Phương pháp tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong dạy học môn ngữ văn chương trình Trung học phổ thông (Trang 29)

9. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Phương pháp tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn

trong nhà trường phổ thông

2.2.1.1. Phương pháp thảo luận

Thảo luận là một dạng tương tác nhóm đặc biệt mà trong đó các thành viên cùng giải quyết một vấn đề mà tất cả đều quan tâm nhằm đạt tới một sự hiểu biết chung. Thảo luận tạo ra một môi trường an toàn cho học sinh kiểm chứng ý kiến của mình, có cơ hội để làm quen với nhau, để hiểu nhau hơn. Khác với dạy học, thảo luận trong hoạt động ngoài giờ lên lớp dựa vào sự trao đổi ý kiến giữa các em học sinh với nhau về một chủ đề nào đó.

Trong hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn, các em có thể thảo luận về chủ đề của hoạt động mà các em định tổ chức để có những hiểu biết chung về hoạt động, chủ đề đó. Và lấy những kiến thức từ thảo luận làm cơ sở lý luận cho việc tổ chức hoạt động. Ví dụ như trước một buổi tọa đàm về “tình yêu trong văn học”, học sinh sẽ họp nhau lại để thảo luận về các vấn đề liên quan đến buổi tọa đàm. Áp dụng phương pháp này, các em học sinh sẽ chủ động được nội dung và hình thức của hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn.

2.2.1.2. Phương pháp đóng vai

Đóng vai rất có tác dụng trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh. Đóng vai là phương pháp thực hành của học sinh trong một số tình huống ứng xử cụ thể nào đó trên cơ sở óc tưởng tượng và sáng tạo của các em.

Phương pháp này được sử dụng khi học sinh chuẩn bị cho hoạt động ngoại khóa của văn học dân gian, sân khấu hóa các tác phẩm văn học như kịch, tiểu thuyết… Sử dụng phương pháp này, các em sẽ có cơ hội được thực tập những kỹ năng tiềm ẩn trong một môi trường đảm bảo.

2.2.1.3 Phương pháp giải quyết vấn đề

Thường được vận dụng khi học sinh phải phân tích, xem xét và đề xuất những giải pháp trước sự việc nảy sinh trong quá trình hoạt động. Áp dụng phương pháp này sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn trước các hiện tượng, sự việc nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Khi tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn, áp dụng phương pháp này, các em sẽ chủ động và không bị lúng túng trước những sự cố bất thường xảy ra.

2.2.1.4. Phương pháp giao nhiệm vụ

Giao nhiệm vụ là đặt học sinh vào vị trí nhất định buộc các em phải thực hiện nhiệm vụ cá nhân. Giao nhiệm vụ cũng chính là tạo cho học sinh cơ hội để thể hiện khả năng của mình, là dịp để các em rèn luyện nhằm tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Khi tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp môn Ngữ Văn nên giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ lớp. Điều này sẽ tạo nên thế chủ động cho các em khi điều hành hoạt động. Các em sẽ phân công công việc cụ thể cho các thành viên khác trong lớp.

Để công tác giao nhiệm vụ có hiệu quả, đúng trước mỗi hoạt động giáo viên cần hình dung những công việc phải làm và gợi ý cho học sinh. Và nên giao những nhiệm vụ phù hợp với khả năng của các em.

Trên đây là một vài phương pháp được vận dụng từ các phương pháp giáo dục và phương pháp dạy học. Tuy nhiên trong thực tế hoạt động cần vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp. Trong một hoạt động có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đạt được hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong dạy học môn ngữ văn chương trình Trung học phổ thông (Trang 29)