Các biện pháp pháp luật

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 98)

Nghị quyết số 14/NQ-TW ngày 15/5/1996 của Bộ chính trị (khóa VII) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tham nhũng. Trong đó có nguyên nhân hệ thống pháp luật của ta nhất là trong lĩnh vực kinh tế ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa không đồng bộ, lại chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu logic, không khoa học, chưa sát với thực tế, ít tính khả thi dẫn đến việc xuất hiện nhiều sơ hở, tạo điều kiện phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng. Vì vậy xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ rất cấp bách, bởi vì pháp luật là công cụ quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế. Những

yêu cầu mới của cơ chế quản lý đòi hỏi pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, toàn diện, đồng bộ và có tính khả thi cao.

Công tác đấu tranh chống tội phạm trong những năm qua cho thấy: có trên 80% các tội phạm về tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vì vậy cần xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế sao cho hoàn thiện, đồng bộ, cụ thể và chặt chẽ, đảm bảo cho yêu cầu hội nhập, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo được hành lang an toàn cho các hoạt động kinh doanh. Các tội phạm về tham nhũng cũng phát sinh nhiều trong quan hệ hợp đồng kinh tế, trong liên doanh, liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau. Vì vậy cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp lý về hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự để có quy định chặt chẽ, không có kẽ hở có thể lợi dụng vi phạm. Thực tế cũng cho thấy, một bộ phận lớn những người phạm tội đã lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ về tài chính tiền tệ, về ngân sách nhà nước, lĩnh vực hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, thuế, về thống kê, kế toán để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó cần có những quy định chặt chẽ về ngân sách nhà nước, có các quy phạm pháp luật về thu chi, lập dự toán ngân sách, đặc biệt là chế độ kiểm tra, thanh tra, quyết toán, phân cấp quản lý. Và tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài chính ngân hàng, xét duyệt các dự án đầu tư, pháp luật về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý xuất nhập khẩu, thuế, thống kê, kế toán...

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về kinh tế, tiếp tục xây dựng đồng bộ và hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng ngừa, ngăn chặn các kẽ hở tạo cơ hội để nảy sinh tham nhũng nhũng như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh cán bộ, công chức, Luật khiếu nại, tố cáo để phù hợp với những yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Một số quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 về các tội phạm về tham nhũng chưa cụ thể làm cho việc áp dụng

pháp luật gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp tạo ra kẽ hở trong việc thực thi. Vì vậy cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản giải thích, hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999. Chẳng hạn như: giải thích các khái niệm: cơ quan, tổ chức gồm những cơ quan, tổ chức nào?. Thế nào là làm trái công vụ quy định tại Điều 281, Điều 282 Bộ luật hình sự?. Hướng dẫn các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, cũng như tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác, đặc biệt nghiêm trọng khác” trong một số điều luật và phân biệt giữa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” với tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác, đặc biệt nghiêm trọng khác” trong cùng một điều luật hoặc các điều luật khác nhau. Cần bổ sung vào tội hối lộ về các giá trị tinh thần cũng là vật hối lộ, kể cả đối với trường hợp đưa và nhận hối lộ, vì vật chất và tinh thần là hai giá trị có thể đáp ứng nhu cầu của con người và qua đó có thể làm ảnh hưởng đến các quyết định đúng đắn của người có chức vụ, quyền hạn. Cần nghiên cứu bổ sung một số tội danh mới vào Bộ luật hình sự, nhất là hành vi làm giàu bất chính; hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc quan chức của các tổ chức quốc tế. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa khi tham nhũng không còn dừng lại trong giới hạn biên giới quốc gia của một nước, mà đã trở thành một loại tội phạm xuyên quốc gia và có sự liên kết với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nguy hiểm khác.

Việc xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng cũng là vấn đề cấp thiết giúp cho việc phòng ngừa và chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Vì vậy trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của việc thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài về phòng ngừa và chống tham nhũng phải sớm ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng phải dựa trên cơ sở quan điểm lấy phòng ngừa là chính và kế thừa các biện pháp phòng ngừa

tham nhũng trong pháp luật chống tham nhũng. Luật phải quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, làm cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong tình hình mới.

Cùng với việc xây dựng mới về Luật phòng, chống tham nhũng cũng cần nâng các quy định trong Pháp lệnh cán bộ, công chức thành luật. Như vậy, sẽ tạo ra được sự đồng bộ, toàn diện trong việc điều chỉnh hoạt động công chức, công vụ nói chung cũng như việc phòng ngừa tham nhũng, xử lý cán bộ, công chức nói riêng.

Ngoài ra cần nghiên cứu để ban hành Luật tố cáo riêng, tách khỏi Luật khiếu nại, tố cáo để điều chỉnh riêng vì đây là hai vấn đề khác nhau. Bởi nếu ban hành Luật tố cáo riêng với nội dung cơ bản là tố cáo cán bộ, công chức, những người có chức vụ, quyền hạn sẽ là cơ sở pháp lý cho vấn đề phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng cần đảm bảo sự đồng bộ, hài hòa với việc hoàn thiện các thể chế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Ví dụ như Điều lệ Đảng, Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội cần đảm bảo sự tương ứng, hài hòa với các luật, văn bản khác về phòng và chống tham nhũng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết vì nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng là của toàn Đảng, toàn dân, cần thiết phải huy động mọi lực lượng để triệt tiêu tệ nạn này.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa các tội phạm về tham nhũng ở Việt Nam (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)