Từ quan niệm nghệ thuật tới quan niệm về nhân vật

Một phần của tài liệu Đội gạo lên chùa nhìn từ góc độ thi pháp thể loại (Trang 34)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1 Từ quan niệm nghệ thuật tới quan niệm về nhân vật

Mỗi nhà văn có tư duy sáng tác của riêng mình, tư duy sáng tác thể hiện rõ ở quan niệm sáng tác của mỗi nhà văn. Trước và sau đổi mới, nhà văn đã có sự thay đổi trong tư duy sáng tạo nhưng có lẽ rõ ràng và nổi bật nhất là ở giai đoạn từ sau Đổi mới với sự ra đời của ba tiểu thuyết sau năm 2000 mà chúng tôi đang nói đến. Do đó, trong luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung làm nổi bật tư duy nghệ thuật của ông trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử (chúng tôi tạm gọi chung bộ ba tiểu thuyết lịch sử - văn hóa – phong tục của ông là tiểu thuyết lịch sử). Tiểu thuyết lịch sử là một thể tài tiểu thuyết, vì thế trước hết nó cũng mang những đặc tính chung của tiểu thuyết và đồng thời nó sẽ mang những đặc trưng riêng gắn liền với đề tài lịch sử. Như chúng ta đã biết, “Tiểu thuyết lịch sử hiểu theo nghĩa chung nhất là tiểu thuyết về đề tài lịch sử”. Đó là một thuật ngữ dùng để phân biệt giữa các tác phẩm lịch sử biên niên thông thường do nhà sử học hoặc người khác viết để kể về các biến cố lịch sử, nhân vật lịch sử, với tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài và nhân vật lịch sử. Trong thực tế sáng tác về đề tài này, từ trước đến nay, việc nên quan niệm lịch sử trong tiểu thuyết như thế nào vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận. “Chất liệu lịch sử có thể sẽ là tấm gương soi chiếu tính chính xác và độ tin cậy của sự kiện lịch sử được nói đến trong tác phẩm. Điều đó tưởng như nghịch lý với bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Tuy nhiên sẽ không còn mâu thuẫn nếu hiểu rằng, lịch sử tồn tại trong một tiểu thuyết được tôn trọng ở mức độ tinh thần của lịch sử”. Từ những đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử, chúng tôi muốn hướng đến việc nghiên cứu tư duy tiểu thuyết của nhà văn trong mối tương quan với tiểu thuyết lịch sử. Quan niệm sáng tác của nhà văn xuyên suốt các tác phẩm của mình đó là “tiểu thuyết lịch sử trước hết là tiểu thuyết”:

Thứ nhất, Nguyễn Xuân Khánh viết văn với tư cách là một nhà văn công dân, tiếp cận lịch sử trên phương diện phi huyền thoại hóa, dưới nhiều góc độ khác nhau, và luôn đặt lịch sử trong trạng thái động. Nhìn lịch sử và tiếp cận lịch sử không phải thông qua những yếu tố chung mà qua những hình ảnh biểu tượng cụ thể. Tiểu thuyết lịch sử nào cũng đều có ánh xạ của đời sống hiện tại. Tiểu thuyết do một người hiện tại viết, cho những người hiện tại đọc. Và muốn tác động lên tâm hồn người đọc phải có cảm xúc, tâm hồn của người viết, cái tôi tác giả là một yếu tố không thể thiếu.

Thứ hai, viết về lịch sử nhưng để xoay quanh số phận con người, lấy con người làm trung tâm. Nhân vật là quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, đó là những người luôn mâu thuẫn và phức tạp, con người hiện thực đôi khi phải đối diện với bi kịch. Con người trong đời sống dù ít nhiều cũng có sự chi phối của cảm quan tôn giáo và trong mỗi người phụ nữ luôn ẩn chứa “mẫu tính”. Để lí giải cho quan niệm này, chúng ta có thể dựa vào tiểu sử của nhà văn. Quê nội ở phố Huế nhưng quê ngoại ở Cổ Nhuế nơi có nghề may nổi tiếng, không biết từ lúc nào Nguyễn Xuân Khánh đã gắn bó với làng quê nghèo với những người dân lao động thật thà và chất phác. Đó là lí do vì sao trong hai cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của mình, ông đều lấy bối cảnh là một làng quê.

Hơn nữa, cả tuổi thơ của Nguyễn Xuân Khánh gắn bó với các mẹ, các mợ, và những người phụ nữ xung quanh mình đã tạo cho nhà văn sự nhạy cảm trong tâm hồn. Hình ảnh những người phụ nữ ruột thịt và nỗi cô đơn mà họ trải qua đã kiến tạo một phần tâm hồn văn chương của nhà văn. Đối với ông, người phụ nữ bao giờ cũng đẹp và tốt bụng, nhưng nhiều khi họ lại chịu nhiều đắng cay, sống trong cô đơn.

Thứ ba, quan điểm về nghệ thuật tiểu thuyết của ông là: hướng tới những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết hiện đại: nghệ thuật xây dựng nhân vật phi trung tâm hóa, khai thác tính “lưỡng phân” của nhân vật thông qua nhiều điểm nhìn, kết cấu tiểu thuyết đa thanh với ngôn ngữ giọng điệu của

một nhà văn công dân: ngôn ngữ đan bện nhiều cung bậc: bác học - đời thường, cổ kính - hiện đại; đối thoại – độc thoại; giọng điệu trữ tình và đặc biệt với giọng điệu vô âm sắc. Để có được những thành công về nghệ thuật này, ngoài niềm say mê với nghệ thuật từ nhỏ, ông còn được lớn lên trong không khí đô thị và được tiếp xúc với những tác phẩm văn chương hiện đại. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực trong những năm đầu thế kỉ XX, nhà văn tiếp nhận những xu hướng tư tưởng nghệ thuật mới của văn chương hiện đại. Những năm tháng trong quân ngũ lại là môi trường để nhà văn rèn luyện, trải nghiệm với thực tiễn cách mạng. Nhà văn đã trải qua quãng thời gian vất vả với cuộc sống mưu sinh, đối mặt với những “tai nạn” văn chương nhưng ông vẫn kiên trì với niềm đam mê của mình. Sự tự ý thức và ham học hỏi, những tác động của quá trình tiếp xúc với văn chương hiện đại từ sớm và cả những vốn kiến thức văn hóa, lịch sử xã hội đã giúp nhà văn đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp của mình khi ông bước sang tuổi đời “xưa nay hiếm”.

Một phần của tài liệu Đội gạo lên chùa nhìn từ góc độ thi pháp thể loại (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)