5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.1.2. Hiện thực bất cập thời hậu chiến
Sau khúc khải hoàn, móng vuốt của chiến tranh vẫn không chịu buông tha người chiến thắng. Hòa bình, đó là điều vô cùng tốt đẹp cho dân tộc nhưng với một số người lính, hòa bình không song hành cùng hạnh phúc. Trong cảm nhận của
Kiên (Nỗi buồn chiến tranh): “Hòa bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và
xiêu đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui...Và anh đột nhiên thấy tràn ngập trong cảm giác cô đơn trơ trọi. Trơ trọi hơn bao giờ hết, trơ trọi từ đây”[100,119]. Có phải nguyên do cảm giác này như Trần Sơn, anh lính lái xe thu gom hài cốt liệt sĩ đát phát biểu: “Mẹ kếp, hòa – bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình. Mà những người được phân công nằm lại gác rừng lại là những người đáng sống nhất”[100,45]. Câu nói của Trần Sơn có phần bi quan nhưng nó cũng phản ánh một phần sự thật về những tiêu cực nảy sinh sau chiến tranh.
Chiến tranh đâu phải sẽ chấm dứt khi có kẻ thắng người bại, hòa bình đâu phải là chiến tranh ngủ yên trong quá khứ, đằng sau hòa bình, chiến tranh vẫn là nỗi nhức nhối đeo bám trong mỗi giấc mơ của những người lính. Mọi chuyện của chiến tranh tưởng như đã chấm dứt vào năm 1975, mọi chuyện tưởng như sẽ được “rửa tay gác kiếm”, ấy vậy mà có những người lính bước ra từ cuộc chiến lại bị rơi vào bi kịch, chủ yếu bởi những chấn thương tinh thần sâu sắc – kết quả của những kí ức
không thể phai mờ về cuộc chiến tranh triền miên, khủng khiếp đem lại. Trong Rửa
tay gác kiếm Khương đêm nào “cũng nói mớ và rên rỉ”, “ban ngày, nom anh hoàn toàn bình thường...song cứ đến nửa đêm. Khương bảo rằng hồi đang đánh nhau chẳng hề bị như vậy, chỉ từ hòa bình, nhập trại an dưỡng mới sinh ra thế”. Khương đau đớn không phải do vết thương tái phát, mà đau đớn bởi Khương: “mơ thấy lại cảm giác đau của những lần bị thương trước đây”. Người ta bảo đấy là di chứng từ
chiến tranh, có lẽ đúng – bởi con người xác thịt ấy từng phải “ăn đạn hàng chục lần, vỡ thịt toác xương” thế mà vẫn sống, vượt qua chết chóc, nghiến răng gượng dậy được để rồi bây giờ trong thế giới vô thức anh “lần hồi duyệt lại các vết thương”. Không chỉ có Khương mà còn rất nhiều người lính khác cũng bị chấn thương rất nặng về tinh thần “Tú chẳng hạn, luôn sống với trái bom CBU ném xuống rừng cao su Xuân Lộc. Hầm sập và Tú ú ớ ngạt thở, thấy mình bị chôn sống. Còn tôi, tôi mơ thấy mưa thuốc độc, mơ thấy rừng già trên bờ Ngọc Bờ Chiêng bị bọn Mỹ biến thành đại ngàn củi khô”.
Đặc biệt trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã thể hiện rất thành công bi
kịch của những người lính sau chiến tranh, cái mà người ta thường gọi là “hội chứng sau chiến tranh”. Đó là bi kịch của Kiên, Phán, Vượng, Sinh...Kiên là người may mắn sống sót tới ngày hòa bình, cũng là người đã chứng kiến biết bao cái chết nên hội chứng chiến tranh mà anh phải gánh chịu thật là kinh khủng. Nhân vật “tôi” nhớ lại chân dung Kiên: “Anh ta cao lớn mảnh dẻ, vẻ mặt không đẹp, lầm lì, có ánh nhìn man rợ. Da dẻ anh khô và sạm, thủng lỗ chỗ, đét lại như thuộc, lốm đốm vệt thuốc súng, môi mím chặt. Bên má một vết đạn bắn thẳng cày một rãnh sát vào xương”[100,294]. Khi Phương bỏ đi “Kiên rộc đi. Nhìn vào gương mà giật mình: tóc tai râu ria, hốc mắt, gò má, những nếp nhăn, vẻ suy tàn...Cái nhìn của anh làm nản lòng người. Một cái nhìn chằm chằm mà chẳng nhìn gì cả, trống rỗng, vô cảm...”[100,122]. Những miêu tả về ngoại hình ở trên cho thấy Kiên là một người từng trải qua nhiều đau khổ và có một cuộc sống nội tâm không yên ổn, không hạnh phúc. Kiên viết một cuốn tiểu thuyết mà không hề có ý định xuất bản. Ở đó, anh tự bộc bạch nỗi tuyệt vọng tinh thần: “Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này qua đêm thâu kia thử hỏi đã bao nhiêu năm ròng?”[100,50]. Anh không thể tự làm chủ được tâm hồn mình nữa. Những ký ức về chiến tranh dữ dội thường bất chợt ập đến làm Kiên luôn sống trong hoảng loạn. Liệu có bao nhiêu người trên trái đất này phải trải qua những giấc mơ giữa ban ngày kinh khủng như Kiên: “Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối rữa. Tôi tưởng
mình đang đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng chạp 72”[100,50]. Hiện tại bị biến thành quá khứ, hòa bình bị hình bóng chiến tranh xua tan biến, Kiên hoàn toàn đánh mất hiện tại: “Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang. Thót người lại trên giường tôi nín thở chờ đợi một trái hỏa tiễn từ tàu rà phụt xuống...Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng”[100,51]. Thức dậy sau những giấc mơ như vậy, Kiên thực sự trở thành một con bệnh tâm thần “trống ngực nện thùm thùm, tôi nhìn chằm chằm vào các góc tối cầu thang nơi các hồn ma rách nát thường vẫn hiện hình, ôm theo những vết thương đỏ lòm, toác hoác”[100,51], “Toàn thân tôi lạnh giá nhưng đẫm mồ hôi, cổ họng đau rát vì mê hoảng la hét, môi rớm máu, cúc áo ngủ đứt tung, ngực bị móng tay cào xoạc da. Và trái tim tôi run rẩy nhói đau, hồi hộp đập dồn như treo trên đầu sợi chỉ”[100,50]. Hình như sống lại nỗi đau một lần nữa, người ta đau hơn cả lần trước. Không sao chạy khỏi được ký ức ấy, Kiên đã trở thành một kẻ “dị mọ”, ngập chìm trong rượu, thành nhà văn phường gàn dở. Cuối cùng anh cay đắng nhận ra rằng: “Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi”[100,51]. Anh thấy mình “đã trở nên hoàn toàn sa đọa, đã trở nên thác loạn, đã ngập chìm trong tủi nhục, oán hờn và lú lẫn”
[100,110]. Rồi càng ngày Kiên càng thấm thía “nỗi buồn chiến tranh”, “nỗi buồn
được sống sót”. Một sự phi lí tột cùng, nhưng oái oăm thay nó lại là sự thực!
Còn nhân vật Phán dù chỉ xuất hiện một lần nhưng qua câu chuyện về cái chết của viên lính ngụy bị trọng thương trong mộ hố pháo giữa màn mưa ngất trời, người đọc biết anh cũng bị giày vò bởi ký ức chiến tranh mạnh đến mức nào. Suốt cuộc đời Phán không thể quên được cái chết thê thảm của viên lính ngụy ấy “cứ tưởng tượng cái chết từ từ man rợ không kém cái chết của người bị sa hố lầy đã đến với anh ta: nước ngập bụng dâng lên vai, tới cổ, chấm cằm, chạm vành môi, rồi nhân trung, kề ngang hai lỗ mũi...và bắt đầu sặc...Bao năm qua cứ nhìn cảnh mưa lũ là tim tôi lại như bị thọc dùi.”[100,102].
Còn Vượng, người lính lái xe tăng, luôn “bị những ký ức quá kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn”. Từ một “tráng sĩ hùng dũng” “đã từng bốn năm trời lái T54 hoành hành ở Miền Đông” anh trở thành một kẻ nát rượu bởi không thể quên được cái bạo tàn của chiến tranh: “Nặng thế mà thân xe vẫn bị xương thịt con người mềm mại đội lên một chút. Ngồi trong xe, ở tay lái thì càng nhạy cảm hơn với cái sự hơi rướn lên ấy. Biết rất rõ xe đang lướt trên những thân người chứ không phải mô đất, gốc cây hay là cục gạch. Như cái túi đẫy nước thằng người vỡ đánh bép một cái và đẩy nhẹ băng xích lên. Ối giời ơi? – Vượng rên lên, mặt méo đi – Những cảnh như thế cán cả vào khi tôi ngủ...Hồi bọn tớ tràn qua Xuân Lộc đuổi đánh bọn lính sư đoàn 18, ở các rãnh xích đầy những thịt với tóc. Giòi lúc nhúc. Thối khẳn. Xe chạy tới đâu ruồi bâu tới đấy...”[100,81]. Làm sao con người còn có thể tìm lại được sự bình yên sau những trải nghiệm ghê rợn như vậy?
Như vậy, qua những trang viết của mình, Bảo Ninh khẳng định dẫu chiến tranh đã kết thúc nhưng ký ức về nó vẫn là nỗi đau ám ảnh suốt đời mỗi người lính, nỗi đau mất mát đồng đội, nỗi đau phải bỏ một phần thân thể trên chiến trường. Chiến tranh có người còn sống, lành lặn trở về nhưng tâm hồn bị chấn thương nặng nề. Những kỷ niệm, hồi ức về chiến tranh vẫn không thôi ám ảnh, gây nhức nhối. Giờ đây, người ta nói nhiều đến cái giá máu xương cho cuộc sống hòa bình nhưng sẽ không bao giờ người ngoài cuộc hiểu hết được những bi kịch tinh thần ghê gớm mà người lính trực tiếp cầm súng đã phải trải qua. Bằng vốn sống và tài năng của mình, có thể nói Bảo Ninh là nhà văn Việt Nam viết về cuộc sống hậu chiến thành công nhất với những nhân vật bị chấn thương bởi chiến tranh, những người bị “mắc kẹt” trong thời bình, trở thành những người “ăn mày” kí ức và mãi mãi không bao giờ họ chữa lành vết thương tâm hồn để sống một cuộc sống bình thường như mọi người.