Hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn có tính chất củng cố

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong dạy học môn ngữ văn chương trình Trung học phổ thông (Trang 47)

9. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn có tính chất củng cố

2.3.2.1. Thi đọc thơ – ngâm thơ – kể chuyện – hát dân ca theo sách giáo khoa Ngữ Văn

* Vai trò, ý nghĩa của hoạt động thi đọc thơ – ngâm thơ – kể chuyện – hát dân ca.

Là cuộc thi nhằm tổ chức cho học sinh trình diễn các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ Văn ở nhà trường phổ thông. Đây là một hoạt động ngoài giờ lên lớp rất hấp dẫn, có tác dụng về nhiều mặt. Tác dụng lớn nhất của hoạt động này là góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng văn học cho học sinh.

Bên cạnh đó hoạt động này còn có tác dụng bồi dưỡng tình cảm thẩm mĩ, tình yêu và lòng say mê đối với văn chương, đối với các loại hình nghệ thuật và với tiếng nói của dân tộc.

Thông thường những cuộc thi như thế này được tổ chức với quy mô lớn, vận động được học sinh toàn trường tham gia nên sẽ có tác dụng tạo không khí thi đua, so tài, hào hứng, sôi nổi giữa các cây văn nghệ của các lớp. Tuy nhiên cũng có thể tổ chức gọn nhẹ, đơn giản trong phạm vi lớp học. Tổ chức với quy mô nhỏ, đơn giản, sẽ kích thích được tinh thần học tập và tăng hứng thú học môn văn cho học sinh.

Hơn nữa, việc tổ chức thi đọc thơ – ngâm thơ – kể chuyện còn phát huy được khả năng nói chuyện giúp đám đông và giúp các em học sinh tự tin hơn khi trình bày một vấn đề nào đó trước tập thể.

Đặc biệt là, với việc thường xuyên tham gia thi đọc thơ – ngâm thơ – kể chuyện, các em học sinh sẽ rèn luyện được cho mình kỹ năng nói, đọc diễn cảm, lưu loát – một trong những kĩ năng hết sức cần thiết cho việc học văn.

* Nội dung, hình thức và cách thức tổ chức thực hiện:

+ Nội dung: Có thể tổ chức cuộc thi đọc thơ – ngâm thơ – kể chuyện – hát dân ca với nhiều nội dung phong phú khác nhau và các nội dung này có liên quan đến chương trình Ngữ Văn được học trong nhà trường phổ thông. Cuộc thi này sẽ được tổ chức theo từng khối lớp với hình thức cụ thể và liên quan đến nội dung học trên lớp. Cuộc thi này được xem là những bài tập thực hành môn Ngữ Văn được học sinh biểu diễn lại. Vì thế, giáo viên nên định hướng nội dung thi cho học sinh. Những truyện ngắn được biểu diễn trong cuộc thi là những tác phẩm được học trong nhà trường phổ thông. Bởi mục đích của cuộc thi là nhằm củng cố, mở rộng cho học sinh những kiến thức đã được học.

+ Hình thức: Giống như một số hoạt động ngoài giờ lên lớp khác, nên tổ chức hoạt động này giống như một cuộc thi: có thí sinh tham gia theo nội dung đã được thống nhất từ trước, chấm thi và trao giải thưởng cho cá nhân xuất sắc nhất. Hình thức thi nhẹ nhàng, vui vẻ, sôi nổi và đem lại hiệu quả giáo dục cao.

+ Tổ chức thực hiện (cho một cuộc thi cấp trường): Đây là một cuộc thi được tổ chức với quy mô cấp trường nên các thầy cô giáo bộ môn và ban chỉ huy đoàn trường phải thành lập ban tổ chức cuộc thi. Trước khi cuộc thi diễn ra, nên tiến hành phân công công việc cụ thể cho từng nhóm. Các nhóm này sẽ do giáo viên hoặc học sinh phụ trách tùy theo nội dung công việc cụ thể. Ví dụ như nhóm trang trí thì ban tổ chức đoàn trường nên kết hợp với các em học sinh để tiến hành trang trí sân khấu. Sân khấu cần được trang trí đẹp và thanh thoát, có tiêu đề cuộc thi, có đầy đủ loa đài, micro, nhạc cụ, bàn riêng cho ban giám khảo, ghế ngồi cho đại biểu và giáo viên.

Nhóm phụ trách về nội dung sẽ phải xây dựng kế hoạch cho hội thi. Cần liệt kê chi tiết, đầy đủ những nội dung của cuộc thi (phần này thường do tổ trưởng chuyên môn, bí thư Đoàn hoặc các giáo viên bộ môn đảm nhận).

Sau đó tiến hành phổ biến kế hoạch trong tổ chuyên môn, cả tổ nhóm sẽ thảo luận và góp ý cụ thể cho từng nội dung. Nội dung kế hoạch được chỉnh sửa (nếu cần thiết) và phân công công việc cụ thể cho từng người.

Tiếp theo, giáo viên sẽ thông báo nội dung thi cho học sinh. Thông thường, mỗi khối có một nội dung thi khác nhau, tùy theo chương trình mà các em học trên lớp. ví dụ như:

Khối 12: Tổ chức thi kể chuyện hoặc bình luận về một vấn đề nghị luận xã hội.

Khối 11: Tổ chức thi đọc thơ, ngâm thơ (nội dung là những bài được học trong chương trình hoặc các bài thơ của các tác giả được học trong nhà trường).

Khối 10: Tổ chức thi hát dân ca, ca dao (nội dung là các bài ca dao được học trong chương trình văn học dân gian hoặc các làn điệu dân ca các em sưu tầm được, hay có thể là các làn điệu dân ca của chính quê hương mình).

Trước khi cuộc thi cấp trường diễn ra, giáo viên văn phải tiến hành tổ chức thi cấp lớp nhằm sơ tuyển để chọn thí sinh và tiết mục đi tham dự cuộc thi cấp trường. Nội dung và hình thức thi cấp lớp cũng tương tự như cuộc thi cấp trường có điều quy mô nhỏ hơn. Giáo viên và các tổ tiến hành chấm điểm để chọn ra học sinh xuất sắc nhất tham gia hội thi.

Ban tổ chức sẽ tiến hành cho các lớp rút thăm thứ tự biểu diễn các tiết mục của mình. Khi hội thi diễn ra, các lớp sẽ biểu diễn theo thứ tự đã được bốc thăm chứ không theo khối lớp.

Ban tổ chức cũng nên thống nhất biểu điểm và thông báo công khai cho học sinh để các em chuẩn bị. Có thể tham khảo thang điểm như sau (với thang điểm là 100):

Nội dung: 60 điểm Trang phục: 10 điểm Hình thức: 10 điểm

Điểm đồng đội: 10 điểm (đội nào có thí sinh tham dự từ 5 người trở lên thì được điểm này).

Điểm thời gian: 10 điểm (nếu không vượt quá thời gian cho phép thì được điểm này).

Sau khi các tiết mục được biểu diễn, ban tổ chức sẽ tiến hành tổng kết điểm. Điểm số là tổng điểm của các giám khảo (ban giám khảo từ 3-5 người). Ban tổ chức tiến hành trao giải cho các cá nhân, tập thể có tiết mục xuất sắc nhất. Những tiết mục này sẽ được biểu diễn lại trước toàn trường trong ngày sinh hoạt dưới cờ hàng tuần.

Có thể tổ chức cuộc thi nhân các dịp đặc biệt nhưng cũng có thể tổ chức định kỳ hàng tháng. Người giáo viên trong cuộc thi này chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng nội dung và hình thức thi cho các em học sinh. Học sinh tự tập, tự biểu diễn sẽ giúp các em thấy tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều. Bên cạnh mục đích rèn luyện kiến thức cho học sinh thì hoạt động này còn có tác dụng tăng hứng thú và niềm say mê văn học cho các em.

2.3.2.2. Hoạt động đố vui văn học

* Vai trò, ý nghĩa của hoạt động đố vui văn học:

Hoạt động đố vui văn học và một hoạt động ngoại khóa đơn giản, dễ thực hiện và góp phần khá to lớn vào việc nâng cao hiệu quả dạy học môn Ngữ Văn ở nhà trường phổ thông.

Trước hết, đố vui văn học là một hoạt động gây hứng thú, phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Các học sinh dù ở trình độ học lực nào cũng có khả năng tham gia vào cuộc thi mang tính chất tập thể này. Vì có thể trả lời được một số các câu hỏi, được trực tiếp tham gia nên chắc chắn các em sẽ rất hứng thú và hăng hái với hoạt động này.

Mặt khác, cũng như các hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp khác, đố vui văn học cũng góp phần thực hiện mục tiêu của việc dạy học môn Ngữ

Văn ở nhà trường phổ thông: tăng hứng thú của học sinh với môn Ngữ Văn, củng cố và rèn luyện kỹ năng văn học cho các em.

Hơn nữa, việc tổ chức cuộc thi đố vui văn học sẽ là điều kiện thuận lợi để bổ sung, tăng cường khối lượng kiến thức Ngữ Văn và thời lượng rèn luyện các kỹ năng văn học cho các giờ học chính khóa thông qua việc mô phỏng các cuộc thi trên truyền hình như: Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng... Đố vui văn học được coi là một hình thức kiểm tra đánh giá hữu hiệu năng lực văn học của học sinh (bao gồm cả năng lực tiếp nhận, đánh giá và năng lực sản sinh văn bản) trong học tập và trong thực tế cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, với tính chất vui mà học, học mà vui, sôi nổi và không khí thi đua lẫn nhau, đố vui văn học còn là hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp có tác dụng bổ sung, đa dạng hóa, phong phú hóa các hình thức dạy học môn Ngữ Văn trong nhà trường phổ thông, tạo ra hứng thú và sự hấp dẫn lớn, không chỉ cho học sinh mà còn cho cả giáo viên. Và đó là động lực thúc đẩy lòng yêu nghề, yêu trẻ và sự say mê nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện tri thức và rèn luyện năng lực sư phạm của người giáo viên.

* Nội dung, hình thức và các bước tiến hành hoạt động đố vui văn học:

+ Nội dung: Đây là hình thức thi hấp dẫn và có sức thu hút lớn đối với học sinh các trường phổ thông hiện nay. Hình thức này tương đối đơn giản, dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian mà nội dung thi rất phong phú, có thể bổ sung được nhiều kiến thức và kỹ năng văn học cho học sinh.

Với việc mô phỏng các Gameshow quen thuộc trên truyền hình, các em sẽ thấy rất thích thú với cuộc thi. Nội dung thi là các kiến thức văn học, tiếng việt, làm văn đã được học trong giờ chính khóa.

Ở đây chúng tôi mô phỏng trò chơi “Đường lên đỉnh Olympia” được tổ chức trên truyền hình hiện nay.

+ Hình thức: Cuộc thi sẽ tiến hành qua bốn giai đoạn: Khởi động * Vượt chướng ngại vật * Tăng tốc * Về đích. Ở mỗi giai đoạn, người thi phải trả lời các câu hỏi liên quan đến môn Ngữ Văn.

Trả lời đúng sẽ ghi được điểm. Đến giai đoạn cuối cùng, ai có số điểm cao và người đó về đích trước nhất sẽ dành chiến thắng.

Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi yêu cầu thí sinh dự thi phải trả lời

câu hỏi liên quan đến các tác giả, tác phẩm đã được học trong chương trình chính khóa. Những câu hỏi này đòi hỏi các em phải vừa nắm vững các kiến thức văn học, vừa có khả năng phán đoán, phản ứng nhanh, chính xác. Cuộc

thi Đường lên đỉnh Olympia có mức độ khó cao hơn so với những hình thức

thi khác, đòi hỏi phải vận dụng các kiến thức cơ bản và kỹ năng phán đoán, phản ứng nhanh, chính xác.

Có thể tổ chức cuộc thi thường kỳ hàng tháng vào một ngày trong một tuần nhất định nào đó (ví dụ ngày chủ nhật của tuần thứ ba trong tháng). Giáo viên bộ môn văn là người ra đề và thuộc ban giám khảo. Việc tổ chức thi và điều khiển chương trình thì nên dành cho học sinh để có thể phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của các em.

Thời gian tổ chức mỗi buổi thi không dài, chỉ cần thực hiện trong khoảng 60 đến 90 phút. Có thể tổ chức thi trong các buổi dạ hội văn học, thi đọc thơ, ngâm thơ, kể chuyện hay trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học. Khi đó thì thời gian chỉ cần 15 đến 20 phút và có thể cắt bớt một đến hai giai đoạn trong hành trình lên đỉnh Olympia.

+ Cách thức tổ chức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”

Công tác chuẩn bị: Thành lập ban tổ chức cuộc thi. Ban tổ chức sẽ thực hiện các công việc chuẩn bị cho hội thi, gồm:

- Thông báo kế hoạch, thời gian và nội dung cuộc thi.

- Thống nhất nội dung, chương trình và hình thức cuộc thi. Thống nhất phần thưởng và giải thưởng trao cho các thí sinh đoạt giải.

- Cứ hai học sinh: một nam, một nữ dẫn chương trình. Bồi dưỡng hướng dẫn cho các em về nội dung chương trình, phương pháp và phong cách dẫn chương trình.

- Phân công, thành lập ban giám khảo. - Dự kiến mời đại biểu.

- Ban giám khảo chuẩn bị các công việc sau: Câu hỏi và đáp án cho câu hỏi; chuẩn bị thêm các câu hỏi phụ để hỏi thêm thí sinh nếu cần; thống nhất thể lệ cho điểm; gửi câu hỏi về cho ban tổ chức.

+ Tiến trình cuộc thi:

- Ban tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

- Đọc danh sách ban giám khảo, mời ban giám khảo lên làm việc - Người dẫn chương trình giới thiệu tên thí sinh tham gia thi. - Thí sinh tham gia trả lời câu hỏi các phần thi:

Phần khởi động: Trả lời nhanh 10 câu hỏi.

Phần vượt chướng ngại vật: Các thí sinh lần lượt lên bốc thăm, mỗi thí sinh phải trả lời 2 câu hỏi.

Phần tăng tốc: thí sinh bốc thăm trả lời câu hỏi.

Phần về đích: Các thí sinh phải trả lời tổng số 4 câu hỏi. Trong phần này, các em được chọn ngôi sao hi vọng, trả lời đúng được nhân đôi số điểm của câu hỏi, trả lời sai sẽ bị trừ nửa số điểm của câu hỏi.

- Các thành viên của ban giám khảo tổng hợp số điểm, chuyển cho thư ký và chuyển lên người dẫn chương trình.

- Cuối cùng, ban giám khảo công bố điểm và người thắng cuộc. - Trao tặng phẩm cho thí sinh được giải nhất.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong dạy học môn ngữ văn chương trình Trung học phổ thông (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)