Từ ngữ giàu sức biểu cảm

Một phần của tài liệu Đặc điểm phóng sự Trọng Lang (Trang 114)

Phóng sự Trọng Lang không chỉ mang tính chân thực khách quan mà còn giàu cảm xúc. Ngôn ngữ miêu tả đạt đến mức đặc sắc tạo nên cho câu văn nhiều sức gợi và giàu chất tạo hình. Đọc phóng sự Trọng Lang, nhiều khi giữa cái thê lương của xã hội người ta vẫn cảm nhận được chất thơ đầy thi vị. Cái tôi giàu cảm xúc được biểu hiện bằng thứ ngôn ngữ biểu cảm tinh tế.

Trong Hà Nội lầm than, Trọng Lang khi viết về gái giang hồ không chỉ là những câu chữ khách quan lạnh lùng, mà nhiều khi trước sự khổ nhục đến cùng cực, tác giả đã bộc lộ trực tiếp suy nghĩ trên từng câu chữ. Trong những quán bar của gái nhảy, chúng ta thấy một nghịch lý khi nụ cười của các cô gái được “tạo nên bằng đòn vọt”. Tác giả đã phải thốt lên: “Ở đây, chỉ có ở đây thôi, người ta đã lấy roi mây, cẳng tay, để tạo nên một cảnh thần tiên cho người có tiền. Ở đây, người ta mới thấy cái khổ “nên thơ” của ngót hai mươi người con gái biết điều và đẹp, có đủ tư cách để hưởng một đời sung sướng

Nguyễn Thị Định 111

của người làm vợ. Ở đây, người ta đã thấy cái nghệ thuật của sự giả dối hoàn toàn”[53, 101]. Việc lặp lại từ ngữ có ý nghĩa nhấn mạnh sự thật bất công, vô nhân đạo về con người. Khi đặc tả cảm xúc, tác giả thường dùng lối lặp từ: “Tôi tê tái cả lòng, khi nghe những câu chuyện có thể làm cho mặt trăng u ám đi được đó. Tôi nhìn bộ mặt tròn, trắng hếu toàn mỡ, thịt rung rinh, đôi mắt nặng mi, cái mồm rộng, đỏ như máu. Tôi nhìn cái bụng to đang xô lên, thụt xuống, sau lần lụa áo nhăn nheo”[53, 196]. Do ảnh hưởng quan điểm giai cấp nên khi viết về người lầm than, mặc dù xót xa thương cảm nhưng đôi khi tác giả vẫn rơi vào tự nhiên chủ nghĩa bằng những ngôn từ phản cảm.

Có khi, Trọng Lang viết về các cô gái nhảy bằng thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, bay bổng. Ví dụ, như viết về các cô nhảy ở quán bar, tác giả dừng từ ngữ so sánh, thấm đẫm chất văn chương: “như chim sơn ca, buồn bã, với tiếng gọi của rừng núi rộng, các cô sống theo tiếng gọi của đàn tâm có trăm ngàn điệu. Và sống lấy được, như người sợ chết vô cùng”[53, 103]. Hoặc đối với cô người thổ, tác giả thể hiện thứ cảm xúc liên tưởng chua xót: “Tôi hình dung ngay đến một cô gái thổ ngây thơ của rừng núi cao cả, mà Hà Nội chật hẹp, tàn khốc, đầy không khí vẩn đục, đã cướp mất bộ phổi, nhan sắc và một…ống chân”[53, 108]. Cảm xúc được bộc lộ trên từng câu chữ, tạo nên những trang viết đi sâu vào lòng người.

Viết về thôn quê, Trọng Lang thường dùng ngôn ngữ miêu tả đầy sức gợi. Cái đói nghèo tràn đến từng ngôi nhà nhỏ bé, rồi bệnh tật, đói rét. Những

câu văn nhẹ nhàng, giàu nhịp điệu, bàng bạc nỗi buồn xưa cũ: “Một mẩu đời

này, tôi đã được ngắm trong một cái ngõ ở ngoại ô. Giữa một gian nhà lá ẩm mốc, như cái nấm dại, chung đụng sớm tối ba gia đình của ba hạng người: bán kẹo, thợ đấu và cu ly xe. Ngày, khói nhiều hơn lửa; tối không thấy có đèn. Tôi thường thấy mồ hôi của họ thì nhiều, cả lúc trời rét nữa”[53, 271]. Giọng văn như trùng xuống, lắng đọng trong lòng người đọc nỗi ám ảnh về thân phận những người khốn cùng, quanh năm thiếu thốn. Sự co duỗi giữa câu văn

Nguyễn Thị Định 112 ngắn và câu văn dài tạo nên nhịp điệu tinh tế của cảm xúc. Ngôn ngữ miêu tả giàu chất thơ thể hiện qua khung cảnh thiên nhiên làng quê thanh bình, yên ả: “Ánh chiều tan dần dần như sương để ngấm vào cái buồn thê thảm đến bật nổi lên thành màu vàng, ngấm vào cái yên lặng đang rung lên vì một cái lá tre rơi, trước mặt tôi, đã rơi vì hơi thở của đôi chim gáy. Tôi bất giác nhìn anh K. Thấy anh đang nghếch nghiêng bộ mặt vàng sạm, đợi một cái gì. Tôi tưởng anh đón những tiếng chuông thu không quen rồi, của những chiều chiều, vì tiếng nhạc một điệu ấy vừa âm lên xong, qua những tiếng xì xào của yên lặng, như để báo cái chết âm thầm của sự sống ở chỗ này, cái chết của tư tưởng, của tâm hồn, của tất cả và tất cả!”[53, 438]. Từng câu chữ như thấm đẫm hồn của cảnh vật, những rung động tinh vi nhất của con người trước buổi chiều tàn phảng phất trên trang viết, day dứt và ám ảnh. Buổi chiều tàn dần với màu vàng héo úa, với lá rơi và tiếng chuông thu không, sự yên lặng đến tịch mịch gợi nên trong lòng người đọc những suy nghĩ về sự sống và cái chết, về nỗi buồn nhân thế mênh mang xa vắng.

Ngôn ngữ miêu tả trau chuốt, mang cả hồn quê vào từng câu chữ. Quê dù buồn thế nào vẫn là nơi yên tĩnh, không náo nhiệt, bụi bặm như thị thành. Vào những buổi sáng, đi dạo trên con đường làng, người ta sẽ cảm nhận rất rõ

bầu không khí mát mẻ, thanh sạch: “Lúa xanh từng đám rủ xuống, còn đọng

nước mưa, long lanh như nước mắt.(…).Và tôi đã tìm thấy, cũng trong ánh sáng của trời, cái vẻ đẹp đau đớn trên một manh áo rách khô héo, cái vẻ đẹp u nhã phủ một mô đất, một cụm tre, một nhánh cỏ. Tức là tất cả cái sạch sẽ, lành và đẹp của quê hương, tất cả những ánh sáng mà tâm hồn mong ước, những lúc ở trên tỉnh, tâm hồn chỉ thấy trời vẩn bụi và không to hơn cái cửa sổ”[53, 356]. Cảm xúc về thiên nhiên và con người có sự hòa hợp tinh tế đồng điệu. Ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh gợi nên những nét vẽ mộc mạc về bức tranh quê hương. Chỉ bằng vài nét chấm phá, thiên nhiên hiện lên sinh động, nên thơ, giàu sức gợi.

Nguyễn Thị Định 113 Viết về những đứa trẻ, Trọng Lang đặc biệt dùng vốn ngôn ngữ biểu cảm để thể hiện cho được sức chịu đựng và lòng yêu đời của những em bé

sống trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn. Mở đầu phóng sự Những đứa trẻ

thiên nhiên mùa thu chớm cái hơi lạnh của mùa đông. Bằng từ ngữ giàu hình ảnh, người đọc như tận mắt chứng kiến không gian mùa thu: “Từ trên ngọn cây xao xuyến đã đốm vàng. Thu thủ thỉ đã về, muộn quá và sớm quá, trong lòng người. Muộn, cho những người sẵn tiền và quần áo rét, đang đợi một tết trung thu tưng bừng, một mùa đông rồi một mùa xuân yên ổn hơn. Và sớm, sớm quá, cho những người đang quằn quại trong thiếu thốn, đã từng biết thế nào là đói rét, nhất là rét. Thật ra, thu năm nay có đeo cái hơi đông chớm ở trong lòng. Thu năm nay làm cho tôi nghĩ đến cái gì lạnh lẽo, đến một kiếp sống tàn tạ và một kiếp sống bắt đầu”[53, 343]. Thiên nhiên làm phông nền, để mô tả về cuộc sống con người. Trước sự biến chuyển của thời tiết khắc nghiệt, người ta càng hiểu rõ thân phận và sự khốn cùng của những đứa trẻ mồ côi. Từ ngữ biểu cảm làm cho người đọc có cảm giác bước chân của mùa thu nhẹ nhàng, êm ái, đang lướt trên cảnh vật, báo hiệu cho một mùa đông ảm đạm sắp đến trong lòng người. Mùa đông về trên vỉa hè của những con phố: “Lá rụng tơi bời, còn có chỗ đất để mà rơi. Những mảnh đời lang thang, những đứa trẻ đáng thương ấy, trời rét đã xua đi. Chúng sẽ “rơi” vào đâu? Tôi đem câu hỏi này ra ngoài đường giữa lúc “gió” đang phi trên lưng một con vật có lẽ là tròn, có bước đi xoáy trôn ốc và hơi thở rít lên từng hồi như những tiếng còi vẳng. Đường phố đã tới lúc giống một cái hầm thun thút sâu vào trong đêm. Thà rằng nó tối hẳn. Tối rùng rợn như một cái ngục. Lửa đêm lại còn lé tự các khe cửa ra, để cho tôi thấy cảnh no nê, ấm cúng của những gia đình ”[53, 371]. Ngôn ngữ phóng sự đã trở nên biểu cảm hơn nhờ từ ngữ miêu tả giàu hình ảnh. Người đọc có cảm giác như đang xem bức tranh cận cảnh sống động. Cái tôi giàu cảm xúc tạo cho ngôn ngữ phóng sự biểu cảm, giọng văn nhẹ nhàng, man mác nỗi buồn về cuộc sống nhân sinh. Con người

Nguyễn Thị Định 114 luôn được đặt trong mối tương quan với thiên nhiên, hòa hợp và thích ứng với mọi điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên để sống và vươn lên. Không gì có thể dập tắt được ngọn lửa sống trong tâm hồn những đứa trẻ. Bằng ngôn ngữ miêu tả đậm chất văn chương, Trọng Lang đã khắc họa được vẻ đẹp của sự sống đang mạnh mẽ dâng lên ở những đứa trẻ “lầm than” nhất, sống dưới đáy xã hội. Cậu bé Bát Sách sinh ra và lớn lên giữa lòng thiên nhiên, với những

dòng sông mênh mang, cuộn chảy. “Ở đây, nó muốn nói đến dòng sông lừng

lờ, giết người ở trong lòng, nhưng lại nuôi sống người bằng cái sống ở trong lòng. Ở đây, hay là tất cả một mảnh trời bao la, gió trời, mây trời, chứ không phải là nước sông nuôi chuột, không phải là tử khí của nước cống và những cổng nhà tiêu. Ở đây, nó có thể đói rét được, nhưng nó dễ thở hơn. Cái đói có thể hành hạ nó, nhưng cái đói ấy có thể quên được, khi lòng còn nhiễm đầy thi vị và cao cả của thiên nhiên. Ở đây, khác với đằng kia, ở chỗ người ta tranh nhau từng hơi thở một, ở chỗ mà có khi cái “nó” lại là một tâm trạng bi đát, ở chỗ có khi người ta phải bực mình mà… no, một cách vô lý. Mà đều, thằng Bát Sách nó nghĩ giống hẳn như tôi không?”[53, 380]. Khi cần nhấn mạnh cảm xúc, tác giả hay dùng những điệp từ ở đầu câu văn. Đoạn văn nói về những suy nghĩ rất tinh tế mà tác giả khám phá ra từ chất thơ trong tâm hồn chú bé Bát Sách, từ chất thơ được chắt lọc qua bao nỗi đời dâu bể. Đọc những câu văn như thế khiến tâm hồn con người ta nhẹ nhõm, bay bổng, khao khát tự do, ánh sáng, khao khát cuộc sống phóng khoáng không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh.

Với nghệ thuật sử dụng từ ngữ biểu cảm, Trọng Lang đã tạo nên trang viết phóng sự đậm chất văn chương, hấp dẫn người đọc. Đây là cách truyền tải thông tin một cách nghệ thuật, làm giảm đi sự khô khan của một thể loại báo chí, làm cho nó lại gần với văn học hơn.

Nguyễn Thị Định 115

C - KẾT LUẬN

Phóng sự là nhịp cầu nối giữa báo chí và văn học. Bản chất phóng sự vốn là một thể loại báo chí, nhưng trong quá trình và phát triển đã có sự giao lưu với thể loại văn học, tạo nên một đặc trưng độc đáo của thể loại này. Phóng sự không đơn thuần làm nhiệm vụ đưa tin, phản ánh sự kiện mà còn thấm đẫm giá trị nghệ thuật.

Phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đạt được những thành tựu rực rỡ cả về nội dung và nghệ thuật, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Nó là kết quả của sự phát triển đột biến thể ký truyền thống, là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử nhiều biến động, là con đẻ của quá trình văn hóa, văn học phương Tây ảnh hưởng vào Việt Nam. Phóng sự Việt Nam giai đoạn này phản ánh một cách trung thực, sinh động các vấn đề của hiện thực, tạo nên sự đa dạng trong hệ thống chủ đề. Đồng thời các thiên phóng sự cũng rất chú trọng đến nghệ thuật biểu hiện, sáng tạo trong nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Tên tuổi của các cây bút như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp… cùng với những thiên phóng sự nổi tiếng tạo nên diện mạo mới cho văn học Việt Nam giai đoạn này, góp phần thức đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Trọng Lang là cây bút chuyên viết phóng sự, với số lượng tác phẩm khá phong phú. Phóng sự của ông tập trung chủ yếu vào hai mảng hiện thực đó là cuộc sống ở thành thị và nông thôn. Các vấn đề nổi cộm của đời sống được Trọng Lang khai thác ở nhiều khía cạnh. Vì thế, bức tranh hiện thực trong phóng sự của ông hiện lên rõ nét, sinh động, hấp dẫn, có ý nghĩa tích cực đối với đời sống tinh thần của người dân lúc bấy giờ. Đối với đời sống thành thị, tác giả tập trung phản ánh các tệ nạn như nạn mại dâm, nghiện hút, trộm cắp, cờ bạc…đó là kết quả tất yếu của xã hội buổi giao thời. Đối với đời

Nguyễn Thị Định 116 sống nông thôn, Trọng Lang lại hướng ngòi bút vào nỗi khổ của kiếp “làm dân” bị bần cùng hóa, thậm chí tha hóa cả về “nhân hình” lẫn “nhân tính”. Viết về các vấn đề của hiện thực, Trọng Lang thường thể hiện một cái nhìn thương cảm đối với con người, nhất là những người cùng khổ, dưới đáy xã hội. Những trang viết của ông mang ý nghĩa sâu sắc đối với việc cải tạo đời sống dân sinh. Người đọc không khỏi xúc động khi đọc những trang viết thấm đẫm cảm xúc, tình yêu thương giữa những con người, làm cho người ta sống tốt hơn, nhân văn hơn nữa. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, Trọng Lang đã rơi vào cảm quan tự nhiên chủ nghĩa, khi nhìn con người nhất là những cô gái điếm với một cái nhìn méo mó, lệch lạc, mà chưa thấy được vai trò của những người có quyền hành trong việc cải cách xã hội. Tác giả mới nhìn thấy quá trình bần cùng, tha hóa của con người mà chưa tìm ra được biện pháp hữu ích để đưa con người thoát khỏi cuộc sống tù ngục ấy.

Xét về thành công của nghệ thuật biểu hiện, Trọng Lang đã tạo nên một lối viết riêng khá ấn tượng đối với công chúng. Đọc phóng sự của tác giả này, người ta sẽ thấy dư âm của nỗi buồn nhân thế, man mác chất thơ được cất lên từ trong bùn lầy, đói khổ. Nỗi buồn ấy, chất thơ ấy thoát ra từ một quan niệm viết đặt tình thương là đích đến, từ cái tôi giàu cảm xúc, từ nghệ thuật tả điêu luyện, đặc sắc, tinh tế. Chúng ta nhận thấy qua từng trang phóng sự, dù hiện thực có nặng nề đến đâu, u ám đến đâu thì người ta vẫn có những lúc lắng lòng mình lại, nhẹ nhàng và khao khát hạnh phúc, những khoảnh khắc hạnh phúc, trân trọng những gì mình đang có. Thiên nhiên hiển hiện trong phóng sự Trọng Lang khi rõ ràng và sắc nét khi thoáng qua nhưng đầy ngụ ý. Đó là phông nền cho nhân vật bước ra và hoạt động. Ngôn ngữ miêu tả sinh động làm cho phóng sự mang đậm tính tạo hình. Phóng sự Trọng Lang với đặc điểm nghệ thuật đặc sắc đã tiến lại gần hơn với văn chương. Sự giao thoa về mặt thể loại giữa báo chí và văn học, là một đặc điểm của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 và phóng sự Trọng Lang cũng không nằm ngoài đặc

Nguyễn Thị Định 117 điểm đó. Các yếu tố nghệ thuật được sử dụng vào trong phóng sự làm cho hiện thực được phản ánh chân thực và ấn tượng hơn. Đây chính là điều lý giải vì sao, phóng sự Trọng Lang nói riêng và phóng sự thời kỳ này nói chung có giá trị văn học, tồn tại bền lâu cùng thời gian.

Có thể nói, Trọng Lang là cây bút viết phóng sự tiêu biểu của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Với những thành công về nội dung cũng như nghệ thuật biểu hiện, phóng sự Trọng Lang đã có những đóng góp đáng kể, tạo nên thành tựu rực rỡ của phóng sự giai đoạn này. Khi nhắc đến tên tuổi những nhà viết phóng sự giai đoạn này, người ta sẽ không thể không

Một phần của tài liệu Đặc điểm phóng sự Trọng Lang (Trang 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)