Chiến tranh được nhìn từ góc độ nỗi buồn

Một phần của tài liệu Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kỳ mới (Trang 74)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.3.1. Chiến tranh được nhìn từ góc độ nỗi buồn

Khác với các nhà văn trong chiến tranh viết về chiến tranh với nhiệm vụ tuyên truyền cổ động cho cuộc kháng chiến của dân tộc, thường có cái nhìn ngợi ca một chiều, nhấn mạnh tính chất lí tưởng, anh hùng của cuộc kháng chến. Bảo Ninh và các nhà văn hậu chiến viết về chiến tranh sau chiến tranh đã thoát khỏi lối mòn

đó, họ nhìn nhận chiến tranh ở cả bề sâu và bề sau. Việc khám phá hiện thực chiến tranh ở những vùng khuất tối nhưng vô cùng quan trọng đối với cuộc sống, cho thấy Bảo Ninh là cây bút đầy trách nhiệm đối với con người và cuộc đời.

Nét mới mẻ trong việc viết về chiến tranh của Bảo Ninh là nhà văn đứng trên lập trường thân phận Con người, là cái nhìn, sự suy nghiệm của cá nhân về lịch sử chứ không đứng trên lập trường của cộng đồng về lịch sử. Vì thế, chiến tranh trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Bảo Ninh hầu hết được nhìn từ góc độ của nỗi buồn.

Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh chiến tranhlà những năm tháng buồn bã của

đám trinh sát qua sự hồi tưởng của Kiên. Đó là những ngày mưa liên miên, những ngày im tiếng súng – trinh sát dựng lán ở ngay trên bờ suối, họ đốt nỗi buồn chiến tranh bằng những cuộc vui chơi: “đi săn, đặt bẫy, tổ chức duốc cá và tối tối chơi bài”, còn kỳ quái hơn: “đám trinh sát bọn Kiên ngồi rỗi bày trò phơi sấy, thái nhỏ hoa, lá và rễ hồng ma trộn với sợi thuốc rê” nhờ khói hồng ma tạo ra ảo giác, tạo ra mộng mị, “có thể nhờ khói hồng ma mà quên mọi nông nỗi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên béng ngày mai”. Đó là những ngày: “trong mưa đại bác vang rền nặng nề thúc dội ra ngoài trăm dặm điềm báo trước một mùa khô hung gở đang áp tới bên trời”. Rồi những mùa thu não nề, đời sống mục ra. Theo Kiên: “chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Đó là nỗi buồn kéo từ năm này qua năm khác trong cõi lòng nhà văn Kiên, nỗi buồn bước qua chiến tranh mà dư âm của nó như vết thương lại đau mỗi khi gió trở mùa. Bảo Ninh viết: “đau buồn là một thể nguyên khối suốt cuộc đời, liền một mạch từ thơ ấu, qua chiến tranh đến bây giờ”[Bùi Việt Thắng (1991), “Văn xuôi gần đây và quan niệm con người”, [Văn học, (6), tr17, 192]. Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn về tình yêu theo năm tháng lớn đầy trong ký ức của Kiên: “theo dần năm tháng những luồng sinh khí ấy đã đậm lại trong lòng anh, hòa vào trong tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn của chiến tranh”. Kiên phải chứng kiến bao nhiêu là cái chết của đồng đội, đó là Can, Hòa, Thịnh “nhớn”, Thịnh “con”, Oanh, Cừ, Tâm, Tạo

“voi”,…bao con người sống bên anh nhưng phút chốc đã trở thành những hồn ma bóng quỷ bởi chiến tranh.

Cũng vậy, mỗi truyện ngắn của Bảo Ninh đểu để lại một dư vị nỗi buồn.

Truyện ngắn Trại bảy chú lùn là nỗi buồn cô độc: “Cơ ngơi cuả Y Nua lớn dần lên

nhưng gian khổ còn lớn mau hơn. Nhưng nặng nề nhất, khổ nhất là cảnh cô độc…Cô độc kinh người giữa bốn bề rừng già vây bọc”, “thật não nề…Như bị bỏ quên”. Nỗi buồn ấy bàng bạc, lan tỏa cả câu chuyện về một người lính hậu cần. Hay

nỗi buồn sầu thảm của ông Phúc trong Thời tiết của ký ức, một nỗi buồn kéo dài

đằng đẵng cho đến gần cuối đời. Trong Rửa tay gác kiếm phần lớn tác giả thể hiện

nỗi buồn đau của anh em binh lính khi chiến tranh đi qua, nỗi ám ảnh bi thương về quá khứ…Hầu hết các truyện ngắn Bảo Ninh thường đưa ra những cảm nhận, suy nghĩ về nỗi đau buồn của chiến tranh. Nhà văn viết: “Nếu rồi đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả, bởi có nỗi khổ

nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh” (Rửa

tay gác kiếm)

Nỗi buồn chiến tranh còn thể hiện qua những hoàn cảnh éo le, bi kịch. Đó là

nỗi éo le của người bố cứu con người khác mà không thể cứu được vợ con mình (

ẩn của làn nước), đó là nỗi nuối tiếc về một lá thư không kịp bóc (Lá thư từ Quí

Sửu). Hay nỗi ngậm ngùi về một ông già mất trí, mãi xót xa vì một chuyến hỏa xa

không bao giờ trở lại (Ngôi sao vô danh). Là nỗi buồn của người lính sau chiến

tranh trở về quê hương với cảm giác “lạc loài” (Hữu khuynh). Nỗi buồn chiến tranh

còn thể hiện lớn hơn trong sự đau buồn, thương nhớ của người mẹ già trong lần giỗ

thứ ba mươi của con (Mây trắng còn bay),v.v. Đặc biệt nỗi đau của người lính khi

nhận ra tính chất vô nghĩa, nhỏ nhoi, thảm hại của con người, của cái chết trong

chiến tranh (Mùa khô cuối cùng). Rõ ràng hiện thực mất mát của chiến tranh trong

văn học hậu chiến không còn bị né tránh nữa, và bây giờ nếu viết về chiến tranh mà không viết những đổ máu khắc nghiệt thì đó là “tác phẩm vô đạo đức” (Simonop). Hơn nữa “mô tả chiến tranh chỉ giữ lại những cái anh hùng, vứt bỏ tất cả những cái khác có nghĩa là bỏ rơi rất nhiều bài học chiến tranh. Không miêu tả những chi tết

nặng nề, bi thảm của chiến tranh là xuyên tạc bộ mặt chiến tranh trong ý thức nhân loại” [Ngô Thảo (2001), Văn học về người lính, Nxb Quân đội nhân dân]

Một điểm khác biệt nữa trong việc thể hiện hiện thực chiến tranh trong sáng tác của Bảo Ninh đó là nhà văn luôn đan cài chiến tranh với tình yêu. Việc song hành giữa một biểu tượng của chết chóc, hủy diệt với một biểu tượng của sự sống, của hạnh phúc và bình yên đã giúp nhà văn đi sâu phát hiện, lí giải các vấn đề xảy

ra trong và sau chiến tranh. Ở tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, câu chuyện của nhà

văn Kiên là câu chuyện về tình yêu và chiến tranh. “Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn tình yêu thấm vào nhau, hòa lẫn nhau, da diết, xót xa, hủy diệt, đó là hai nhịp mạnh của tiểu thuyết” [Đỗ Đức Hiểu, (2004), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,266], chiến tranh với những “ngày dài tận thế”, những ngày mưa liên miên sầu thảm. Những người lính trinh sát như Kiên đã nướng nỗi buồn chiến tranh vào những cuộc chơi, ngoài những cuộc “tơi bời đỏ đen” trong hồi tưởng buồn đau của Kiên là những câu chuyện về tình yêu. Toàn bộ thiên truyện là sự hòa quyện của chiến tranh và tình yêu, mỗi khúc đoạn của chiến tranh là sự hoài nhớ về một mối tình. Nhớ về Hạnh, Kiên nhớ về những ngày tháng Hà Nội trước chiến tranh, “Lần đầu tiên trong đời, anh cảm thấy không phải bằng mắt mà bằng cả thính giác sự sát kề bên mình một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây ngây của đôi vai…”. Nhờ những cảm xúc đầu tiên ấy, Kiến mới bước vào tình yêu đầy đam mê, cuồng khấu với Phương. Nhớ về Lan, Kiên nhớ về Đồi Mơ, về những ngày tháng huấn luyện đầu tiên trước khi bước vào chiến trường đỏ lửa. Nhớ về Hòa – cô giao liên đường rừng xinh đẹp nhưng lại sinh ra ở vùng biển, là nhớ về những ngày tháng Kiên cùng đồng đội phải tạm thời rút lui để tránh một cuộc càn quét lớn. Hòa đã hi sinh một cách đau đớn để anh cùng đồng đội thoát khỏi một trận vây lùng thảm sát của lính Mỹ.v..v. Trong số những người con gái đi qua cuộc đời Kiên thì Phương Phương là người hội tụ tất cả những vẻ đẹp của người phụ nữ, là tình yêu của kiên với Phương: “Tất cả những nhân vật nữ mà anh say mê trong sáng tác của mình rút cuộc vẫn chỉ là những giấc mơ về Phương”[100,193]. Từ Lan, Hạnh, Hòa, đến người con gái câm: “là những mảnh sắc đẹp và những mảnh tâm hồn của Phương, họp thành bản sao của Phương làm nên chất thơ của quyển tiểu thuyết chiến tranh này và trong

chiến tranh hủy diệt” [Đỗ Đức Hiểu, (2004), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,269]. Đỗ Đức Hiểu xem Phương là người phụ nữ đẹp nhất trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Khẳng định điều này Đỗ Đức Hiểu chỉ ra Bảo Ninh đã miêu tả vẻ đẹp của Phương trên nhiều phương diện mà ở đó chiến tranh không thể nào tàn phá nổi. Trong hành trang người lính của Kiên có Phương. Phương cùng anh chạm mặt chiến tranh và theo anh suốt những năm tháng trận mạc. Chính vì vậy, cứ nghĩ đến Phương là chiến tranh lại hiện lên rõ nét trong tâm trí Kiên, từng trận đánh, từng mùa khô, mùa mưa. Mà có lúc nào Kiên không nhớ tới Phương, vì thế chiến tranh luôn sống trong Kiên, nó càng sống mãnh liệt hơn trong thời bình nhất là khi Phương quyết định rời bỏ Kiên. Cả một đời mình Kiên đã gắng quên Phương nhưng không thể nào quên: “Phương vẫn là toàn bộ cuộc sống tinh thần”, và nỗi nhớ về Phương luôn đi cùng nỗi nhớ về chiến tranh, về nỗi đau buồn mất mát mà chiến tranh để lại khiến Kiên trở thành một kẻ “lạc loài”, “ăn mày kí ức”, không thể hòa nhập vào cuộc sống thời bình, trở thành người “mắc cạn trong cõi đời”.

Cũng vậy, mỗi câu chuyện trong từng truyện ngắn Bảo Ninh đều lấy chất liệu chiến tranh để làm nổi bật tình yêu hoặc ở đó là sự hòa quyện của chiến tranh

và tình yêu. Truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” kể về tình yêu tha thiết của Mộc đối

với Nga, một mối tình câm lặng, đớn đau. Tình yêu của Mộc đối với Nga âm thầm từ năm này qua năm khác, nó câm lặng như cuộc sống mòn mỏi, cô đơn của Mộc. Đọc câu chuyện này độc giả có thể tưởng tình yêu là cái phông lớn, là chủ đề chính của truyện. Nhưng thực ra chiến tranh là yếu tố cốt lõi được miêu tả qua lăng kính của tình yêu. Nói cách khác đề tài tình yêu và đề tài chiến tranh đã xuyên thấm, hòa

quyện vào nhau. Hà Nội lúc không giờ lại khắc họa mối tình nảy sinh nơi khu xóm

bình yên của bầu trời Hà Nội. Thế nhưng niềm hạnh phúc chung vui của những đứa trẻ con ở khu nhà số bốn cũng đến lúc “tan đàn xẻ nghé” mỗi đứa dấn thân vào mỗi chiến trường khác nhau. Tình yêu thời trẻ như một điểm nhấn trong cuộc đời của họ. Cũng âm thầm, lặng lẽ, cũng đớn đau và hạnh phúc như bao tình yêu lứa đôi trong cuộc đời.

Thế giới tình cảm vốn vô cùng phong phú, khai thác tình yêu trong hoàn cảnh chiến tranh buộc Bảo Ninh phải dẫn dắt người đọc đi hết hoàn cảnh chiến

tranh này đến hoàn cảnh chiến tranh khác. Rửa tay gác kiếm là một ví dụ, tác giả đã miêu tả tình yêu của Quang với vợ và cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của nhân vật “tôi” và

Loan, rồi lại chìm đắm trong giấc mơ về chiến tranh. Trái lại truyện ngắn Khắc dấu

mạn thuyền lại đặt tình yêu dưới tiếng bom rơi đạn nổ - đăm đắm một thiên mệnh mờ mịt – ghi lại dấu ấn một lần gặp gỡ. Đau đớn hơn cả là tình yêu của một cô ca sĩ

Ngụy quyền với người lính Bắc Việt trong truyện ngắn Mùa khô cuối cùng. Tình

yêu nồng nhiệt, mạnh mẽ của họ nếu trong thời bình đã nảy sinh một kết thúc tốt đẹp. Nhưng chiến tranh..! Chiến tranh không có đất sống cho tình yêu cá nhân. Cái éo le và bi thảm của mối tình giữa Diệu Nương (cô ca sĩ Ngụy quyền bị lạc vào vùng giải phòng) và Tuấn (anh lính phụ tá anh nuôi) ở chỗ Tuấn bị ràng buộc sinh tử vào bổn phận với cuộc chiến tranh, trong khi Diệu Nương sa vào một cảnh sống lầy lữa - sẽ ngang với cái chết nếu không thể thoát ra; mà lối thoát duy nhất vào lúc ấy chỉ có được nếu Tuấn từ bỏ bổn phận chiến đấu của mình trong cuộc chiến. Đó là một đối chọi hoàn toàn không đối xứng giữa một bên đòi buộc nhân cách cộng đồng với một bên đòi buộc nhân cách cá nhân, mà cả hai đều cấp bách như nhau. Bất kỳ lựa chọn về phía nào thì cũng là tìm cách phủ nhận cái thân phận mà mình đã lâm vào. Nhưng rất thường xuyên, cái thân phận ấy phủ định cái lựa chọn của họ - cái lựa chọn có thể đáng giá bằng mạng sống hoặc bằng một món nợ tinh thần mà tâm trí người ta phải đeo mang suốt cuộc đời còn lại. Qua câu chuyện tình của Diệu Nương và Tuấn, chiến tranh được bổ sung thêm một nét tàn khốc: chiến tranh trà đạp nên những ước mơ bình dị, rất người, rất đời thường – ước mơ được sống, được yêu, được tôn trọng quyền cá nhân con người.

Như vậy, độ lùi thời gian là một lợi thế của Bảo Ninh để nhìn lại những gì đã xảy ra trong chiến tranh. Cái nhìn của hồi tưởng cho thấy cái quá khứ ấy cao hơn, lớn hơn, hư ảo hơn đồng thời là thực hơn. Đó là cái nhìn vào ý nghĩa, không phải nhìn vào sự kiện, biến cố, con người. Thời gian đã tạo cho nhà văn cơ hội nhìn chiến tranh như một hiện tượng xã hội tổng thể và nhất là cho phép nhà văn kiểm chứng những hậu quả xã hội của nó. Việc nhìn hiện thực chiến tranh ở vùng khuất tối của lịch sử đã giúp Bảo Ninh thoát ra những khỏi khuôn khổ sáo mòn của đề tài

chiến tranh, đem lại cho người đọc những âm hưởng mới của cuộc chiến tranh, phơi bày những mặt trái còn khuất lấp của cuộc chiến tranh.

Một phần của tài liệu Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kỳ mới (Trang 74)