Sự thành công trong nghệ thuật biểu hiện

Một phần của tài liệu Đặc điểm phóng sự Trọng Lang (Trang 33 - 40)

Bên cạnh giá trị hiện thực sâu sắc, phóng sự Việt Nam 1930 -1945 đã đạt được thành công về nghệ thuật biểu hiện, góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Phóng sự không chỉ thu hút người đọc về nội dung thông tin mà còn hấp dẫn ở phương thức nghệ thuật truyền tải thông tin tới bạn đọc. Do một đội ngũ các nhà văn tham gia viết phóng sự nên phóng sự thời kỳ này có sự giao thoa chất “văn” và chất “báo”, làm cho những trang viết phóng sự trở nên sinh động và nên thơ hơn. Nghệ thuật viết phóng sự đã làm nên sức sống lâu bền cho phóng sự giai đoạn này. Một số phóng sự Việt Nam thời kỳ 1930 -1945 cũng đã chứng tỏ sức sống lâu bền của mình trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.

Nguyễn Thị Định 30 Nghệ thuật biểu hiện trong phóng sự Việt Nam 1930 – 1945, chủ yếu thể hiện ở các khía cạnh như nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.

Khác với truyện ngắn và tiểu thuyết, với đặc trưng thể loại là “thăm dò lấy việc là ghi lấy việc”(Vũ Ngọc Phan). Phóng sự ám ảnh người đọc không phải bằng sự hư cấu và trí tưởng tượng của nhà văn mà phản ánh hiện thực theo nguyên tắc “sự kiện phải có thực bằng hình thể, trông thấy hoặc nghe thấy được ”. “Sức thuyết phục của phóng sự trước hết là ở khả năng phản ánh chân thực đến từng chi tiết sự kiện, đối tượng được miêu tả, đem đến cho người đọc cái cảm giác được sống “y như thật””[57, 55]. Nhà báo phải thực sự là người chứng kiến trải nghiệm hiện thực, có óc phân tích, nắm bắt, xét đoán sự kiện nhanh nhạy để tìm linh hồn, điểm cốt yếu của vấn đề cần được phản ánh và giải quyết. Mỗi tác giả lại có riêng cho mình một phương thức tiếp cận hiện thực khác nhau, cùng một vấn đề nhưng mỗi người tiếp xúc ở một khía cạnh khác nhau, làm cho vấn đề phản ánh được chân xác hơn. Xã hội Việt Nam 1930 -1945, bộn bề những vấn đề nan giải, đòi hỏi nhà viết phóng sự phải biết đi sâu vào ngõ nghách đời sống, phản ánh vấn đề có chiều rộng và chiều sâu, thậm chí họ còn là người tham gia sự kiện, là một nhân vật trong sự kiện. Người viết phóng sự phải nắm bắt được “cái thần” hiện thực một cách nhanh chóng, lựa chọn những sự kiện tiêu biểu. “Nếu như Ngô Tất Tố lựa chọn đối tượng của phóng sự là những người nông dân với những sự kiện, lối sống ở làng quê thì Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Trọng Lang lại lựa chọn con người sự kiện ở nơi thị thành phồn hoa. Vũ Trọng Phụng lên ngôi “ông vua phóng sự đất Bắc” với những cái nhìn sắc sảo về các “kỹ nghệ nghề” ở thành thị, thì Nguyễn Tuân đạt đến trình độ cao của sự miêu tả hiện tượng nghiện hút ”[29, 106].

Phóng sự thời kỳ này, tiếp cận hiện thực ở những vấn đề bản chất nhất, điển hình nhất. Các tác giả với tài năng của mình đã biết sâu chuỗi các sự kiện,

Nguyễn Thị Định 31 làm thành một hệ thống logic, do đó vấn đề được phản ánh vừa mang tính khái quát, vừa mang tính cụ thể sinh động. Để làm được điều đó, người viết phóng sự phải đi sâu tìm hiểu, khám phá, nắm bắt sự kiện, đồng thời phải có đầu óc thâu tóm vấn đề. Bức tranh hiện thực vừa có những gam màu sáng, lại thêm những khoảng tối được phơi bày. Nhà viết phóng sự trở thành như một nhà họa sĩ vẽ nên hiện thực với đủ các gam màu bằng ngòi bút điêu luyện, dạn dày kinh nghiệm của mình. Hai mảng hiện thực lớn nhất, có nhiều phóng sự đề cập đến nhất là đời sống thành thị và đời sống nông thôn. Đối với thành thị, các tác giả chủ yếu tập trung phản ánh các tệ nạn xã hội như nạn mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, sự ảnh hưởng văn hóa Âu Tây vào nếp sống thị thành. Đối với nông thôn, vấn đề nổi cộm qua các phóng sự là sự đói nghèo, bần cùng hóa của người nông dân, hủ tục lạc hậu, văn hóa tín ngưỡng... Ngoài ra, các tác giả còn tiếp cận một số đề tài khác như phong cảnh quê hương, sự hà khắc của chế độ nhà tù thực dân.

Tính chân thực của phóng sự(1930 -1945) còn được thể hiện ở chỗ vấn đề mà phóng sự nêu ra được chứng minh bằng những dữ liệu cụ thể. Khi viết về tệ nạn mại dâm, Vũ Trọng Phụng trong Lục xì đã điều tra và nêu lên những số liệu cụ thể, làm bạn đọc phải kinh ngạc, về sự thật này: “năm 1937, Hà Nội có 5000 gái điếm, 16 nhà thổ chung, 15 nhà điếm riêng, 377 phòng ngủ trong các nhà săm”. Nguyễn Trần Ai trong Túp lều nát đã thống kê hàng loạt vụ tham ô ở các tỉnh trong những năm 1933 -1934 như “Thanh Hóa 8 vụ, Nghệ An 21 vụ, Hà Tĩnh 24 vụ, Thừa Thiên 18 vụ, Quảng Nam 28 vụ, Quảng Ngãi 46 vụ... tổng cộng 136 vụ”.

Mỗi người có một cách tiếp cận và phản ánh riêng. Ngô Tất Tố viết nhiều về nông thôn với những hủ tục, luật lệ hà khắc. Vũ Trọng Phụng lại tập trung ngòi bút của mình vào cuộc sống ở thành thị. Tài năng của nhà viết phóng sự thể hiện ở năng lực lựa chọn vấn đề. Cuộc sống phức tạp có vô số những sự việc, nếu tác giả không biết nắm bắt sẽ rơi vào tình trạng mô tả lan

Nguyễn Thị Định 32 man. Các nhà viết phóng sự 1932 – 1945 đã tiếp cận hiện thực từ nhiều góc độ và khoảng cách tiếp cận khác nhau, khi thì cận cảnh, khi thì bao quát toàn cảnh. Với cách tiếp cận này khiến phóng sự 1932 – 1945 phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, toàn diện hơn.

Một trong những đặc điểm nghệ thuật của phóng sự 1930 -1945 mà chúng ta không thể bỏ qua đó là việc các phóng sự với tư cách là thể loại báo chí nhưng đã sử dụng thành công các yếu tố nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết. Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại đã nhận xét: “viết được một thiên phóng sự cho hay, nhà viết báo không những cần phải có tài đặc biệt về nghề báo mà còn cần phải có nhiều chất văn sỹ mới được”. Giữa phóng sự và tiểu thuyết có sự giao thoa về mặt thể loại. Một số phóng sự của các tác giả như Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Ngô Tất Tố, Tam Lang... đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết ở những khía cạnh như dung lượng phản ánh, kết cấu tác phẩm, nghệ thuật miêu tả và dựng chân dung nhân vật. Xuất phát về mặt bản chất, tiểu thuyết và phóng sự đều có điểm chung trong việc phản ánh hiện thực xã hội. Nếu tiểu thuyết là những chuyện “đầu đường xó chợ” thì phóng sự cũng đi sâu vào mọi ngõ nghách của đời sống để phản ánh. Sự giao thoa về mặt thể loại giữa phóng sự và tiểu thuyết là kết quả của sự vận động và phát triển đa dạng, phong phú của nền văn học đương đại. Thể loại tiểu thuyết lãng mạn cũng như tiểu thuyết hiện thực phát triển rầm rộ. Sự ảnh hưởng của nó đến các thể loại khác có thể coi là điều dễ nhận ra. Hơn nữa, bản thân người phản ánh và sáng tạo lại là các nhà văn bậc thầy về tiểu thuyết.

Phóng sự 1930 – 1945 có bề dày đáng kể. Cụ thể như Hà Nội lầm than,

Cạm bẫy người, Lục xì... đều hơn 100 trang không kém gì độ dài của tiểu thuyết. Điều đáng nói là bản thân các thiên phóng sự đã phản ánh được phạm vi hiện thực rộng lớn trong không gian và thời gian, với từng nốt thăng trầm của số phận nhân vật. Giọt lệ sông Hương của Tam Lang là phóng sự mang đậm chất tiểu thuyết. Những trang viết thẫm đẫm nước mắt tủi về người con

Nguyễn Thị Định 33 gái. Quãng đời 14 năm đã qua của cô gái cứ lần lượt hiện lên qua từng dòng hoài niệm, từ khi 10 tuổi đến năm 24 tuổi, cô đã dấn thân vào cuộc đời phong trần gió bụi. Hiện tại đối với cô là hơi thở tàn: “bây giờ em đã gần đất xa trời, một bông hoa tàn, cũng không còn mong có ngày được tươi nữa... Từ hôm vào viện đến giờ, em chỉ còn mong có cái chết, đã mấy lần ngất đi mà không nhắm được mắt”[51, 121]. Thời gian trải dài từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Không gian cũng mở rộng ra khắp mọi miền của đất nước. Tính chất phong phú, đa dạng của sự kiện mang đặc điểm của mỗi vùng miền. Phóng sự của Vũ Trọng Phụng tập trung ở không gian thành thị, mở rộng ra ngoại ô. Còn Ngô Tất Tố thì ấn tượng mạnh với không gian nông thôn, rất nhiều làng quê được nhắc đến trên trang viết của nhà văn này, mỗi nơi một vẻ, một tục lệ làm nên tín ngưỡng văn hóa của dân tộc giữa thời buổi Tây Tàu nhố nhăng. Ngòi bút Ngô Tất Tố cứ trải dài trên các làng quê Việt, ta bắt gạp trên trang viết của ông có khi là một lề thói cũ nên bỏ, hay những nghi lễ cúng bái rườm rà, đôi khi lại nhẹ lòng với hồn quê hương thanh bình yên ả. Sự sắc bén trong nắm bắt sự kiện theo dòng thời gian hay tỏa rộng về không gian địa lý cũng là yếu tố quan trọng tạo nên bức tranh hiện thực rộng lớn trong phóng sự 1930 -1945.

Yếu tố của nghệ thuật tiểu thuyết còn được thể hiện ở cách nhà phóng sự xây dựng nhân vật điển hình. Đó là “người lạ mà quen biết”, vừa mang tính khái quát đại diện cho một hạng người, một tầng lớp người trong xã hội, lại vừa mang những nét cụ thể, rất riêng không thể lẫn được. Vũ Trọng Phụng là người thành công nhất trong việc xây dựng nhân vật điển hình trong phóng sự.

Nhân vật Ấm B trong Cạm bẫy người là một điển hình cho hạng người cờ bạc

bịp. Đồng thời ông ta lại có những nét riêng không thể lẫn với người khác. Ấm B hiện ra với nhiều tư cách, nhiều đặc điểm, Ấm B có “thừa tư cách nói chuyện”, Ấm B cũng là người sống có trước có sau, có thể bỏ đám bạc để đi dự đám tang người bạn mới qua đời. Những tính cách đối lập nhưng lại thống nhất trong một con người: vừa “làm việc thiện để đền ơn việc thiện, lấy việc ác

Nguyễn Thị Định 34 để trả nghĩa việc ác” vừa “nghĩa khí trong sự ăn ở với nhau như bọn Lương Sơn Bạc”. Các cốt truyện của phóng sự phần lớn xây dựng theo sự phát triển của tính cách nhân vật. Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp cốt truyện được xây dựng dựa trên cuộc đời bác Vuông, từ khi gia đình bác còn đoàn tụ với việc buôn bán, cho đến khi bác lấy vợ bé, bác Vuông gái mất, gia đình ly tán, bác Vuông phát điên vì bế tắc.

Sự tham gia của yếu tố nghệ thuật tiểu thuyết vào phóng sự là một đặc trưng tạo nên tính hấp dẫn độc đáo của phóng sự giai đoạn 1930 – 1945. Ngoài tính thời sự cập nhật, sức hấp dẫn của phóng sự Việt Nam 1930 – 1945 chính là cái “chất văn sĩ” này.

Cùng với nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật sử dụng các yếu tố của nghệ thuật tiểu thuyết trong phóng sự, thì nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ cũng là một nét nghệ thuật đặc sắc của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 -1945. “Châm biếm là một trong những thủ pháp nghệ thuật dùng lời lẽ sắc sảo cay độc, thâm thúy để vạch trần thực chất xấu xa của những đối tượng và hiện tượng này đã có truyền thống trong văn học và được các tác giả Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Hoàng Đạo... sử dụng khá đắc địa trong các tác phẩm của mình nhằm đả kích thói khoe khoang, nịnh hót và nạn tham nhũng của bọn quan lại triều đình cũng như bọn lý trưởng, lý dịch ở chốn hương thôn”[57, 60]. Phóng sự Trước vành móng ngựa của Hoàng Đạo viết về luật pháp và tòa án bằng giọng văn hài hước châm biếm sâu cay. Luật pháp và sự công bằng thuộc về kẻ thế lực, có nhiều tiền. Những người bị khép vào tội du đãng trong khi trong túi lại có 6 xu, còn từ 7 xu trở lên lại không phải là du đãng. Một sự thật nực cười và trớ trêu, cười ra nước mắt khi một người nghèo không có tiền nuôi con, phải đem con đi bán bị phạt tù 6 tháng. Còn kẻ mua đứa bé về kinh doanh thì sau phiên tòa vẫn nhởn nhơ, tươi cười vì “vốn liếng chưa đến nỗi đi đời nhà ma”. Trong phóng sự Việc làng, Ngô Tất Tố miêu tả một cách hài hước cuộc tranh giành

Nguyễn Thị Định 35 của đám chức sắc trong làng: “Ồ lạ! Trong đám ẩu đả lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc... Trên bãi chiến trường còn lại một bọn tuần đinh với một đám độ hơn mười người hầu hết mặc áo thụng. Cái gì thế nhỉ? Hay là ở đây cũng là cửa Khổng, sân Trình, cho nên dù là đánh nhau, cũng phải giữ lễ”. Những sự thật vô lý, bất công cứ diễn ra hàng ngày như thường lệ. Đằng sau sự hài hước, dí dỏm của nhà văn là những trang viết thấm đẫm sự xót xa với những kiếp con sâu cái kiến. Trong tác phẩm Long cụt cán, chúng ta thấy tác giả đả kích một hiện tượng xã hội đang rộ lên của các bà trưởng giả thị thành “phụ nữ nên dùng giày hay dép để đi lượn”. Nghệ thuật châm biếm được các nhà viết phóng sự sử dụng khá thành công. Thông qua yếu tố hài để lột tả hiện thực sinh động, làm giảm đi sự nhàm chán, đơn điệu của thông tin trong phóng sự.

Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong phóng sự giai đoạn này cũng được các tác giả chú ý sáng tạo. Đó là thứ ngôn ngữ gần với đời sống, sử dụng các khẩu ngữ, tiếng lóng, thậm chí cả những đoạn đối thoại và ngôn ngữ biểu cảm. Mỗi một kiểu loại nhân vật, với loại nghề nghiệp khác nhau đều có ngôn ngữ đặc trưng riêng. Điều đó góp phần tạo nên sự thành công của nghệ thuật viết phóng sự.

Có thể nói, phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 -1945 đã đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật đặc sắc. Điều đó làm cho những thiên phóng sự trở nên giàu tính văn chương, hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên, một số phóng sự rơi vào lan man, dài dòng, ôm đồm quá nhiều chi tiết, khả năng phản ánh hiện thực thiếu tính khái quát.

Nguyễn Thị Định 36

Chương 2

Một phần của tài liệu Đặc điểm phóng sự Trọng Lang (Trang 33 - 40)