Thủ pháp phi trung tâm hóa (decentrazatio n)

Một phần của tài liệu Đội gạo lên chùa nhìn từ góc độ thi pháp thể loại (Trang 61)

5. Cấu trúc của luận văn

2.4.1Thủ pháp phi trung tâm hóa (decentrazatio n)

Trong lí luận văn học, chúng ta đã khá quen thuộc với khái niệm “nhân vật trung tâm”. Đó là các nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm về mặt ý nghĩa nơi quy tụ mọi mâu thuẫn của tác phẩm thể hiện vấn đề trung tâm của tác phẩm ấy. Nhưng cùng với xu hướng đổi mới tiểu thuyết, các tác giả đương đại không còn chú trọng đến nhân vật trung tâm trong tác phẩm mà thay vào đó là các nhân vật chính hay các tuyến nhân vật cùng có vai trò như

nhau trong việc tạo dựng nên cốt truyện. Những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang xương cốt của thể loại tiểu thuyết lịch sử - văn hóa - phong tục. Do đó, những cuốn sách này đã tái hiện được những sự kiện lịch sử, những tri thức văn hóa có sẵn trong tâm trí độc giả thông qua nhân vật. Nhưng mỗi sự kiện lịch sử lớn lao và những tầng sâu của các lớp văn hóa bao bao đời nay đâu thể được cấu thành bởi chỉ một nhân vật. Đó chính là đặc điểm “phi trung tâm hóa” khi xây dựng nhân vật của nhà văn. Từ Hồ Quý Ly, mặc dù nhân vật chính được đặt tên cho tác phẩm nhưng vai trò

trung tâm hóa của nhân vật đã được làm mờ. Đến hai tác phẩm sau, các nhân vật độc lập và bình đẳng, tất cả đều được miêu tả rất kỹ và có cá tính, đặc điểm riêng. Nhà văn xây dựng theo tuyến nhân vật: tuyến nhân vật nữ, tuyến nhân vật tôn giáo, tuyến nhân vật cách mạng, tuyến nhân vật thực dân….Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc tạo dựng quá nhiều nhân vật khiến cho cấu trúc tác phẩm lung lay và thiếu gắn kết nhưng chúng tôi cho rằng điều đó là cần thiết để xây dựng nên những cuốn tiểu thuyết chứa đựng khối lượng lớn những giá trị văn hóa, lịch sử này.

Trong Đội gạo lên chùa, sự phân tuyến nhân vật không còn rõ nét bởi đây là cuốn tiểu thuyết tái hiện quãng thời gian dài của lịch sử từ thời chống Pháp, cải cách ruộng đất đến hết chiến tranh chống Mỹ và hòa bình lập lại. Có các nhân vật chỉ sống trong từng giai đoạn của chuỗi sự kiện lịch sử như Tây lùn Bernard, Cụ Chánh Long, thầy giáo Hải, bé Rêu hay chỉ xuất hiện gần cuối tác phẩm như Hạ, Tư Đờn, Xim…Với nhan đề Đội gạo lên chùa,

nhà văn đã gửi gắm cảm quan Phật giáo vào trong tác phẩm của mình bằng các nhân vật đi suốt chiều dài tác phẩm: Sư Vô Úy, Vô Trần, sư Khoan Độ, chị em Nguyệt, An, Huệ, bà Thêu, Trắm… Không có nhân vật trung tâm, nhà văn tạo dựng nên cuộc đời của các nhân vật trong ngôi làng Sọ nhỏ bé trải qua bao biến cố của cuộc đời gắn với những chuyển biến lịch sử của đất nước. Mỗi số phận của con người làm nên một phần của lịch sử, chị em An là nạn nhân của chiến tranh từ thời Pháp thuộc, mất cha mẹ, mất chồng chưa

cưới nhưng chính họ đã cống hiến cuộc đời cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cùng với biết bao con người của làng Sọ. Sư Vô Úy, sư Khoan Độ là những con người sinh ra đã có duyên nghiệp với nhà Phật. Và cuộc đời theo Đức Phật của họ cũng nếm trải bao thăng trầm mà lịch sử đã tạo ra. Tất cả những nhân vật đã làm nên lịch sử đều được nhà văn khắc họa qua một dung lượng không nhỏ trong tiểu thuyết dài hơi nhất của mình. Họ được miêu tả không chỉ ở ngoại hình, tính cách mà còn lí giải ở hoàn cảnh xuất thân và những điều sâu thẳm trong quá khứ. Sự tàn bạo độc ác của Tây lùn Bernard được lí giải bởi dòng máu Việt – Pháp đang chảy trong huyết quản của hắn. Nguyệt cuối cùng kết hôn với Hạ - một người có hình dáng và khuôn mặt xấu xí nhưng tốt bụng để lí giải cho lời tiên đoán năm xưa của một vị thầy tướng số. Quá khứ của sư Khoan Độ lí giải cho hình dáng có phần dữ tợn và tài dùng võ của một người tu hành…Những điều đó đã làm nên một hệ thống nhân vật đông đảo, đa dạng của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Đội gạo lên chùa nhìn từ góc độ thi pháp thể loại (Trang 61)