Các biện pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 39)

ở nước ta, tham nhũng đang thực sự là một quốc nạn gây bất bình sâu sắc trong nhân dân. Đảng và Nhà nước ta đã và đang cố gắng để đẩy lùi và chặn đứng tệ nạn nhức nhối này. Tuy nhiên, cùng với các biện pháp chống tham nhũng mãnh mẽ, kiên quyết, cần chú trọng đến biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Trong đó chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến các mặt công tác sau:

Thứ nhất: về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Chúng ta cần làm tốt việc nghiên cứu và học tập đạo đức cách mạng và tấm gương cao đẹp của Bác Hồ. Người suốt đời nêu cao tấm gương sáng vì nước, vì dân. Cả cuộc đời người là một bài học lớn về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Học tập theo tấm gương của Bác, chúng ta cần phát động một phong trào quần chúng sâu rộng nhằm phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng. Trong phong trào này, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Các cấp ủy Đảng cần coi đây là nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng. Tấm gương cao đẹp của Bác Hồ và

đạo đức cách mạng trong sáng của Người sẽ luôn là ngọn cờ cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai: tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh cánh bộ, công chức; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định của Chính phủ Số 64/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng (đã được sửa đổi năm 2002); Nghị định số 14/1998/NĐ-CP Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước; Chỉ thị số 01/2002/CT-TTg ngày 28/1/2002 về việc cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để biếu, tặng, cho cá nhân không đúng quy định; Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ Tài chính về quản lý việc sử dụng tài sản của Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp; Thông tư số 62/TT-BTC ngày 7/6/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; Nghị dịnh số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã (được thay thế bằng Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/07/2003); Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan v.v...

Nhìn chung các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tương đối đa dạng nhưng có thể chia ra các nhóm chính sau: nghĩa vụ phòng ngừa tham nhũng là nghĩa vụ chung của toàn xã hội; các biện pháp tăng cường tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước; các biện pháp nhằm nâng cao tính liêm khiết và khuyến khích hành vi xử sự có đạo đức của cán bộ, công chức; biện pháp minh bạch hóa thông qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; công khai hóa thủ tục hành chính.

Thứ ba: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống tham nhũng. Cần nghiên cứu, rà soát, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống pháp

luật phục vụ cho cuộc đấu tranh này. Bên cạnh Pháp lệnh chống tham nhũng, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật khiếu nại, tố cáo của công dân... Chúng ta cần sớm ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Vận động tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ nhân dân về các quy định pháp luật này. Pháp luật đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải thể hiện rõ việc bảo vệ người tố cáo, bảo đảm tính khách quan, nhưng cũng cần thiết phải thể hiện tính nguyên tắc trong việc trừng trị người phạm tội và những người bao che tội phạm. Có như vậy chúng ta mới tạo được lòng tin của nhân dân vào luật pháp trong cuộc đấu tranh này.

Thứ tư: tăng cường vai trò của cơ quan Thanh tra trong phòng ngừa tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng bao giờ cũng là sự kết hợp nhiều biện pháp mang tính tổng thể, bao gồm cả phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Chống tham nhũng cũng thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan (Cảnh sát, Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra...). Trong đó, so với các cơ chế khác, Thanh tra có những ưu thế nhất định đặc biệt là trong khâu phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng. Chức năng cơ bản của Thanh tra là kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chính sách, pháp luật của các đối tượng bị thanh tra. Chính từ quá trình thực hiện chức năng cơ bản này, Thanh tra có thể hiểu rõ những khiếm khuyết trong cơ chế chính sách làm phát sinh hành vi tham nhũng. ở đây, Thanh tra đóng vai trò dự báo. Một cơ chế, chính sách nào đó ở vào thời điểm thanh tra mặc dù chưa làm phát sinh tham nhũng nhưng đã có thể có được dự báo hậu quả của nó trong thời gian tới nếu không có một sự điều chỉnh kịp thời. Những kiến nghị của Thanh tra trong trường hợp này mang tính chất là một biện pháp ngăn ngừa tham nhũng có thể xảy ra. Thực tế đã chứng minh rằng: qua công tác thanh tra, cơ quan Thanh tra đã đưa ra rất nhiều kiến nghị mà việc thực hiện chúng đã hạn chế được các vụ việc tham nhũng phát sinh, nhất là trong các lĩnh vực: đấu thầu, mua bán tài sản công, quản lý tiền tệ - ngân hàng, quản lý việc sử dụng công quỹ... Vì vậy cần tăng cường vai trò của cơ quan Thanh tra trong hoạt động này.

Thứ năm: tăng cường sự phối hợp của các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra và Kiểm tra Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ban hành một quy chế liên ngành giữa Bộ công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Thanh tra Nhà nước - Uỷ ban kiểm tra Đảng về xử lý tham nhũng. Trong đó quy định rõ chức trách của từng cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra và Kiểm tra Đảng trong việc xử lý hành vi tham nhũng ngoài việc thu hồi tài sản bị chiếm dụng, ngoài hình phạt chính cần áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản, khai trừ Đảng, cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định.

Nội dung của phòng ngừa tội phạm về tham nhũng là khắc phục, hạn chế và thủ tiêu nguyên nhân và điều kiện của tội phạm về tham nhũng như:

Quan tâm giáo dục, rèn luyện nhận thức tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải nâng cao cảnh giác, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức và lối sống trong sạch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để những cán bộ, đảng viên luôn có nhận thức tư tưởng và lập trường kiên định, vững vàng, không bị lung lay ý chí nên không thể bị mua chuộc, bị cám dỗ của đồng tiền; Xây dựng đồng bộ và hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng ngừa và chống tham nhũng nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các kẽ hở tạo cơ hội để nảy sinh tham nhũng;

Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng cao vai trò và năng lực của Nhà nước, hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát về mặt kinh tế và hành chính của Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, thuận lợi, dễ thực hiện, quy chế công chức, công vụ phải rõ ràng. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, những người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cá nhân công chức. Mọi thủ tục phải được công khai hóa, tránh các quy định tạo ra sự đặc quyền, đặc lợi. Phải áp dụng các biện pháp kiểm soát thu nhập của công chức bằng việc tiến hành kê khai tài sản, kê khai

thu nhập của công chức, đồng thời kiểm soát tài sản qua ngân hàng. Trường hợp tình nghi, yêu cầu công chức phải giải trình nguồn gốc thu nhập và tài sản, nếu không chứng minh được tính hợp pháp thì tài sản đó bị coi là bất minh và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; Tăng cường sự giám sát của cơ quan chức năng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đảng, đoàn thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức nhằm phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng; Thực hiện quy chế dân chủ. Thực hành có hiệu quả dân chủ rộng rãi trong Đảng, Nhà nước ở mỗi cơ quan, đoàn thể, tổ chức sản xuất kinh doanh mà thực chất là đưa phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” vào thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh, chế ước, kiểm tra, giám sát và phát hiện các dấu hiệu tham nhũng của đội ngũ đảng viên nhất là những cán bộ có chức, có quyền, cán bộ được giao nắm giữ tài sản của Nhà nước, tập thể; Xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ tham nhũng đã phát hiện. Kiên quyết giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng lớn, nổi cộm, bức xúc đã được phát hiện. Đối với các vụ tham nhũng liên quan đến cán bộ lãnh đạo, dù cán bộ đó ở cấp nào, đương chức, đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu phải được xem xét đầy đủ về trách nhiệm cả về hành chính lẫn hình sự. Phải xử lý về trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để xảy ra các vụ tham nhũng; Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chính quy hiện đại có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, trung thành, tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Thu hút đông đảo quần chúng tham gia phòng ngừa, chống tham nhũng, tăng cường sự tự do thông tin và ngôn luận. Phải biết thu hút, lôi cuốn, động viên quần chúng tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng mặt trận chống tham nhũng rộng rãi, đấu tranh chống thói hư tật xấu của những người có chức vụ, quyền hạn. Tạo ra cơ chế dân chủ để nhân dân tố giác, phát hiện

tham nhũng. Có quy định và biện pháp bảo vệ người tố cáo về hành vi tham nhũng, những người tích cực, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời thích đáng đối với những ngườ i có công trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là nghĩa vụ chung của toàn xã hội, đồng thời là trách nhiệm to lớn của báo chí. Báo chí ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là phát hiện, đưa ra công luận những vụ tham nhũng lớn. Phải thực hiện cơ chế phối hợp giữa báo chí với các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có cơ chế cung cấp thông tin, góp ý, định hướng thông tin giúp báo chí đảm bảo độ chính xác của thông tin và đúng pháp luật.

Chương 2

Thực trạng phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)