Chiến tranh khốc liệt, tàn bạo và hủy diệt

Một phần của tài liệu Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kỳ mới (Trang 49)

5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.1.1.2. Chiến tranh khốc liệt, tàn bạo và hủy diệt

Để nhận thức một chân lí cuộc sống, con người cần phải trải qua một quãng

đời nào đó, cần phải có một độ lùi nhất định, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh

những truyện ngắncủa Bảo Ninh đã có một độ lùi cần thiết như vậy. Được sống sót

trở về, được sống trong hòa bình để nhìn lại cuộc chiến mà cá nhân Bảo Ninh và thời đại ông vừa đi qua, nhà văn đã có một cái nhìn từng trải hơn, và từ đó có một

nhận thức sâu sắc, mang tính trải nghiệm hơn về bản chất của chiến tranh. Chiến tranh không chỉ có mặt anh hùng ca, mà khủng khiếp hơn chiến tranh để lại nỗi đau cả thể xác và tinh thần cho con người không chỉ ở một thế hệ, nó để lại một nỗi đau “truyền kiếp”.

Chiến tranh, trước hết là sự hủy diệt, là cái chết, là chấm dứt sự sống. Trong tác phẩm của Bảo Ninh, ngùn ngụt ngọn lửa thiêu cháy của chiến tranh, xác người

chất thành đống, máu chảy ngập tràn. Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh không phải

đợi khi anh trở thành người lính trinh sát ở mặt trận B3, mới cảm nhận được sự ác liệt và tàn bạo của chiến tranh. Kiên nhìn thấy chiến tranh với tất cả sự khốc liệt, tàn bạo ngay từ khi anh mới “chạm mặt” nó trên chuyến tàu chở anh và Phương vào ga Thanh Hóa. Ngay lúc đó với Kiên “chiến tranh trong phút chốc không còn là như anh vẫn tưởng” hình ảnh nhà ga Thanh Hóa “ngụt lửa, tanh bành, trụi nát...và rải rác những thân hình sóng sượt,...những tư thế khác nhau của xác chết bên đường”, sự hủy diệt của chiến tranh mà lần đầu tiên Kiên nhìn thấy. Vào mặt trận B3, trong hồi ức của Kiên, mở đầu là “mùa khô năm 69, mùa khô cực kỳ cùng khốn của toàn cõi B3, tiểu đoàn 27 độc lập, cái tiểu đoàn bất hạnh mà anh là một trong mười người may mắn còn được sống, đã bị bao vây rồi bị tiêu diệt mất hoàn toàn phiên hiệu, một trận đánh ghê rợn, độc ác bạo tàn...Mùa khô ấy, nắng gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị napam tróc khỏi công sự hóa cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông...thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng...Tiểu đoàn trưởng gào to, như điên, mặt tái lại, hốt hoảng hoa súng ngắn lên...anh ta tự đọp vào đầu mình, óc phọt ra khỏi tai”[100,6]. Chiến trận đã tàn bạo ghê rợn như vậy nhưng bãi chiến trường mà nó để lại thì còn khủng khiếp kinh hoàng gấp bội “những ngày sau đó quạ bay rợp trời, và sau khi bọn Mỹ rút thì mưa mù ập xuống, lụt rừng. Bãi chiến trường thành đầm lầy, mặt nước màu nâu thẫm, nổi váng đỏ lòm. Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa, xác muông thú cháy thui, trương sình trôi lẫn

với cành lá và những thân cây to nhỏ bị mảnh pháo băm. Khi lũ tan mọi vật trồi ra dưới nắng lầy nhầy bọc trong lớp bùn đặc ghê tanh như thịt thối” [100,7]. Sau trận mùa khô năm 69 là trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng chạp năm 1972 “những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch, lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy vào lúc rạng mơ sau một đêm B52 liên tục chần. Có thể tận mắt ngắm sườn đồi Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt như một mái nhà lợp bằng thây người” [100,85]. Những cái chết mà Kiên chứng kiến “đa dạng, nhiều màu vẻ” không phải chỉ có lính ta mà cả lính Mỹ “họ bị giết từng người một hoặc là hàng loạt, bị bắn gục tại chỗ hay bị thương mất máu chết dần, chưa kể tới bao nhiêu kiểu đọa đầy khác...những xâu lính Mỹ trẻ măng mình mẩy không chút sây sát, ngồi ngả đầu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn năm dưới những ngách hầm ngầm bị tống thủ pháo, những lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi,

bầy dòi và mùi da thịt khắm lặm của mình...”[100,85]. Còn đây là cảnh tượng kinh

hoàng của chiến tranh trong kí ức của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Lá thư từ

Quí Sửu :“Hầu như ngày nào sườn đồi cũng la liệt xác chết. Ban đêm, được dọn quang đi một phần, đến chiều hôm sau lại la liệt, chồng đống, bốc mùi. Đủ loại sắc lính ngụy đã thay thế nhau tấn công trung đội tôi và đã kế nhau nộp xác lại trên dốc

đồi 400” [103, 83], “Giữa đêm tối, tiếng rên la vật vã, tiếng kêu khóc và cả sự giãy

chết nữa không ngớt vẳng đến tai chúng tôi nghe như tiếng những hồn ma đang nấc nghẹn. Sườn đồi thành bãi tha ma lộ thiên với dập dờn hình bóng của bọn lao công

đào binh” [103,84 ], “Lại pháo, lại bom, lại những đợt tấn công thí mạng. Bị bắn

chết như rạ, tả tơi, xơ xác, tưởng đã phải cạn sức chịu đựng, phải tan tác, quị liệt, bọn lính chiến trung đoàn 53 vẫn tuân lện chỉ huy, nghiến răng, ùa lên, hứng đạn. Không còn là chiến trận nữa mà là tự sát hàng loạt. Khủng khiếp đến độ không thể

nào tin nổi vào thực cảnh”[103,85 ], “...máu người tưởng chừng có thể ngập đến

bụng chân” [103,87]. Còn đây là kí ức về “mùa hè đỏ lửa” đầy chết chóc của nhân

vật “tôi” trong Mùa khô cuối cùng “Năm 72, chiến sự rùng rợn giết hàng đống

người. Người chết, chết ngả rạ dọc các ngả đường, la liệt trên các nội cỏ và nổi lềnh phềnh trên mặt sông. Người còn sống sống ngắc ngoải, dở sống dở chết. Tứ phương

tan tác. Cả đến thiên nhiên cũng như thể bị hóa kiếp. Cảnh làng biến tướng”[102,78]. Dưới khói lửa của chiến tranh, chỉ trong thoáng chốc từ con người đến cỏ cây đều bị hủy diệt: “thực ra thì không làm gì còn làng nữa. Ngày trước làng ồn ào nhộn nhịp, nửa làng nửa phố, nhà cửa san sát, trù phú, thịnh đạt...Bây giờ thì...đều rữa nát và mục thối ra dưới những đống hoang tàn”[102,78+79].

Tính chất khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh không chỉ hủy diệt những gì là vật chất hữu hình mà nó còn hủy diệt cả tinh thần, nhân tính của con người. Can “một bản chất con nhà nông” vậy mà hàng ngày phải giáp mặt với cảnh chết chóc, đầu rơi máu chảy, tuy đã luôn tự nhủ là “tránh giết người bằng dao và lê, nhưng mà quen tay mất rồi.” Can ý thức được rằng “cứ bắn mãi, giết mãi thế này thì chết hoại tình người”. Còn Kiên từ một chàng trai đa cảm, một học sinh trường Chu Văn An (Hà Nội), hào hoa là vậy mà cũng có lúc trở thành một kẻ “chán trường, táo tợn...Kiên đứng phơi ra chúc họng súng xuống điên cuồng nã từng phát, từng phát đóng đanh lên cái thân xác còn nóng hổi sức sống đang oằn oại đau đớn trong cơn rùng giật giãy chết. Máu phọt tóe ướt ống quần Kiên. Rồi hai bàn chân in dấu đỏ

lòm trên cỏ, anh lại từ từ đi thẳng đến những tên thám báo khác...” [100,17], trước

mũi súng “dòng lính áo xám bị xe tăng rượt dồn tới để chết chồng chất vì tay Kiên”. Hành động của Kiên chỉ có thể là kết quả mà chiến tranh buộc con người phải làm như vậy để tồn tại. Dù là chính nghĩa thì hành động ấy cũng là sự hủy diệt, không phải chỉ anh mà “cả thế hệ anh đã lao vào trận chiến một cách hăng say, một cách

hung dữ, đã làm đổ máu mình, đổ máu người. Hàng đọi máu, sông máu”[100,118].

Thật xót xa khi nhân tính, nhân tình bị hủy diệt. Chiến tranh không có chỗ cho lòng nhân tồn tại, nếu anh nhân đạo thì anh sẽ phải chết. Hình ảnh cái chết của Tạo “voi”, của Oanh, những đồng đội cùng tổ trinh sát với Kiên là những minh chứng cho sự tàn phá của nhân tính con người. Tạo đã van Kiên “thôi, đừng bắn nữa ối giời ôi? Thôi đi mà...” [100,120] nhưng chỉ sau tích tắc Tạo “từ từ gập người xuống, hai bàn tay ôm ngực như đỡ lấy quả tim, mắt dại đi tuồng như đầy ngạc nhiên, nửa

lưng bên trái nở bung rất mạnh một bông hoa máu” [100,120]. Ánh mắt “tuồng như

đầy ngạc nhiên” của Tạo, phải chăng là sự không ngờ rằng anh phải trả giá quá nhanh cho lòng nhân đạo của mình?? Còn Oanh đã chết vì sự cao thượng của mình

“lưng của Oanh hứng trọn cả mấy viên đạn của kẻ bắn lén mặc váy”. Chiến tranh không hề có sự phân biệt đàn ông hay đàn bà, đâu là nhân tính, tình người, nó buộc những người trong cuộc chiến ấy phải trở nên bạo tàn, phải giết chóc để tồn tại, con người không thể cưỡng lại được mà phải tập quen dần với nó, coi đó là cuộc sống thường nhật có thể “ăn uống ngủ nghê ngay cạnh thi thể một con người mà cứ như không”. Còn có kẻ “chó má” và “khốn nạn” tới mức hành hạ ngay cả cái xác chết của một phụ nữ không chút nương tay, hắn “lôi cái xác cô gái xuống bậc tam cấp. Tóc tai xõa tung, gáy và sọ xác chết nảy bình bịch như trái banh...kéo sền sệt cái xác khốn khổ qua mặt sân bê tông loáng sáng nước mưa và nắng chói, rồi hụ, hắn choãi chân vặn lưng lấy đà, quăng mạnh liệng bổng người ta lên. Xoay lộn một vòng trong nắng, cái xác trắng rợn bay chênh chếch, rơi phịch xuống...” [100,99], làm cho những người chứng kiến, những con người “rất ngợp xác chết” cũng không thể ngờ được hành động ấy ở một đồng đội của mình, “tất cả những người đang ăn, đang cười đều bị vút một roi, đờ hết ra”. Nhân tính đã không còn. Cái giá phải trả cho sự hủy diệt của chiến tranh mang lại là vô cùng tàn bạo và khủng khiếp, kể cả trong ngày chiến thắng, với những người chiến thắng. Bởi “chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng”. Những người lính như Kiên và đồng đội của anh mãi mãi mang trong mình vết thương tinh thần khó lòng lành miệng “chả trở thành người bình thường được nữa đâu. Ngay cả giọng người, mẹ kếp xin nói là còn chán mới hòng có lại để giao tiếp với đời” [100,41]. Thật là xót xa cho những con người đã từng vào sinh ra tử để mong đem lại cuộc sống bình yên cho bao người. Vậy mà cuộc đời của họ lại không thể trở lại bình yên, hay nói một cách khác là sẽ mãi mãi không bao giờ còn bình yên được nữa. Họ đã bị bạo lực tàn bạo của chiến tranh hủy hoại cả nhân tính và nhân dạng.

Qua những trang văn của Bảo Ninh, những câu chuyện thương tâm xảy ra trong chiến tranh được nhà văn kể bằng một giọng buồn mênh mang khiến chúng ta không khỏi ớn lạnh trước những điều khủng khiếp mà chiến tranh có thể mang đến cho con người. Viết về những mặt trái của chiến tranh, Bảo Ninh không phải quay lưng lại với quá khứ như một số nhà phê bình nhận xét, mà Bảo Ninh cùng những

nhà văn viết về chiến tranh trong thế hệ ông đã dám nhìn thẳng vào sự thật, lên tiếng tố cáo chiến tranh vì quyền lợi của con người. Đó chính là giá trị nhân văn, là tầm phổ quát trong tác phẩm của Bảo Ninh. Chính bởi tiếng nói vì con người ấy mà trải qua thời gian với bao sóng gió tác phẩm của ông đã trở lại với bạn đọc, được đánh giá cao trong giới phê bình trong và ngoài nước.

Một phần của tài liệu Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kỳ mới (Trang 49)