5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
1.2. Bảo Ninh và văn học Việt Nam đương đại
1.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương sinh ngày 18 tháng 6 năm 1952 tại Diễn Châu, Nghệ An. Quê gốc ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhưng lớn lên ở Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình trí thức, cha là một vị giáo sư ngôn ngữ nổi tiếng Việt Nam – GS. Hoàng Tuệ. Anh vào bộ đội năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 – Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975 anh giải ngũ. Rời quân ngũ cùng bộ đồ lính bạc phếch trên người, Bảo Ninh lang thang kiếm sống đâu đó với những công việc chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chỉ đến khi ba của anh, Giáo sư ngôn ngữ Hoàng Tuệ dắt anh đến tận nhà người bạn thân là Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (Trường viết văn Nguyễn Du) thì cuộc đời Bảo Ninh mới thực sự bước sang một trang khác (Từ 1984 – 1986 Bảo Ninh học khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du). Ngày ấy, mặc dù điểm thi vào trường viết văn Nguyễn Du của Bảo Ninh khá thấp, nhưng với “con mắt xanh” lão luyện trong nghề văn của mình, GS.Hiến vẫn quyết định nhận anh vào học vì có lẽ, ngay từ thời điểm ấy, ông đã phát hiện được một tài năng văn chương cho đất nước sau này. Khi đọc những bản thảo truyện ngắn đầu tay viết về đề tài chiến tranh của Bảo Ninh, GS.Hiến khuyên anh chưa nên công bố vội, hãy viết lại cho kỹ hơn và hay hơn. Quả không sai, chỉ sau đó một thời gian, ngay khi còn đang theo học dưới mái trường viết văn
Nguyễn Du, bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay Nỗi buồn chiến tranh đã được Bảo
Ninh hoàn thành một cách xuất sắc và gây sự bất ngờ lớn với ngay cả người thầy đang dìu dắt anh là GS.Hoàng Ngọc Hiến. Ngay sau khi được công bố, năm 1991,
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và tên tuổi của anh lập tức gây sự chú ý của cả văn đàn trong và ngoài nước. Tâm sự về thành công bước đầu ấy, Bảo Ninh khiêm tốn: “Thật ra, đấy là sự ghi dấu của nền văn học Việt Nam thời đổi mới nên một tác giả mới như tôi vẫn được
chú ý, và cuốn Nỗi buồn chiến tranh đã nhận được giải thưởng vào thời kỳ đặc biệt
đó, thời kỳ văn học có những thay đổi sâu sắc và đích thực”. Nhưng niềm vui đến
với Bảo Ninh không lâu, Nỗi buồn chiến tranh tạo ra một làn sóng dư luận với
nhiều ý kiến trái chiều, và nó dần bị chìm vào quên lãng. Trong mắt nhiều người, Bảo Ninh hình như đã thuộc về quá khứ. Dư luận văn đàn nhiều năm qua rầm rập chạy theo các nhà văn mới như người ta chạy theo mốt. Bảo Ninh như bị bỏ quên trong thế giới văn chương, tên anh chìm lẫn trong hàng trăm tên tuổi khác. Mãi đến năm 2003, cuốn sách của Bảo Ninh lại lặng lẽ được tái bản và xuất hiện trong đời
sống văn học Việt Nam với tiêu đề Nỗi buồn chiến tranh (NXB Hội Nhà văn) và
Thân phận tình yêu (NXB Hội phụ nữ). Năm 2007 sóng gió lại đến với cuốn sách và người “sinh” ra nó. Cuốn sách được một doanh nhân người Anh, ông Dominic Scriven, sống và làm việc nhiều năm ở Sài Gòn, thuê ê kíp làm phim của Mỹ với dự định mua bản quyền tiểu thuyết và chuyển thể làm phim. Tên Bảo Ninh và tiểu
thuyết Nỗi buồn chiến tranh lại trở thành đề tài tiêu biểu cho các bài viết trên báo,
trên internet,...bạn đọc ngóng chờ, hồi hộp, và mừng cho nhà văn sau hơn chục năm chìm lắng giờ đã được trả về với vị trí xứng đáng, nhưng không lâu sau lại ngậm ngùi khi nhà văn tuyên bố không hợp tác và dừng sản xuất phim vì nhiều lí do. Nhưng giá trị của tác phẩm không phải vì thế mà mất đi, sau những biến động của những năm “chào đời” (1987 – 1991), với thời gian 16 năm đủ để nó khẳng định mình trong đời sống văn học. 5- 2011 Bảo Ninh được trao giải Nikkei Asia Prizes
với những đóng góp lớn của tác giả về văn hóa qua thiên tiểu thuyết Nỗi buồn chiến
tranh (Giải thưởng thường niên của báo Kinh tế Nhật Bản, dành cho những cá nhân và tập thể người châu Á có cống hiến xuất sắc trên 3 lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật và văn hóa).
Có lẽ trở thành một người lính trong thời điểm cuộc chiến tranh ở giai đoạn tàn khốc nhất (1969 – 1975), nên mặc dù khoác áo lính trong một thời gian ngắn (6
năm) nhưng chiến tranh đã chiếm trọn cuộc đời Bảo Ninh cả phần xác lẫn phần hồn.
Trả lời phỏng vấn trên ANTĐ, Bảo Ninh tâm sự: “Nếu bây giờ tôi chỉ 20 và không
phải trải qua một cuộc chiến tranh nào, tôi cũng sẽ vẫn viết về chiến tranh. Mà chắc là viết hay hơn một Bảo Ninh đã qua chiến tranh”. <nguồn:
http://ww.anninhthudo.vn-Hoàng Hồng>. Bảo Ninh viết không nhiều, có thể nói là viết chậm như theo lời nhà văn nói, số lượng tác phẩm của ông chỉ có một tiểu
thuyết Nỗi buồn chiến tranh và ba tập truyện ngắn: Truyện ngắn Bảo Ninh; Lan
man trong lúc kẹt xe và Chuyện xưa kết đi, được chưa?. Hầu hết các chuyện của anh đều lấy bối cảnh chiến tranh, dù không miêu tả trực tiếp, nhân vật trong tác phẩm của anh dù trải qua chiến tranh hay là đứng bên ngoài nó thì trong kí ức nhân vật chiến tranh đều để lại một dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời nhân vật. Những tác phẩm viết về chiến tranh của Bảo Ninh là tiếng nói thống thiết về đau thương, hi sinh mất mát, và một điều không thể thờ ơ đó là sự quên lãng, sự hớn hở một cách thản nhiên và dễ dãi với chiến thắng mà cái giá của nó là hàng triệu đồng đội của anh phải trả cho chiến thắng và hòa bình hôm nay. Anh đã viết về cuộc chiến tranh của anh gần bằng cả máu của mình bằng tất cả sự say đắm đến cùng của một người từng ở tận đáy của cuộc chiến đem hết cả tuổi trẻ và cả cuộc đời mình góp phần vào cuộc chiến tranh ấy. Đọc tác phẩm của anh, người đọc có thể nhận ra đó là một nhà văn sống nội tâm sâu sắc, suy tư dằn vặt trước những vấn đề liên quan đến nhân phẩm, nhân cách của con người trước và sau chiến tranh, anh là người dường như sống nhiều với quá khứ, quá khứ luôn hiện về trong anh “rối bời, bấn loạn” không một trật tự trước sau. Bảo Ninh đã tạo nên một lối văn lạnh lùng mà sôi nổi tàn nhẫn pha sự chua chát thương cảm, tuyệt đỉnh hạnh phúc nhưng cũng tận cùng khổ đau. Lời văn Bảo Ninh thì như có nhạc, có thơ và cả hội họa điêu khắc nhưng có khi lại là tiếng khóc, tiếng nức nở, tiếng nỉ non của rừng đại ngàn, của hồn ma, tiếng thét gào dữ dội của không gian, thời gian, quá khứ, hiện tại, tương lai. Bảo Ninh không mang đến cho người đọc một sự nhàm chán về lối viết văn đã cũ: lối viết truyền thống, lối viết minh họa, lối viết công cụ, sự vụ mà luôn mang đến cho người đọc sự bất ngờ, một sự suy nghĩ dằn vặt đớn đau về quá khứ về cuộc chiến tranh của riêng anh.
Cuối năm 1996, Bảo Ninh về làm việc ở Văn nghệ trẻ. Không giống như nhiều người làm văn nghệ ở nước ta, Bảo Ninh tương đối kiệm lời. Anh không xuất hiện trên các kênh thông tin đại chúng, trong các chương trình giao lưu, anh như đang cố dấu mình trước thiên hạ. Bảo Ninh không nổi giận bao giờ, ngay cả khi người ta phê phán anh một điều gì đó rất ác ý. Anh chỉ nhún vai và ngọ nguậy cái đầu rồi nói một câu gì đó mà chẳng ai nghe thấy. Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài ẩn dấu một trái tim nhân hậu, nhạy cảm với cuộc đời như nhà văn Phong Điệp nhận xét: “Bảo Ninh là người đặc biệt. Dáng vẻ xù xì, bất cần, và tính cách ngại giao tiếp, không hoạt ngôn của anh dễ khiến người khác cảm thấy khó gần. Từng có thời gian công tác cùng với anh, nhưng thú thực phải mãi đến lúc anh rời báo, tôi mới thực sự hiểu được Bảo Ninh. Bảo Ninh là người lịch lãm, tinh tế, cẩn trọng và sắc sảo. Bên cạnh cuốn tiểu thuyết quá nổi tiếng, thì những truyện ngắn, những bài báo ký bút danh khác của Bảo Ninh cũng rất đáng đọc. Anh chưa bao giờ viết ra một bài, một
chữ nhảm nhí nào. Từng câu, từng chữ, đều được anh cân nhắc kỹ càng.” (nguồn:
http://caulongbacchai.com). Bạn thân thường gọi anh với cái tên “Thân phận” thay cho cái tên Bảo Ninh đã quen thuộc với độc giả dường như họ thấy ở anh có gì đó
rất giống số phận của tác phẩm Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh).
“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, câu nói đó thật đúng với Bảo Ninh. Bạn đọc có thể đếm được sáng tác của anh, kể tên từng tác phẩm, nhưng đọc tác phẩm nào là nhớ như bị “đóng đinh” vào trí não bởi một giọng văn đậm chất trữ tình, một tâm hồn nhân hậu, một cây bút đầy trách nhiệm với cuộc sống, với đất nước, với tư cách là một nhà văn từng đi qua chiến tranh và viết về chiến tranh một cách chân thực, lãng mạn, xúc động và đầy nhân văn. Với những đóng góp không nhỏ đó, Bảo Ninh xứng đáng được vinh danh như một gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Việt Nam.
1.2.2. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Năm 1991 có ba cuốn tiểu thuyết được trao giải nhất của Hội nhà văn là:
Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của
Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Trong đó, Mảnh đất lắm người
những tác phẩm sớm được dư luận khẳng định còn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh lại có một số phận đặc biệt sóng gió. Tác phẩm không có cốt truyện, tình tiết rành mạch mà chỉ là những mảng hồi ức của nhân vật Kiên, một người lính tiểu đoàn 27 độc lập hoạt động trên địa bàn B3 còn sống sót, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua và về mối tình với cô bạn học trường Bưởi tên Phương. Bằng những kí ức chắp nối, tác phẩm như là những độc thoại của Kiên về thân phận con người. Tình yêu và chiến tranh, hai chủ đề, hai nỗi buồn thấm vào nhau, hòa lẫn nhau, da diết, xót xa, hủy diệt.
Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất
nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân
phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Có lẽ vì thế, trong hơn 10 năm,
tác phẩm đã bị cấm, không được in lại; mặc dù vậy, Nỗi buồn chiến tranh lại rất nổi
tiếng ở nước ngoài: năm 1994 cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank
Palmos và Phan Thanh Hảo, với tựa đề The Sorrow of War, được ca tụng rộng rãi,
và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói viềt chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây.
Bên lề tác phẩm có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau: khen, chê, đối chọi nhau gay gắt bằng khẩu chiến, bút chiến, nhưng khoa học nghệ thuật bao giờ cũng có chân lý của nó, những gì có giá trị thực sự nó sẽ được trả xứng đáng. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về nỗi buồn chiến tranh chứ không phải là khúc khải hoàn chiến thắng. Vấn đề đặt ra ở đây là cách nhìn cách nghĩ về chiến tranh, chỉ là cái nhìn về chiến tranh chứ không phải là cuộc chiến tranh nào cả.
Năm 1991, tuần báo Văn nghệ tổ chức một cuộc thảo luận về tiểu thuyết
Thân phận tình yêu quy tụ rất nhiều các ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học có uy tín như: Trần Đình Sử, Nguyễn Phan Hách, Cao Tiến Lê, Vũ Quần Phương, Nguyên Ngọc, Phạm Tiến Duật...Sau đó các ý kiến này được đăng tải trên báo Văn nghệ số 37 năm 1991. GS. Trần Đình Sử cho rằng: “Tác giả đã trừu tượng bớt đi cái phần mục đích, chiến công, nhân tố thắng lợi để chỉ kể lại cuộc chiến
tranh với tất cả tính chất...chiến tranh của nó...Có thể nói tác giả đã lộn trái cuộc chiến tranh ra để ta được nhìn vào cái phía trong bị che khuất lấp một chỗ trống
chưa được lấp”; Ngô Văn Phú thì khẳng định: “Cuốn tiểu thuyết được giải thưởng
là cái được lớn của văn chương. Đây đích thực là văn chương”. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Đây là một cuốn sách nghiền ngẫm về hiện thực...tác giả với tư cách hoàn toàn của người trong cuộc, không đứng ngoài, đứng trên, nhìn ngắm mà
đứng trong, thậm chí ở tận đáy của cuộc chiến tranh”;v.v..Cũng trong phạm vi cuộc
tranh luận này, ngoài những ý kiến đánh giá về thành tựu của tác phẩm thì bên cạnh đó cũng còn có những ý kiến chưa tán đồng hoặc phủ nhận. Từ Sơn cho rằng: “Âm hưởng của tác phẩm còn đậm chất bi, âm hưởng hùng còn bị chìm lấp đâu đó, chưa
tạo nên đầy đủ nét bi hùng của một thời đại đã qua”; Vũ Quần Phương lại viết:
“Anh đánh mất hào khí rất đẹp của những năm tháng ấy” và “có cảm giác tác giả có điều gì đó không hài lòng nên có cái nhìn thiên kiến, có chỗ cực đoan. Đọc những
chi tiết khủng khiếp, đay nghiến, ta thấy tác giả ác”;Nhà văn Hồ Phương vừa khẳng
định “đây là một cuốn sách hay viết về chiến tranh”, nhưng cũng lại cho rằng:
“càng đọc về cuối càng có cảm giác cộm lên: tác giả đã dần đánh mất khá nhiều sự chân thật, trong suốt, hết sức tự nhiên của mình. Bàn tay tác giả mỗi lúc một lộ ra
trong mọi việc, mọi người. Sự cường điệu cũng lộ ra càng đậm nét”, còn cái nhìn
của nhà văn về chiến tranh: “Sao tăm tối thê thảm. Dường như chỉ thấy có chết chóc và khổ cực. Dường như chỉ thấy có mất mát và tan hoang, ghê rợn...Cũng chính vì thế, ở đây lí tưởng của cuộc chiến, cuộc sống đã không được chú ý tới một cách
đúng mức”. Đặc biệt Đỗ Văn Khang với bài “Nghĩ gì khi đọc Thân phận tình yêu”
(báo Văn nghệ số 43 năm 1991) đã phủ nhận hoàn toàn giá trị của tác phẩm, Trần
Duy Châu trong bài viết “Từ đâu đến Nỗi buồn chiến tranh” (đăng trên Tạp chí
Cộng sản, số 10 năm 1994) đã không tiếc lời phê phán. Năm 2003, sau hơn 10 năm
vắng bóng trên văn đàn, Nỗi buồn chiến tranh lặng lẽ được xuất bản, cùng với một
loạt các bài viết, các công trình khoa học nhằm đưa ra một cách tiếp cận mới về tác phẩm để trả lại “danh phận” cho cuốn sách - “Tác phẩm xuất sắc nhất của Văn học Việt Nam trong vòng hai mươi năm qua, nó không chỉ là viết về chiến tranh, mà còn là sự chứng thực bề sau và bề sâu những biến động của xã hội và con người
Việt Nam đi qua chiến tranh và cách mạng”. (Phạm Xuân Nguyên, Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nhìn từ Mỹ, http://www.sachhay.com). Trong số đó, chúng tôi chú ý đến bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình như Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Ngọc Bích, Khương Thị Thu Cúc, Đoàn Cầm Thi, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Văn
Hiểu. Qua đánh giá của các tác giả, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm
đặc sắc, tiêu biểu cho sự đổi mới về nghệ thuật của Văn học Việt Nam hiện đại, thể hiện tài năng của một cây bút có tâm và có tầm với nghệ thuật, với cuộc đời và con
người. Trong bài viết Nỗi buồn chiến tranh viết về chiến tranh thời hậu chiến - từ