Khuynh hướng triết luận

Một phần của tài liệu Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kỳ mới (Trang 28)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.1.3.3. Khuynh hướng triết luận

Cảm hứng triết luận hay triết lý là sự bình luận, lí giải, phân tích về một vấn đề thông qua hình tượng nghệ thuật so với sức mạnh của lí trí tỉnh táo, gắn liền với việc soi xét đối tượng dưới các góc độ văn hóa, lịch sử, và triết học. Trong văn học Việt Nam, từ trước Đổi mới, khuynh hướng này đặc biệt trở thành một nét nổi bật

trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu với Bức tranh, Bến quê, Dấu vết nghề

nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa ,v.v, và đặc biệt nhà văn Nguyễn Khải với một loạt

cuối năm, Cha và con và..., Thời gian của người, v.v. Sự gia tăng yếu tố triết luận trong văn xuôi thời kỳ Đổi mới là một đặc điểm quan trọng. Sự phát triển của khuynh hướng tiểu thuyết giàu tính triết luận là một biểu hiện thể hiện rõ sự trăn trở trong suy tư của người cầm bút về những vấn đề của con người và đạo đức nhân sinh.

Những tác phẩm viết theo khuynh hướng triết luận ra đời trong thời gian gần đây phần nào biểu hiện nhu cầu tuyên ngôn về quan niệm sáng tác của người cầm bút tại thời điểm văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đặt ra yêu cầu đổi mới, cách tân thể loại. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều tác phẩm tiểu thuyết thời kỳ này thường xuất hiện hình ảnh nhân vật nhà văn. Với cuốn tiểu thuyết đầu tay gây

nhiều tranh cãi: Cơ hội của chúa do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1999,

Nguyễn Việt Hà đã xây dựng một loạt các nhân vật mà trọng tâm là giới trí thức

(đặc biệt là nhân vật nhà văn Hoàng). Tiểu thuyết Cơ hội của chúa có sự phong phú

của rất nhiều chủ đề, từ tình yêu, tình bạn, tình anh em đến các lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị, v.v, và sự đa dạng của một loạt các nhân vật mà trọng tâm là giới trí thức. Tác phẩm bộn bề những nhân vật, sự kiện đã thể hiện suy ngẫm của nhà văn về nhiều vấn đề trong thực tiễn xã hội mà trọng tâm là mối quan hệ giữa trí thức và cuộc đời, về tôn giáo, v.v.

Sau tiểu thuyết Cơ hội của chúa và thành công của tập truyện ngắn Của rơi

(2005), nhà văn Nguyễn Việt Hà tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Khải huyền muộn.

Cũng giống như sáng tác trước đó, Khải huyền muộn là một tiểu thuyết tương đối

khó đọc với độc giả thông thường. Với một cấu trúc tác phẩm mang “hơi thở” của cuộc sống đương đại giữa rất nhiều các sự kiện đan xen và đều dang dở như chính nó, tác giả Nguyễn Việt Hà đã cố gắng thể hiện quan niệm về công việc viết văn của mình, của những người trong giới với mình. Dường như tác giả chỉ làm công việc là kể lại, viết lại chính những gì mình đang trải qua, đang làm (viết văn). Trong tác phẩm, nhà văn không đưa ra một tuyên ngôn “đao to búa lớn” về Chân – Thiện – Mỹ mà chúng ta thường bắt gặp. Đằng sau những câu chuyện dường như không có kết thúc ấy tác giả muốn nói điều gì? Sống thật khó sống và công việt viết văn là

công việc không dễ dàng gì nhưng vẫn phải viết, dù biết công việc viết văn ấy ẩn tàng rất nhiều may rủi nhưng vẫn phải viết vì nó là thiên chức của người cầm bút.

Có thể thấy, từ Cơ hội của chúa tới Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà đã

thể hiện suy ngẫm của người trí thức về tình yêu cuộc sống, khát vọng sống chân chính và đặc biệt là gửi gắm không ít các ý tưởng nhằm nói về chuyện nghề, về công việc tìm kiếm một lối viết mới, Nguyễn Việt Hà là nhà văn đương đại tiêu biểu có những đóng góp nghệ thuật tích cực vào công cuộc cách tân thể loại văn xuôi, tiểu thuyết đang diễn ra sôi nổi hiện nay đồng thời, các tác phẩm đã thể hiện sự dũng cảm của nhà văn trong việc tạo dựng phong cách nghệ thuật độc đáo.

Trong xu hướng vận động nói chung, hầu như ở các tác phẩm tiểu thuyết từ sau Đổi mới ít nhiều đều thể hiện những băn khoăn, suy ngẫm của nhà văn trước những vấn đề nhân sinh của đời sống. Bộ phận nhóm sáng tác này phần nào đã phản ánh nhu cầu được nói lên những suy nghĩ, trăn trở của nhà văn trước những vấn đề có liên quan trực tiếp tới số phận con người, nhân dân, đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Thuộc thế hệ các nhà văn đương đại sớm thành danh, Tạ Duy Anh là cây bút sung sức không chỉ ở lĩnh vực tiểu thuyết mà còn ở rất nhiều truyện ngắn.

Tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh ngay khi ra mắt lần đầu tiên đã thu

hút sự chú ý mạnh mẽ của độc giả ở nhiều lứa tuổi. Với một cuốn sách chỉ có độ dày hơn một trăm trang nhưng tác phẩm phản ánh được nhiều vấn đề hiện thực cuộc sống cũng như chuyên chở và truyền tải trọn vẹn thông điệp của tác giả. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là một đứa trẻ hài nhi trong bụng mẹ. Nhưng câu chuyện được nghe bởi một bào thai, trong một bệnh viện phụ sản, nơi những người mẹ, dù muốn hay không muốn có con, đã cho thấy sự cạn kiệt về nhân tính ở con người trong một đời sống hiện đại đã trở thành phổ biến. Bên cạnh hiện thực tàn nhẫn tràn

đầy khắp các chi tết, Thiên thần sám hối là tiểu thuyết mang tính luận đề rất cao.

Tác phẩm là câu hỏi nhức nhối về thân phận con người, là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với con người về những giá trị nhân bản trong đời sống. Và qua việc thể hiện cảm nhận bi đát về cuộc đời, nhà văn Tạ Duy Anh cũng gieo vào lòng người đọc một niềm hy vọng về sự sống, về lòng nhân ái và sự dũng cảm đối mặt với cái ác, cái ồn tạp trong cuộc đời khi vẫn để đứa bé hài nhi chào đời.

Các tác phẩm tiểu thuyết thuộc khuynh hướng triết lý trong thời kỳ Đổi mới đã cho thấy sự sáng tạo đáng ghi nhận cả về mặt thi pháp và nội dung biểu hiện. Tiểu thuyết triết lý phần nào đã phản ánh được những suy tư, chiêm nghiệm, đúc kết, lý giải của nhà văn về cuộc đời, con người và các vấn đề có mối quan hệ mật thiết với đời sống nhân sinh. Chất triết lý trong các sáng tác đương đại có thể được các nhà văn bộc lộ trực diện bằng lời văn trên trang viết hoặc thông qua việc xây dựng hình tượng hay cách đặt vấn đề,.v.v. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, với các sáng tác này, nhà văn đã để lại những khoảng lặng cho người đọc tự ngẫm và đưa ra những câu trả lời cho riêng mình.

Một phần của tài liệu Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kỳ mới (Trang 28)