và những khung hình phạt tương ứng đảm bảo cho việc trừng trị chúng một cách thích đáng.
2. Chấn chỉnh và hoàn thiện cơ chế hành chính và cơ chế điều tiết nhằm ngăn chặn tệ nạn tham nhũng và việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
3. Thiết lập những thủ tục khởi tố, điều tra và kết án đối với những người lạm dụng chức quyền để tham nhũng.
4. Xây dựng những điều luật về tịch thu các phương tiện và tài sản có được do tham nhũng.
5. áp dụng những biện pháp xử phạt kinh tế đối với các xí nghiệp hay doanh nghiệp nào tham gia vào hoạt động tham nhũng.