5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
3.2. Đổi mới về giọng điệu
3.2.1. Giọng điệu trần thuật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán-Trần Đình Sử-Nguyễn Khắc
Phi đồng chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004): “Giọng điệu trần thuật là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm”
Giọng điệu trần thuật là phương diện quan trọng trong nghệ thuật trần thuật tạo nên sự liên kết giữa các yếu tố hiện thực khác nhau làm cho tác phẩm có chung một âm hưởng. Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu. M.Ba khatin gọi giọng
điệu nghệ thuật là một hiện tượng “Siêu ngôn ngữ”. Ông cho rằng giọng điệu bao
giờ cũng thể hiện thái độ, lập trường tư tưởng của chủ thể đối với sự vật hiện tượng được miêu tả. Một nhà văn tài năng sẽ tìm được một giọng điệu độc đáo cho tác phẩm của mình. Cho nên giọng điệu đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Trong một tác phẩm để có được giọng điệu phù hợp với cốt truyện giọng điệu ấy phải có những sắc thái, âm hưởng khác nhau diễn tả đời sống trong sự phong phú và thú vị vốn có của nó. Chẳng hạn có lúc thì phải dùng giọng điệu mỉa mai châm biếm nhưng có lúc tác phẩm mang giọng điệu ngợi ca, bênh vực. Sức mạnh của tác phẩm văn chương là ở hình tượng
nghệ thuật, sức mạnh của hình tượng kết tụ ở lời văn và giọng điệu chính là “linh
hồn của lời văn ấy”. Một thời gian khá dài văn xuôi Việt Nam trước 1975 tương đối nhất quán về giọng điệu: khẳng định ngợi ca với thái độ tin tưởng, lạc quan, với những biến thái là giọng hào hùng đanh thép, hào sảng, vui tươi, tự hào. Nhưng văn xuôi sau 1975 chủ yếu đi vào diễn đạt con người đời tư, quan tâm đến cá nhân, cá thể. Nhà văn rất có ý thức về cá nhân mình: “Tôi thích mọi thứ không phải là nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ ở nhà khác trèo lên cây ổi nhà khác vặt quả...đều thích
hơn làm tại nhà mình, thích hơn bởi nó lạ và tôi chỉ cần lạ” [Phan Thị Vàng Anh –
Mười ngày]. Hay “Tôi viết truyện ngắn này, căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyện truyền thống ấy...còn tôi, tôi có cách kết thúc khác đấy là bí mật của riêng tôi” [Nguyễn Huy Thiệp – Trương Chi]. Trên cơ sở hình thức ngôn ngữ ta thấy giọng điệu của văn xuôi hết sức đa dạng. Bên cạnh giọng tự tin, tự hào, xuất hiện giọng
phù hợp với tinh thần “luôn luôn có sự nhận thức lại, đánh giá lại mọi thứ” (M.Bakhtin). Và sự xuất hiện giọng điệu ấy là khát vọng về chân lý là thái độ bình đẳng và tin cậy của nhà văn đối với bạn đọc. Đến với tác phẩm của Bảo Ninh bạn đọc thường bị mê hoặc bởi nỗi buồn tình yêu, nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn cuộc sống thời hậu chiến và nghệ thuật sáng tạo. Tác phẩm của Bảo Ninh sử dụng nhiều giọng điệu khác nhau khiến cho cách trần thuật thêm đa dạng, độc đáo, sắc thái thẩm mĩ thêm phong phú và tác động một cách đa chiều đến tư duy của người đọc, khiến cho người đọc nhìn cuộc chiến tranh, nhìn cuộc đời bằng con mắt động.
3.2.2. Giọng ngậm ngùi buồn thương
Với người nghệ sĩ giải tỏa cảm xúc là nhu cầu tự nhiên của con người. Nguyễn Huy Thiệp thể hiện nỗi buồn thương của mình bằng cách tạo ra những con người với những tâm trạng cô đơn, bị thất bại chủ nghĩa, là người luôn đi tìm kiếm cái đẹp. Nỗi buồn thương của Phạm Thị Hoài lại là thiếu tình yêu đồng loại, thiếu ý thức xã hội bầy đàn, là thế giới những nhân vật cô đơn, một thực trạng nghèo văn hóa. Một thế giới cô đơn bị phân rã, khó tạo ra chất bản nguyên của con người, con người bị tẩy trắng cá tính, trở thành kẻ không có mặt, biến thành những mô hình cứng nhắc. Còn Bảo Ninh lại mang đến cho con người một nỗi buồn: nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn tình yêu, buồn vì sự sáng tạo nghệ thuật, buồn về hiện tại đang ngày đêm diễn ra. Đây là giọng điệu chính trong những tác phẩm của Bảo
Ninh, nó chi phối từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đến các truyện ngắn.
Âm hưởng chung của Nỗi buồn chiến tranh là buồn thương, ngậm ngùi. Tác
giả đã tập trung khắc họa những tổn thương về tinh thần của con người. Sau những hào quang chiến thắng, con người chợt nhận ra mình mất quá nhiều, mình đã có những hành động hết sức tàn nhẫn, phi nhân tính, đã từng có lúc đê hèn nhất. Nhưng đó là những hành động tất yếu đã xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, một thời có nhiều sự hào hùng xong cũng không thiếu đau thương. Thời ấy đã
qua rồi, những hành động ấy đã lùi sâu vào dĩ vãng xong chính từ cảm hứng đó Nỗi
buồn chiến tranh đã xuất hiện giọng ngậm ngùi buồn thương tạo nên âm hưởng buồn triền miên trong tác phẩm. Nỗi buồn của Bảo Ninh thể hiện sâu sắc về số phận con người, họ bị trôi nổi trong cuộc chiến, không bến, không bờ và tuyệt vọng
không lối thoát: người thì trở về cõi vĩnh hằng, người trở lại với đời trong sự khiên cưỡng rối bời, day dứt về quá khứ khôn nguôi, và người trở về với cuộc sống đời thường lại là con người lập dị không sao hòa nhập được với cộng đồng. Họ là ai? Là những đồng đội, là bạn bè, người thân của Kiên, là những người phụ nữ Kiên đã gặp trong đời. Những kiếp người ấy hiện lên trong kí ức của Kiên, không tiểu sử thậm chí có những số phận chỉ là tiếng kêu, tiếng rú, những oan hồn, những tiếng nói vang vọng trong lương tâm của Kiên, họ đều bị cỗ máy chiến tranh nghiền nát và vùi dập một cách bạo tàn. Họ có một nỗi buồn ghê rợn, gai người khi bên bếp lửa theo tiếng đàn ghi ta bập bùng, quân lính thời 74 hát những lời ca khốc liệt làm
ớn lạnh những đêm trường khắc vào lòng ta sự ngậm ngùi buồn thương khó tả: “Ôi
chiến trận không bến không bờ...ngày mai hay hôm nay, hôm nay hay ngày mai, nói đi số mệnh ơi, bao giờ tôi sẽ...” [100,17]. Cuộc đời người lính vùi trong chiến trận nơi rừng sâu bốn bề mù mịt chỉ một màu mưa trĩu lòng, một màu núi màu rừng ảm
đạm và đói khổ, nơi thì im lìm chết lặng, nơi thì rền vang tiếng súng: “Sau những
tháng ròng liên miên rút lui là những đợt đại phản công dữ dội, rồi lại phải khiêng nhau mở đường máu chạy. Rồi lại phản công...Hết trận này đến trận khác nhưng đường chiến tranh vẫn hun hút mịt mù, tuyệt vọng vô phương” [100,17]. Thật buồn
thương khi người chiến sĩ cấp tập quăng mình vào cõi, một sống một chết: “Chân
trời chết chóc mở ra mênh mang vô tận, những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn...” [100,17].Vết thương khủng khiếp nhất mà chiến tranh để lại không chỉ là sự tổn thương và cái chết mà là nỗi buồn. Và thật buồn biết bao, ngậm ngùi
biết bao khi người lính cho rằng: “Hòa bình! Mẹ kiếp chẳng qua là thứ cây mọc lên
từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại chút xương”[100,46].
Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì còn tựa hồ như nỗi buồn tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông
bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là ngậm ngùi buồn thương, là niềm đau êm dịu. Nỗi
buồn chiến tranh của Bảo Ninh còn hằn những nỗi đau thể hiện trên khuôn mặt những người phụ nữ đi qua đời Kiên. Họ là biểu tượng cho cái đẹp và nhân tính, nhưng ẩn sau đó là cái buồn của sự hủy diệt. Hạnh xinh đẹp và đầy đặn là niềm mơ ước của bao chàng trai khu phố cũng bị vùi lấp trong chiến tranh không có tin tức gì
khi cô đi thanh niên xung phong. Hòa cô gái giao liên trẻ trung bên hồ Cá Sấu năm nào cũng phải đón nhận cái chết để cứu đồng đội, để mãi nằm lại nơi rừng sâu heo hút cô đơn không một bóng người với mãi mãi tuổi hai mươi trong trắng. Rồi nỗi buồn của cô y tá mắt nâu, chôn vùi đôi mắt hiền dịu ấy trong cỗ máy chiến tranh ác liệt, chôn vùi cái đẹp chốn bom rơi đạn lạc và không bao giờ được trở về cuộc sống đời thường. Còn ba cô gái nông trường 67 khát khao hạnh phúc tình yêu, khát khao mái ấm gia đình, họ có quyền được làm vợ làm mẹ nhưng thật ngậm ngùi và buồn thương biết bao khi họ phải chết một cách thê thảm (bị hiếp và giết chết) dưới bàn tay hung bạo của những kẻ mất hết nhân tính – bọn thám báo. Chiến tranh vùi dập tất cả những khát vọng dù là đơn sơ nhỏ bé nhất của con người. Nó làm cho con người bị băm vằm xé nát và đọa đầy cả thể xác lẫn tâm hồn. Đó là Lan cô con gái người mẹ nuôi năm xưa. Cô đã trở thành đá vọng phu nơi đồng không mông quạnh heo hút để chờ những người lính chiến trở về. Ngày qua ngày xuân sắc tàn phai, sức khỏe yếu dần xong cô vẫn chờ đợi trong vô vọng để được điều gì? Đặc biệt là Phương người phụ nữ có số phận và cuộc đời kì lạ trong chiến tranh. Cô gái có một
sắc đẹp: “Rực cháy sân trường Bưởi” nhưng vẻ đẹp ấy lạc thời và lạc loài, bất
kham đã bị dông bão của cuộc chiến tranh vùi dập không thương tiếc, bị làm nhục ngay thời khắc đầu tiên của cuộc chiến tranh, bị Kiên bỏ rơi và trở thành người đàn bà thác loạn. Cho dù trong lòng Kiên Phương vẫn là duy nhất, là vĩnh viễn tuổi thanh xuân nhưng hạnh phúc không mỉm cười với nàng: không tri âm, không người cứu vớt cuộc sống tẻ nhạt đơn độc đầy u ám tội lỗi. Phương cố vùng vẫy song nàng vẫn chỉ là cái bóng đơn côi vật vã đau đớn, dằn vặt giữa cuộc đời, nàng làn nạn nhân của cái đẹp bị hủy diệt trong chiến tranh không bến không bờ kia. Số phận của cha Kiên (họa sĩ mỹ thuật thời Đông Dương), của Dượng Kiên (nhà thơ tiền chiến) cũng thật là buồn đau. Đó là nỗi buồn không thể hòa nhập vào thời đại mới, nhưng lại có khả năng tiên cảm về một ngày mai đầy bất trắc. Họ trở nên cô độc, lẻ loi, trở thành những cái bóng hiu hắt của quá khứ trong thời hiện tại.
Trong Nỗi buồn chiến tranh còn có nỗi buồn dai dẳng truyền kiếp của cha
Kiên để lại cho anh. Kiên là kẻ cô đơn và lạc lõng giữa dòng đời từ tuổi ấu thơ: mẹ bỏ cha con anh ra đi, Kiên sống với người cha trầm lặng, mười bảy tuổi háo hức đi
vào cuộc chiến tranh, nhưng chiến tranh đã cướp đi của anh tất cả: tình yêu, tuổi trẻ và sự nghiệp. Bước ra khỏi chiến tranh anh là người may mắn nhất sống sót trở về nhưng anh không sao xóa nổi ký ức chiến tranh bởi anh bị quá khứ cầm tù với một thứ “thiên mệnh” thiêng liêng. Anh phải trải qua những vật vã trong sáng tác, những đau đớn trong cuộc đời với những nỗi buồn truyền kiếp mà cha anh để lại. Kiên cảm thấy mắc nợ chiến tranh, mắc nợ những đồng chí đồng đội đã hi sinh cho anh và anh cũng coi mình phải có thiên mệnh đem lại cho nhân loại một tác phẩm đặc sắc. Anh đã viết tác phẩm của mình bằng cách tìm lại ký ức và mối tình xưa, với cuộc chiến đấu xưa, viết một mạch không ngừng nghỉ về binh đoàn anh, sáng tạo đến kiệt quệ như thể tim đang rách dần, như thể bị xé nát, vắt kiệt đến giây phút cuối cùng. Cho dù phải viết khổ viết sở, viết quằn quại nhưng anh vẫn sẽ viết, viết như đập đầu vào đá như là tự tay tước vụn trái tim mình, lộn trái con người mình ra. Anh viết trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, anh lật tung, sới mọi thời gian, không gian cốt truyện, viết về nỗi buồn đau của chiến tranh, của tình yêu nghệ thuật. Bằng nỗi buồn của mình, Kiên nhanh chóng hoàn thành phần còn dang dở của cuốn tiểu
thuyết kia để một ngày mai: “Khi xuống với dòng nước đưa anh về cõi chết, nơi
những linh hồn thân thuộc đang đón chờ anh, anh sẽ thanh thản hơn, sẽ nhẹ nhàng hơn”. Kiên đã mang lại cho đời thiên truyện Nỗi buồn chiến tranh để cho thế hệ sau dù chưa qua cuộc chiến tranh nào cũng xin hãy xót xa, hãy trân trọng những tượng đài vinh quang được làm nên bằng máu, bằng những nỗi đau muôn đời.
Truyện ngắn Mùa khô cuối cùng là nỗi buồn sâu thẳm, mênh mông vô tận.
Câu chuyện nói về một tình thế éo le bi thảm về chuyện tình giữa một người lính và một cô ca sĩ bị kẹt lại trong vùng mới giải phóng vào thời điểm hiệp định Paris. Cái éo le, cái bi thảm không chủ yếu nằm ở kết cục đôi tình nhân bị bắn chết trong khi tìm đường chạy trốn khỏi vùng chiến sự, trốn về phía hoang vu rừng núi nhưng bình yên. Cái éo le và bi thảm là ở chỗ người đàn ông ở đây bị ràng buộc sinh tử vào bổn phận với cuộc chiến tranh, trong khi người đàn bà sa vào một cảnh sống lầy lữa – sẽ ngang với cái chết nếu không thể thoát ra, mà lối thoát duy nhất vào lúc ấy chỉ có được nếu người đàn ông kia từ bỏ bổn phận chiến đấu của mình trong cuộc chiến. Nhưng ngay cả lối thoát ấy cũng là một điều không tưởng bởi trong hoàn cảnh
chiến tranh chỉ tồn tại một kiểu nhân cách: nhân cách cộng đồng. Tình yêu của họ trở thành một nghịch lí với hoàn cảnh xã hội và kết cục không thể khác là họ phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Truyện ngắn Trại bảy chú lùn là nỗi buồn cô độc: “Cơ ngơi của Ynua lớn
dần lên nhưng gian khổ còn lớn mau hơn. Nhưng nặng nề nhất, khổ nhất là cảnh cô độc...Cô độc kinh người giữa bốn bề rừng già vây bọc”, “thật não nề...như bị bỏ quên”. Nỗi buồn ấy bàng bạc, lan tỏa cả câu chuyện về một người lính hậu cần. Hay
nỗi buồn sầu thảm của ông Phúc trong Thời tiết của ký ức, một nỗi buồn kéo dài
đằng đẵng hết cả một kiếp người. Trong Rửa tay gác kiếm phần lớn tác giả thể hiện
nỗi đau buồn của anh em binh lính khi chiến tranh đã đi qua, nỗi ám ảnh bi thương về quá khứ: “Rồi đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi tự nhủ lòng rằng không sao cả, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ
đã trải qua trong chiến tranh” [103,160]. Trong Bí ẩn của làn nước là nỗi buồn đau
éo le của người bố cứu con người khác mà không cứu được vợ con mình: “Có ngày nào mà tôi không ra đê ngắm làn nước trôi. Vợ tôi, con tôi và người đàn bà vô danh nhìn tôi từ đáy nước. Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử, tất cả đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi ấy là một niềm đau không thể nói nên lời” [102,34]. Đó là một nỗi buồn ngậm ngùi, nuối tiếc về một lá
thư không kịp bóc trong Lá thư từ Quí Sửu: “Từ bấy tới nay, thời gian mất đi đã