HĐNGLL có tính chất mở rộng kiến thức

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong dạy học môn ngữ văn chương trình Trung học phổ thông (Trang 54)

9. Cấu trúc luận văn

2.3.3.HĐNGLL có tính chất mở rộng kiến thức

2.3.3.1. Sưu tầm tài liệu, ngữ liệu

Đây là hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp theo hướng tích hợp nội dung của các phân môn sau một số bài học cụ thể. Hoạt động này không mất thời gian tổ chức nhưng đem lại hiệu quả rất lớn bởi việc học lý thuyết liên tục sẽ tạo ra áp lực căng thẳng nặng nề đối với học sinh, nhất là khi các em cần ghi nhớ và nắm bắt hàng loạt các thuật ngữ khoa học chuyên sâu, trừu tượng trong một phân môn (phần tiếng việt, phần luận văn, phần đọc văn). Việc cung cấp hệ thống khái niệm này là rất cần thiết để giúp học sinh giải quyết tốt phần bài tập thực hành và lấy đó làm cơ sở để tiếp thu nội dung kiến thức phần sau.

Để có thể khắc phục tình trạng này sau 4, 5 bài cùng phân môn, giáo viên cần chọn ra một số khái niệm quan trọng, một số bài thơ, truyện ngắn, truyện cười, ca dao, tục ngữ… rồi yêu cầu các em sưu tầm tư liệu là những câu thơ, bài thơ, câu đố, truyện vui liên quan đến các khái niệm, các tác giả, tác phẩm mà các em vừa được học.

* Mục đích, ý nghĩa của hoạt động sưu tầm tài liệu, ngữ liệu:

Trước hết việc sưu tầm tài liệu, ngữ liệu có tác dụng gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, làm cho vốn kiến thức của học sinh được liên kết, được mở rộng và được củng cố sâu hơn vì nguồn tài liệu được sưu tầm rất đa dạng và phong phú.

Bên cạnh đó, với việc phải đào sâu, tìm tòi, những tài liệu liên quan đến bài học, hoạt động sưu tầm tài liệu, ngữ liệu còn giúp học sinh khơi gợi, phát triển, củng cố và làm sâu sắc thêm những kiến thức lý thuyết vừa được học trong chương trình chính khóa. Ví dụ như: yêu cầu học sinh sưu tầm những câu đối mà Nguyễn Khuyến làm giúp người vợ khóc chồng, người chồng đã từng làm nghề mổ thịt lợn, làm nghề thợ nhuộm, nghề thợ rèn… sẽ giúp học sinh hiểu rõ khái niệm trường nghĩa, qua việc tập hợp các từ có nét nghĩa

chung nào đó, mặt khác giúp các em hiểu thêm về liên tưởng, đồng âm, về nghĩa hàm ẩn nhờ cách dùng từ nghệ thuật, tài tình của tác giả. Hơn nữa, các em sẽ hiểu được một trong những đặc điểm con người Nguyễn Khuyến đó là thông minh, hóm hỉnh, thâm trầm, sâu sắc. Khi dạy bài Thương vợ của Tú Xương, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm hiểu những câu đối, bài thơ mà Tú Xương viết về vợ, qua đó nhận thấy tình cảm chân thành sâu sắc mà ông dành cho vợ mình.

Hay khi dạy thể loại truyện cười trong chương trình Ngữ Văn lớp 10, giáo viên hướng dẫn học sinh sưu tầm những truyện cười dân gian; từ đó học sinh sẽ phát hiện ra tính nhập nhằng về ngôn ngữ và những “ẩn ý” tạo nên hiện tượng bất ngờ thú vị do hiệu quả biểu đạt của từ đồng âm (hiện tượng đánh tráo khái niệm), từ đa nghĩa, do cách dùng dấu câu, dùng ngữ điệu - đó là những phương tiện có giá trị tạo nên tiếng cười của văn bản.

Trong chương trình lớp 11 và 12, các em được học một thể văn tương đối khó với các em đó là nghị luận xã hội. Vì thế,, giáo viên nên hướng dẫn học sinh tiến hành sưu tầm các bài nghị luận liên quan đến cuộc sống, những vấn nạn đang được xã hội quan tâm như: vấn nạn bạo lực học đường, căn bệnh vô cảm trong giới trẻ, tình yêu học đường, an toàn giao thông…Việc làm này không những giúp học sinh tăng cường hiểu biết xã hội mà còn rèn luyện và nâng cao kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho các em.

Đặc biệt là hoạt động sưu tầm tài liệu, ngữ liệu sẽ giúp học sinh bước đầu tập dượt làm quen với công việc của người nghiên cứu (biết cách xử lý tư liệu, tự phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề).

Đây là một hoạt động ngoài giờ lên lớp theo phương pháp mới, rất có ý nghĩa và rất quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ và mục đích dạy học hiện nay bởi: “sự hữu hiệu của hệ thống dạy học phải được đo bằng khả năng rèn luyện cho học sinh năng lực thích ứng một cách thành công với thế giới không ngừng thay đổi. Trường học phải là nơi trang bị cho các em khả

năng học mà không cần dạy”. (Lời phát biểu của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Báo Tuổi trẻ 6/9/2006).

Ngoài ra, với học sinh lớp 10, các em được học một khối lượng tương đối lớn các tác phẩm văn học dân gian, giáo viên hướng dẫn các em tiến hành lập sổ tay sưu tầm thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý báu không chỉ giúp các em học tốt các tác phẩm văn học dân gian mà nó còn là trợ thủ đắc lực cho các em tiếp thu kiến thức trong các năm học tiếp theo. Vì vậy, việc sưu tầm thành ngữ, tục ngữ, ca dao là một hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bổ trợ quá trình học văn của học sinh, bởi văn học dân gian cụ thể hơn là thành ngữ, tục ngữ, ca dao là kho tàng tri thức đồ sộ mà cha ông ta truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Không những thế, văn học dân gian còn là điệu hồn dân tộc, là đời sống tâm hồn và tính cách của người dân lao động trước kia. Qua tác phẩm văn học dân gian, ta bắt gặp bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng của nước Việt.

Có thể nói, nghệ thuật của thành ngữ, tục ngữ, ca dao đã trở thành những “khuôn vàng, thước ngọc” cho các sáng tác thơ văn nói chung. Vì vậy, việc tổ chức cho học sinh sưu tầm thành ngữ, tục ngữ, ca dao là một cách để giúp học sinh nhận rõ giá trị to lớn của văn học dân gian, giúp các em thêm yêu những giá trị tinh thần quý báu của cha ông. Từ đó bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước của các em.

Bên cạnh đó, việc sưu tầm thành ngữ, tục ngữ, ca dao còn có tác dụng giúp các em học tập được cách nói giản dị, thông minh, giàu hình ảnh của cha ông ta. Điều này sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong các tiết thực hành, trong việc vận dụng từ ngữ vào sáng tác văn học (đối với các em có năng khiếu).

* Phương pháp lập sổ tay sưu tầm tài liệu ngữ liệu:

Việc sưu tầm tài liệu, ngữ liệu liên quan đến những bài được học trong chương trình chính khóa là một việc làm hết sức cần thiết. Vì vậy, việc làm này cần được tiến hành một cách có phương pháp.

Trước hết, mỗi học sinh cần phải chuẩn bị một cuốn sổ tay để lưu lại những tư liệu mà các em được học trên báo, trong các sách tham khảo hoặc nghe từ ông bà, cha mẹ, từ những người biết nhiều về các câu thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, giai thoại, câu tục ngữ, thành ngữ, bài ca dao. Cuốn sổ này sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong việc học tập môn văn và trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày.

Các em có thể tự mình sưu tầm hoặc kết hợp với các chuyến tham quan, dã ngoại tìm hiểu được những nguồn tư liệu liên quan đến các tác giả, tác phẩm, các bài học mà các em được học trong trường.

Sổ tay nên được thiết kế trình bày một cách khoa học, rõ ràng, có nhiều cách để các em sắp xếp tư liệu trong cuốn sổ của mình. Các em có thể sắp xếp theo thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kí, ca dao, tục ngữ, hò, vè… hoặc các em sắp xếp theo trật tự chữ cái tên đầu bài, sắp xếp theo chủ đề các tác phẩm: chủ đề về tình yêu, hạnh phúc, về quan hệ gia đình, xã hội, về thiên nhiên. Mỗi cách sắp xếp thích hợp nhất với mục đích cuốn sổ tay này sẽ phục vụ cho việc học tập của chính bản thân các em. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi thấy rằng, cuốn sổ tay nên chia thành hai phần: phần tác giả và phần tác phẩm. Phần tác giả, học sinh nên liệt kê tất cả các tác giả mà các em được học trong chương trình. Sau đó, khi đọc được các thông tin liên quan đến các tác giả trong sách tham khảo, trên báo, trên tivi, trên mạng internet hoặc nghe được lời thầy cô giáo giảng, các em nên bổ sung ngay vào phần tác giả đó. Học sinh nên sưu tầm tất cả những kiến thức liên quan tới tác giả mà các em được học. Việc làm này sẽ giúp các em có được những hiểu biết sâu sắc về tác giả đó, từ đó có thể cảm nhận tốt hơn ý tứ cũng như nội dung tác phẩm trong sách giáo khoa của họ. Hơn nữa, việc hiểu biết về cuộc đời cũng như các nét tính cách tác giả giúp các em có cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm.

Về phần tác giả, các em có thể sưu tầm tài liệu và sắp xếp các nội dung như:

1. Gia đình 2. Thân thế 3. Sự nghiệp 4. Các giai thoại

5. Các tác phẩm (nếu là tác phẩm văn xuôi, các em nên tóm tắt nội dung, thơ thì nên chép).

Trong phần tác phẩm, các em nên đọc trước văn bản, tìm hiểu nội dung và bài viết liên quan đến tác phẩm trong sách báo. Các thông tin và bài viết mà các em tìm hiểu được sẽ rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, các em cần chọn lọc và có sự định hướng khi tiếp nhân và sử dụng các thông tin đó. Học sinh tìm hiểu trước về hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Văn học là một môn học đòi hỏi người học phải có tư duy trừu tượng, có sự tưởng tượng phong phú. Với tác phẩm, mỗi khi tiếp nhận lại có một cách hiểu khác nhau. Vì vậy, các em học sinh khi đi sưu tầm và tìm hiểu các tài liệu có liên quan đến tác giả, tác phẩm chính là các em đã bước đầu tiếp xúc với nội dung tác phẩm, kích thích khả năng sáng tạo của các em khi viết văn. Đến khi nghe giảng trên lớp, các em sẽ hiểu bài một cách sâu sắc hơn. Đồng thời khi sưu tầm tài liệu, đòi hỏi các em phải huy động mọi kênh thông tin. Đây là việc làm thúc đẩy khả năng tự tìm tòi, độc lập làm việc, nghiên cứu cứu của các em.

2.3.3.2. Sinh hoạt câu lạc bộ văn học

* Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ văn học:

Đây là hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp dựa trên sự tham gia tự nguyện của các em học sinh, nhằm khuyến khích các em học tập, tìm hiểu, mở rộng kiến thức văn học và thực hiên các hoạt động nhằm một mặt làm giàu kiến thức văn học, mặt khác thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ văn học, các em có thể giao lưu trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau.

Có thể tổ chức câu lạc bộ văn học cho học sinh trong một lớp, một khối, thậm chí toàn trường. Các câu lạc bộ này nên hoạt động theo chủ đề nhất định và đặt tên câu lạc bộ theo nội dung hoạt động hay chủ đề hoạt động. Ví dụ: “Câu lạc bộ những người yêu thơ”, “Câu lạc bộ những nhà văn trẻ”, “Câu lạc bộ những nhà biên kịch tương lai”, ….Việc tham gia vào sinh hoạt câu lạc bộ như vậy tạo điều kiện và là môi trường thuận lợi để các em bổ sung, nâng cao kiến thức của mình về văn học, góp phần đắc lực vào việc bổ trợ kiến thức cho các giờ học chính khóa.

Hơn nữa, câu lạc bộ văn học là một hình thức sinh hoạt tập thể sôi nổi, đông vui với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Do đó nó có khả năng cuốn hút nhiều học sinh tham gia tạo nên một phong trào học tấp và sinh hoạt thường xuyên có hiệu quả, kích thích hứng thú học tập của học sinh đồng thời góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết tập thể và ý thức trách nhiện của cá nhân trước những việc chung.

* Thành phần và duy trì hoạt động của câu lạc bộ văn học: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Câu lạc bộ văn học là một tổ chức tập thể gồm một số lượng học sinh khá lớn: từ 25-30 em. Chính vì vậy, để có thể thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ, trước hết cần đến vai trò của người giáo viên bộ môn. Người giáo viên này sẽ là người cố vấn cho câu lạc bộ. Đây sẽ là người có trình độ kiến thức văn học sâu rộng, có kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, nhiệt tình, sáng tạo, có ý thức vượt khó và có tình cảm yêu mến, gắn bó đối với các em học sinh.

Để huy động học sinh tham gia câu lạc bộ, ban đầu nên thông báo về việc thành lập câu lạc bộ, nêu rõ mục đích, nội dung, cách thức và thời gian hoạt động, trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong câu lạc bộ. Nếu số lượng thành viên đăng ký quá lớn thì phải tiến hành lựa chọn theo những cách thức đơn giản. Chẳng hạn có thể yêu cầu các em viết một vài cảm nhận về một đoạn thơ hoặc suy nghĩ về một vấn đề xã hội…Tuy nhiên cũng nên ưu

tiên những em có hứng thú, say mê với môn văn, nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong công việc.

Mỗi câu lạc bộ nên có một ban lãnh đạo được bầu theo thời hạn 06 tháng hằng năm, gồm các em giữ những vai trò sau:

- Chủ tịch câu lạc bộ: là người chịu trách nhiệm liên hệ với các thày cô giáo, triệu tập và chủ trì tổ chức các cuộc họp, lãnh đạo câu lạc bộ, xây dựng nội dung, kế hoạch hoạt động cho câu lạc bộ trong từng kỳ hoặc cả năm học.

- Thư ký: người chịu trách nhiệm ghi chép biên bản các cuộc họp, soạn thảo các thông báo, nhận báo cáo hoạt động của các thành viên câu lạc bộ

- Thủ quỹ: người quản lý tiền, tài liệu, sách…cơ sở vật chất của câu lạc bộ. Hoạt động của câu lạc bộ có thành công hay không là tùy thuộc vào ban lãnh đạo câu lạc bộ. Vì vậy nên lựa chọn những em có uy tín, có kiến thức và khả năng lãnh đạo. Giáo viên chỉ là những người hướng dẫn và hỗ trợ khi thật cần thiết, là những người động viên, khuyến khích, bố trí thời gian và tạo điều kiện cho câu lạc bộ hoạt động.

Câu lạc bộ định kỳ sinh hoạt hàng tuần hoặc hàng tháng vào thời gian rảnh rỗi thích hợp để không làm ảnh hưởng đến thời gian học tập chính khóa.

* Nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ văn học:

+ Nội dung: Nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ văn học chủ yếu dành cho việc thảo luận các vấn đề chung liên quan tới chương trình học tập chính khóa và thực hiện các hoạt động nhằm mở rộng, bổ sung kiến thức, phát huy tính độc lập sáng tạo của học sinh, đưa lại niềm vui, hứng thú học tập cho các em đối với bộ môn văn.

+ Hình thức: Hoạt động của câu lạc bộ văn học có thể được tiến hành trong phòng học, hội trường hoặc tại sân trường…với nhiều hình thức khác nhau như:

- Kể chuyện nhà văn: những giai thoại về các nhà văn, hoàn cảnh sáng tác đặc biệt của các tác phẩm, những câu chuyện hài hước liên quan tới tác phẩm…do các thành viên trong câu lạc bộ sưu tầm và kể lại.

- Giao lưu với các tác giả văn học: có thể mời các tác giả có tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường phổ thông đến nói chuyện, kể chuyện.

- Thi đọc thơ - ngâm thơ, kể chuyện - hát dân ca: Các thành viên trong câu lạc bộ văn học sưu tầm những bài thơ, đoạn thơ hay, những câu chuyện đặc sắc của các tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa để đọc, ngâm và kể

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong dạy học môn ngữ văn chương trình Trung học phổ thông (Trang 54)