Đây là bệnh nguy hiểm vì làm giảm nghiêm trọng giá trị xoài thương phẩm. Bệnh được ghi nhận lần đầu vào năm 1997, thường thấy trong mùa mưa, vào các tháng 7, 8, 9 trong vườn xử lý ra hoa trái vụ.
Đầu tiên trên trái có các chấm đen nhỏ, to khoảng đầu kim, dần dần vết bệnh lan rộng, phát triển thành các đốm góc cạnh hay dạng bất định, tươm mủ, ăn sâu vào thịt trái tạo các vết nứt ngang trên vết bệnh. Ngoài trái, bệnh còn thấy trên lá và thân. Bệnh lan truyền qua nước mưa, xâm nhập vào lỗ hỏng tự nhiên trên trái hay qua các vết xây xước.
Để có thể hạn chế bệnh này cần tăng cường bón K (Multi K), kết hợp phun qua lá CaCl2 hoặc Ca(NO3)2 giúp hạn chế bệnh. Dùng các loại thuốc gốc đồng như
Kocide, Cuprxat…Có thể dùng các loại thuốc trừ vi khuẩn như Cuprimicine, Kasuran, Sxtarner. Nên pha thêm chất bám dính và phun kỹ, phun sớm khi bệnh chưa xuất hiện hoặc mới chớm xuất hiện (Nguyễn Thị Nghiêm, 2001).
2.11.2.3 Bệnh khô đọt - thối trái (Lasiodiplodia theobromae)
Theo Huỳnh Kim Ngọc và Võ Hùng Nhiệm (2005), nấm tấn công gây hại nhánh rồi lan lên cành non, cuống lá, làm nhánh khô, lá biến màu, cành chảy mủ, đặc biệt nấm có thể hại trái trong giai đoạn sau thu hoạch. Nấm từ các bộ phận bị bệnh, gặp điều kiện thuận (trời nóng ẩm nhất là trong mùa mưa) sẽ phóng thích bào tử vào không khí, xâm nhiễm cuống trái, nhất là cuống bị rụng hay do thu hoạch không chừa cuống làm bệnh lây lan, phát triển. Trái bị bệnh có thể thối sau 3 - 4 ngày. Sản lượng thất thoát do hư thối từ 3 - 5% hay cao hơn.
Trên nhánh, đọt xuất hiện các đốm nâu đậm nếu chẻ dọc bên trong thấy những sọc nâu chạy dài dọc theo mạch dẫn. Bệnh có khuynh hướng lan lên các phần non bên trên làm cành bị khô, đôi khi chảy mủ, lá biến màu nâu, bìa lá cuốn lên trên.
Trên trái bệnh xảy ra trong giai đoạn tồn trữ sau thu hoạch. Bệnh dễ nhận diện, đầu tiên phần thịt trái gần cuống có màu đỏ tía, sau chuyển sang màu xám, nâu nhạt rồi đen, mô bệnh thối nhũng nhanh, lõm, bốc mùi khó chịu nhất là khi trời nóng,
ẩm, trên bề mặt vết bệnh thấy bào tử nấm màu đen.
Cần quan tâm vệ sinh đồng ruộng; Sử dụng mắt ghép sạch bệnh; Thu hoạch chừa cuống để tránh mủ chảy xuống trái tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển; Tránh làm trầy xước bầm dập trái khi thu hoạch và tồn trữ; Thu hoạch lúc trời khô ráo và vận chuyển đi càng sớm càng tốt; Bôi thuốc trừ bệnh gốc đồng hoặc Bendazol
(Benomyl) lên cuống trái; Xử lý nước nóng; Phun các loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh khô cành như Carbenzim 500FL (Carbendazim), Mexyl MZ 72WP...để phòng trừ.