5. Cấu trúc của luận văn
3.2 Không gian nghệ thuật
“Nếu hiểu thơ ca là sự cảm nhận thế giới và con người thì thời gian, không gian chính là hình thức để con người cảm nhận thế giới và con người” [68; 459]. Mọi sự vật, hiện tượng đều được gắn với hệ tọa độ không - thời gian xác định, nên những cảm nhận của con người về thế giới đều bắt đầu từ sự đổi thay của không gian, thời gian. Và từ sự đổi thay của không gian - thời gian, con người nhận ra sự đổi thay trong chính mình.
Theo tác giả Nguyễn Xuân Kính trong cuốn Thi pháp ca dao thì: “thời gian và không gian là những mặt của hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm tạo thành thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật một mặt thuộc phương diện đề tài, mặt khác thể hiện nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức tác phẩm của từng tác giả, từng thể loại, từng hệ thống nghệ thuật” [42.287].
Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê đã cắt nghĩa, lí giải về không gian như sau: “Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người” [65.633].
Trước khi có định nghĩa hoàn chỉnh về không gian như trên, trong tư tưởng của người phương Đông xưa đã quan niệm cấu trúc không gian vũ trụ với mô hình tam tài và ngũ hành:
“Tam tài” là một khái niệm bộ ba, “ba phép”: Thiên - Địa - Nhân. Nó thể hiện quan niệm của người xưa về cấu trúc không gian dưới dạng mô hình ba yếu tố.
Còn “Ngũ hành” là khái niệm dùng để mô phỏng cấu trúc không gian vũ trụ bởi năm yếu tố (năm hành) theo thứ tự: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Và xét về bản chất của những từ “thế giới”, “vũ trụ” thì đó đều là những khái niệm để chỉ tổng thể không - thời gian.
“Thế giới” gồm có thế - đời (thời gian) và giới - cõi (không gian). Như vậy, thế giới được hiểu là cõi đời. Nghĩa là nó bao hàm cả không gian và thời gian. Theo cách hiểu đó thì vũ trụ cũng có nghĩa là một tổng thể không - thời gian. Mà con người cũng là một tổng thể của không - thời gian, nghĩa là nó là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, môt tiểu thế giới trong đại thế giới. Không gian chính là môi trường chúng ta đang sống với sự tồn tại của các sự vật. Không gian chính là hình thức tồn tại của vật chất với những thuộc tính như cùng tồn tại và tách biệt, có chiều kích và kết cấu.
Để hiểu được khái niệm không gian nghệ thuật một cách cơ bản và khái quát nhất, tôi xin được viện dẫn cách hiểu của Lê Bá Hán trong cuốn Từ điển
thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [28. 162].
Trần Đình Sử lí giải thêm: “không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật” [28.88].Ông còn khẳng định một cách hết sức chắc chắn: “không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó”, và “không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống” [28; 88 - 89]. Như vậy, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”. Và sự miêu tả, trần thuật bên trong tác phẩm văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, ta xác định được vị trí của chủ thể trong không - thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định. Căn cứ vào điểm nhìn mà xác định được vị trí của chủ thể trong không - thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, khoảng cách nhìn, ở đặc điểm của khách thể được nhìn. Điểm nhìn không gian được thể hiện qua các từ chỉ phương vị (phương hướng, vị trí), để tạo thành “viễn cảnh nghệ thuật”.
Tóm lại, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại.
Đọc Đội gạo lên chùa dễ tưởng tác giả sẽ kể về các nhà sư, về những cô gái đẹp khoe “yếm thắm” hay bi kịch về một mối tình lạc lối nào đó. Bởi tên tác phẩm chính là bốn chữ được rút ra từ câu ca dao nổi tiếng “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm
lóc tiên sư trọc đầu”. Chính cái tựa đề ấy đã lộ ra dấu hiệu Phật giáo hết sức quan trọng, đó là hình ảnh ngôi chùa. Hình ảnh những ngôi chùa mọc lên ở khắp các làng xã trên dất nước Việt Nam, sự có mặt của nó được lý giải qua lời nhân vật sư Vô Uý: “Từ bao đời nay, Phật giáo dùng để cứu đời”, nếu “chính quyền lo sự an dân” thì “nhà chùa lo dạy dân hướng thiện, tránh ác. Tức là Phật giáo lo trị bệnh cái tâm con người. Nếu tâm lành thì mọi sự bình an, trời đất thái bình” [39.560]. Chúng tôi cho rằng không gian nghệ thuật được kiến tạo trong tiểu thuyết này cũng hoàn toàn thống nhất với không gian văn hóa làng quê.
Làng là đơn vị hành chính của vùng nông thôn. Dưới góc độ văn hóa, trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Quốc Vượng có nêu: “Làng là cơ sở của văn hóa dân gian. Lại có làng ngoài nghề nông, có những nghề thủ công riêng, nghề buôn riêng. Những người cùng làng có bổn phận giúp đỡ nhau, an ủi nhau”. Như vậy, làng là nơi chứa đựng tất cả các hoạt động đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống trong đó. Cội nguồn văn hóa của nước Việt Nam ta bắt rễ từ văn hóa làng. Nói đến làng quê xưa, người ta nghĩ ngay đến cây đa, giếng nước, sân đình, bờ đê, con sông, lũy tre, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đó là nơi mọi người sống, sinh hoạt và lưu giữ các giá trị từ đời này sang đời khác. Quê là làng nối làng nhưng dẫu có nằm sát cạnh nhau thì mỗi làng lại có một phong tục tập quán riêng, một đặc trưng riêng. Để khi ra ngoài, chỉ nhìn qua dáng người, cử chỉ nhất là giọng nói người ta cũng phân biệt được ai là ở làng nào. Dân ta hầu như ai cũng xuất thân từ một vùng quê nào đó. Nên làng còn là nơi để người ta thể hiện nỗi nhớ nhung, là cõi yên bình, là chốn dừng chân của mọi kiếp người giữa những bon chen của cuộc đời. Làng là nơi sâu thẳm nhất chứa đựng tâm hồn người và các giá trị văn hóa. Cũng có thể thấy một điều rằng nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng ở nước ta thành công hơn cả là khi làm về chủ đề nông thôn, về các vùng quê và làng quê. Ngày nay quá trình đô thị hóa đã làm cho các giá trị văn hóa làng xưa kia thay đổi đi rất nhiều, kèm theo nó là
những hệ lụy đang làm cho xã hội đương đại nhức nhối. Vậy là càng làm cho chúng ta thêm độ hoài niệm về những ký ức xưa. Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn có nhiều trăn trở về văn hóa trong đời sống, ông sống nhiều, ngẫm nhiều và đến một độ tuổi chín của đời người, lão nhà văn có thể viết về khung cảnh xưa một cách say đắm nhất.
Trong Đội gạo lên chùa, không gian làng là một nét nổi bật. Làng Sọ, làng Sứa, làng Bái… những cái tên mang đậm chất quê của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nơi đó chứa đựng hết thảy mọi điều của cuộc sống. Là nơi chứa đựng cuộc sống, số phận và những kiếp người từ địa chủ, lý trưởng đến những người nông dân nghèo hèn, đói khổ. Làng Sọ sẽ bình yên nếu như không có sự giày xéo của quân xâm lược. Làng Sọ là một nơi bằng phẳng, nhiều ruộng nước nhưng vẫn còn đồi. Có ba làng Sọ, gồm: Sọ Đoài, Sọ Trung và Sọ Đông. “Bên này sông là làng Đoài, rồi đến đình, tiếp theo là làng Trung. Bên kia sông Đào là làng Đông” [39, 145]. Dân làng đều có họ hàng với nhau. Đó cũng là điều thường thấy ở nông thôn Việt Nam. Cả ba làng đều chung một cái đình Sọ. Cũng như nhiều làng quê khác, làng Sọ có những tập tục đặc biệt mà dân ta gọi là lệ làng, “phép vua thua lệ làng”. Bất cứ ai cũng phải tuân theo. Theo lời bà Nấm kể lại “Ngày xưa trong đám cưới của làng Sọ, bất cứ đám nào nhà trai cũng phải đội đến nhà gái một chiếc bánh rán to như vậy đặt trên chiếc mâm đồng. Lại phải chọn một cô tố nữ trẻ và đẹp, váy chùng chấm gót. Khăn vấn hồng, áo nâu non, thắt lưng hoa lý đội mâm”. Ở làng mọi người làm việc gì cũng phải có phép tắc và phải được dân làng công nhận thì mới xong chuyện, như việc ông lý có “ý định” với cô Nguyệt: “Nói với Tây là một chuyện, còn đối với làng nước, tôi cũng phải cưới xin cho hẳn hoi. Tôi định sau bốn chín ngày cho hai cụ, tôi sẽ mời làng xóm” [39, 18]. Những người dân trong làng thông tin cho nhau bằng sự đồn đoán: “Nguyệt sửng sốt vì từ hôm đó cả làng cứ đồn ầm lên là Nguyệt đã bằng lòng làm vợ bé thứ năm của ông lý trưởng đã ngoại năm mươi”. Không gian Làng Sọ hiện lên trong dòng suy tư của cậu bé An: “Gọi là rừng cho to,
chứ thực ra chỉ là một quả đồi thấp trồng toàn thông. Thông trồng đã lâu, thân to đủ người ôm. Tán lá rậm rịt không có ánh nắng lọt xuống. Tôi thường ngồi ở chân đồi nghe thông reo, nghe đàn chim sẻ lắm mồm, ríu rít cãi nhau trên tán lá, thỉnh thoảng chúng lại vù vù cả đàn bay ào ra ruộng lúa. Từ chân đồi, tôi có thể bao quát nhìn khắp cánh đồng trước mặt, cũng như quang cảnh khắp vùng. Nơi đây rất giống quê tôi. Cũng dãy tam đảo xanh ngắt, lừng lững ngồi, đội mấy trắng trên đầu, lặng nhìn xuống trần gian. Cũng vẫn những đồi sim như bát úp dâng hiến cho lũ trẻ nhỏ chúng tôi những trái sim tím bầm vừa ngọt, vừa thơm, lại chan chát, ngày nào cũng ăn mà không bao giờ biết chán. Cũng vẫn những khóm hoa mẫu đơn dại mọc ê hề khắp nơi, để lũ con gái chăn trâu kết tràng hoa đỏ đội đầu, chơi trò cô dâu chú rể” [39, 31]. Thế mới nói rằng, quê luôn là miền ký ức sâu thẳm trong mỗi tâm hồn người Việt. Không có gì thú vị hơn khi tuổi thơ được sống và nô đùa trên cánh đồng quê cùng chúng bạn. Quê là nơi chôn rau, cắt dốn, là nơi nuôi nấng tuổi thơ, hình thành nên nhân cách mỗi con người. Theo dòng văn của Nguyễn Xuân Khánh, ai đã từng được sống trên những miền quê như thế như được trở lại đó một lần nữa: “Tôi thuộc những đương ngang ngõ tắt trong làng như lòng bàn tay. Cho nên không phỉ chị Nguyệt dắt đường mà, mà chính tay tôi đã kéo chị tôi đi. Tôi không chạy theo đường chính. Tôi đi tắt qua những vườn, những trổ tre, nên một lát sau chúng tôi đã ra đến đồng mà chẳng gặp ai cả. Chị em tôi lội ra giữa cách đồng Miễu, tìm một ruộng lúa tốt um tùm rồi trốn ở đấy” [39, 34]. Không gian quê còn là nơi cho lũ trẻ đi bắt ve vào mùa hạ: “Ở quê tôi có nhiều ve lắm. Vào hè hàng vạn con ve trên cây kêu váng trời suốt ngày. Lũ mục đồng chúng tôi thường đi bắt ve lột xác. Vào lúc trăng bắt đầu nhú, chúng tôi đập giập nứa làm đuốc, rồi đi soi ở khoảng đầu đêm, những con dế, tức là những con ve con được sinh ra từ hè năm trước từ dưới đất chui lên, bò lên các cành cây ngang thắt lưng người, để bắt đầu lột xác hóa sinh từ kiếp dế sang kiếp ve. Thật lạ lùng, con dế nứt vỏ lưng ra rồi cong người lột vỏ. Con dế màu nâu nhưng con ve lột lại màu xanh nhạt. chờ vài
tiếng cho khô người và cứng cáp, ve non mới bò lên ngọn cây và hoàn tất một cuộc đời suốt ngày kêu ra rả. Ve già chẳng ai ăn, nhưng ve non mới lột ngon tuyệt vời. Nó rất sạch sẽ. Rang lên ăn vừa béo, vừa bùi, thơm ngon chưa từng thấy” [39, 80]. Có lẽ Nguyễn Xuân Khánh không chỉ vẽ cảnh làng quê mà còn gợi cả nét văn hóa ẩm thực dân giã.
Và nói đến không gian nghệ thuật tiểu thuyết Đội gạo lên chùa không thể quên hình tượng những lũy tre xanh. Tre đã đi vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam ta “tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh”. Vì thế, nói đến không gian làng quê của dân làng Sọ không thể thiếu bóng dáng những lùm tre: “Họ đã đi vào bóng những lùm tre. Thỉnh thoảng lại gặp một vũng trăng trên mặt đất. Tre cót két. Tre rì rào. Những con cò, con vạc, con sếu làm tổ trên những ngọn cây nghe bước chân họ đi lại kêu xáo xác, ríu ran” [39, 99], “Vô Trần xăm xăm đi vào rừng tre xào xạc. Thầy lội qua những vũng trăng, chui vào lối tre mịt mù, hun hút” [39, 103].
Không gian làng, có chùa làng, đình làng, miếu làng và cả trường làng. Trường làng Sọ có thầy giáo Hải, vừa là thầy giáo, vừa là chiến sĩ cách mạng. An vào chùa được sư cụ cho đi học ở trường làng. Nhờ đó mà An gặp được bạn bè như Căn, Trắm, Huệ… Những người bạn thuở ấu thơ là những người để lại cho ta nhiều kí ức nhất, theo ta suốt cuộc đời, không bao giờ quên; cho dù đó là kí ức vui hay kí ức buồn. Trường học của An “có hai buồng. Đáng lẽ mỗi lớp một buồng. Nhưng cả làng chỉ có sáu đứa lớp Ba và bốn đứa lớp Bốn, nên thầy gộp hai lớp làm một. Lớp Ba ở dãy bàn bên trái, lớp Bốn dãy bên phải. Cũng như vậy, khi lớp Bốn làm luận thì thầy đọc chính tả cho lớp Ba…” [39, 79]. Và chính vì bắt nguồn từ trường học, An thân với Huệ nhưng bị Căn, anh trai của Huệ cho là An “dụ dỗ” em gái của mình nên ngăn cấm và còn gọi An là “sư hổ mang”. Cuộc ẩu đả đã diễn ra, đúng như chuyện của bọn trẻ con: “Nó ôm lấy tôi, đè nghiến xuống đất. Hai bàn tay nó như hai kìm sắt, ghì chặt đầu tôi trên mặt đất… Máu chảy tóe loe. Thế là tôi bỗng như kẻ rồ dại. Tôi dùng hết sức cắn vào tay Căn” [39, 82].
Ngoài làng ra, còn có những tên xóm nghèo, “ngày nay người ta gọi là những xóm liều” ngay bên cạnh “dòng sông đen sông thối”: “Bốn cái tên xóm ấy là; Xóm Cầu Tre, xóm cây Găng, xóm Ngõ Bò và xóm Cầu Gỗ”. Xóm Cầu Gỗ là nơi sư thúc Vô Trần và Nấm bỏ làng đến đó. “Xóm Cầu Gỗ có tới năm, sáu chục nóc nhà. Toàn là nhà tranh vách đất. Lắm nhà chỉ là cái lều xiêu vẹo. Không có nhà gạch. chỉ có vài ba nhà làm bằng gỗ xoan theo kiểu nhà ba gian nông thôn; đó là những nhà khá nhất của những ông cai thợ mộc, thợ nề, hoặc thợ nguội, thợ rèn làm ở Nhà Đèn, Nhà Rượu…” [39, 117]. Trong Đội gạo lên chùa, tác giả không chỉ nhắc đến riêng làng Sọ, ở đó còn có ngôi làng bị tàn phá giết chóc của chị em Nguyệt và An; ngôi làng ngoại ô Hà Nội nơi có chùa Ổi thanh tịnh; ngôi làng với bao kí ức đau khổ