Thán thư là bệnh quan trọng và gây hại nặng trên xoài nhất là ở vườn ít được chăm sóc. Bệnh do nấm bất toàn Colletrichum gloeosporioides Penzig gây ra. Giai
đoạn toàn khuẩn là Glomerella cingulata (Stonem) Spauld và Schrenk. Nấm gây hại chính trên phần non của cây như chồi, lá, cành non vào giai đoạn ra lá, trên bông và trái vào giai đoạn ra bông và tạo trái. Do thích ẩm, lây lan nhờ nước nên nấm mốc phát tán rất nhanh khi trời nóng, ẩm nhất là sau khi mưa hoặc trời lạnh, sáng có nhiều sương. Các bộ phận bị bệnh của cây rơi xuống đất là nguồn lây nhiễm khi gặp điều kiện thích hợp.
Bệnh thán thư có thể thấy trên lá, cành non, bông và trái. Trên lá, nhất là lá non, khởi đầu xuất hiện các đốm nhỏ, sau lớn dần có dạng tròn hay góc cạnh, tâm xám nâu, rìa vàng nhạt. Trên lá già vết bệnh khô và rách ngay giữa. Nếu nhiễm nặng, 3 - 5 ngày sau khi ra lá, các vết bệnh liên kết lại từng mảng lớn làm cho lá nhăn, vặn xoắn, khô, rách và rụng. Trên đầu cành non bị bệnh có những đốm không đều. Nếu nhiễm nặng, các đốm liên kết lại bao quanh cành non gây bệnh chết đọt. Trên bông, nấm có thể lây nhiễm trên mầm, cuống và cả chùm bông. Bào tử nấm làm bông khô,
đen và rụng. Trái có thể nhiễm bệnh từ khi bắt đầu tạo trái cho đến khi chín. Nếu bệnh xảy ra ngay sau khi tạo trái có thể khiến trái rụng. Triệu chứng bệnh điển hình là trên da trái lúc đầu có những đốm tròn, đen, lõm lồi lớn dần có vân đồng tâm. Hình dạng, kích thước đốm bệnh thay đổi. Nếu mưa nhiều, bào tử theo nước tập trung ở chóp trái làm chóp bị thối, hoặc có sọc đen từ chóp đến cuống. Phần thịt dưới các đốm trở nên cứng, thối nhanh khi chín, giá trị thương phẩm giảm đôi khi phải loại bỏ. Trên trái già, bào tử nấm xâm nhập qua sẹo cuống rồi phát triển vào phần thịt trái bên trong. Trong điều kiện ẩm, trên vết bệnh có lớp bào tử màu hồng.
Phòng trừ bệnh này cần phải: vệ sinh vườn; Tỉa bỏ, đốt hay chôn cành bệnh: Tỉa cành cho thông thoáng để ánh nắng có thể xâm nhập vào bên trong tán cây cũng như giúp khống chế chiều cao cây thuận tiện cho việc chăm sóc; Bao trái vào giai
đoạn trái 45 - 50 ngày sau khi xử lý ra hoa hay khi trái to cỡ quả trứng nên bao trái
để ngừa bệnh thán thư và một số loại côn trùng gây hại khác; Khi xoài đang ra bông hay trái bắt đầu phát triển, nên theo dõi mưa, 2 - 4 giờ sau mưa, nếu có thể nên rung
cây để nước mưa dính trên bông, lá, cành rơi xuống và sau đó tiến hành phun thuốc trừ bệnh thán thư; Bệnh thán thư phải được phòng trị sớm bằng các loại thuốc đặc trị
như Carbenzim 500FL (Carbendazim), Thio M 20WP (Thiophannate methyl), Score, Antracol. Chú ý nên phun sớm trước khi trổ bông 2 - 3 tuần. Nếu cần, định kỳ 5 - 7 ngày phun một lần cho đến khi trước thu hoạch. Không phun thuốc trừ bệnh khi xử
lý ra bông vì chất xử lý ra bông tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Cần luân phiên thuốc để hạn chế nấm kháng thuốc. Có thể pha thêm chất bám dính và chất trải để gia tăng hiệu quả trừ bệnh của thuốc. Để ngừa bệnh thán thư và giúp trái sạch, đẹp. Sau khi thu hoạch có thể nhúng trái vào nước nóng 51 - 53o C, trong 10 phút, sau đó lau khô, bao trái bằng giấy sạch rồi tồn trữ trong hộp, sọt (Huỳnh Kim Ngọc và Võ Hùng Nhiệm,2005).